Thói quen xấu làm lây nhiễm vi khuẩn H.P

Ăn uống không đảm bảo vệ sinh, rửa tay qua loa làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn H.P.

Bác sĩ Hoàng Nam, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết hầu hết người nhiễm vi khuẩn H.P đều không có triệu chứng và biến chứng. Có khoảng 5-10% trường hợp phát triển các vấn đề nghiêm trọng như loét dạ dày hoặc tá tràng, ít gặp hơn là ung thư dạ dày.

Vi khuẩn H.P thường tấn công niêm mạc dạ dày, lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác qua đường miệng – miệng và đường phân – miệng khi thức ăn nhiễm phân bẩn. Vi khuẩn H.P gây ra các bệnh như loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày.

Một số thói quen dưới đây làm tăng khả năng lây nhiễm vi khuẩn H.P cần tránh.

H.P có thể lây lan khi tiêu thụ thực phẩm hoặc nước nhiễm vi sinh vật được bài tiết qua phân của người nhiễm bệnh. Các yếu tố có thể gồm sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, rửa thực phẩm không kỹ, quá trình chế biến thức ăn chưa tuân thủ quy tắc an toàn, sống ở những khu vực có nguồn cung cấp nước ô nhiễm.

Vi khuẩn này gây ra thay đổi ở dạ dày và tá tràng (phần đầu của ruột non). Vi khuẩn lây nhiễm vào mô bảo vệ lót dạ dày dẫn đến giải phóng một số enzyme và độc tố, kích hoạt hệ thống miễn dịch.

Các yếu tố này trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn thương các tế bào của dạ dày hoặc tá tràng, gây ra viêm mạn tính ở thành dạ dày (viêm dạ dày) hoặc tá tràng (viêm tá tràng). Dạ dày và tá tràng dễ tổn thương hơn từ dịch tiêu hóa như axit dạ dày.

Bác sĩ Hoàng Nam dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy thức ăn đóng vai trò nhất định trong việc tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa. Người có chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc, các loại hạt ít nhiễm H.P hơn. Vitamin C trong trái cây và rau quả giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày, ngăn ngừa tiến triển nhiễm H.P.

Polyphenol có trong các loại quả mọng (việt quất, mâm xôi, dâu tây), mật ong, chất béo không bão hòa omega-3, dầu ô liu, chất curcumin (có trong nghệ), tỏi trong chế độ ăn góp phần bảo vệ niêm mạc dạ dày và ngăn chặn vi khuẩn hình thành.

Ngược lại, người có chế độ ăn nhiều natri, ngũ cốc tinh chế, thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đường bổ sung và thực phẩm khô, ngâm hoặc hun khói có liên quan đến tăng nguy cơ nhiễm H.P.

Người ăn trái cây và rau quả ít nhiễm H.P hơn tiêu thụ thực phẩm nhiều chất bột đường.
Người ăn trái cây và rau quả ít nhiễm H.P hơn tiêu thụ thực phẩm nhiều chất bột đường.

Bác sĩ Hoàng Nam cho biết thêm H.P có thể lây từ người này sang người khác, được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám trên răng và phân. Nhiễm trùng có thể lây lan qua hôn và truyền vi khuẩn từ tay của người chưa rửa kỹ sau khi đi tiêu. Mọi người nên bảo vệ sức khỏe bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ, test H.P khi có nghi ngờ, tạo thói quen rửa tay đúng cách (20 giây) bằng xà phòng và nước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Loét dạ dày tá tràng gây ra nhiều triệu chứng khác nhau hoặc không có biểu hiện. Các triệu chứng thường gặp như đau âm ỉ hoặc nóng rát ở dạ dày (thường xảy ra vài giờ sau khi ăn và vào ban đêm), đầy hơi, mệt mỏi, cảm thấy no sau khi tiêu thụ lượng nhỏ thức ăn, buồn nôn hoặc nôn… Nhiễm H.P cũng có thể hình thành viêm niêm mạc dạ dày mạn tính, viêm mạn tính lâu ngày dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột và có nguy cơ thấp dẫn tới ung thư dạ dày.

Người nghi ngờ nhiễm vi khuẩn H.P nên đến bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa để nội soi đường tiêu hóa trên, test H.P qua hơi thở, xét nghiệm phân… Dựa vào kết quả, bác sĩ có chỉ định điều trị với các loại thuốc phù hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục