Khoa Thận nhân tạo cơ sở An Đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng), đang điều trị cho 56 người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ, trong đó có 20 người 18-35 tuổi…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lí về thận và mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 – 10 triệu người.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Đáng lo ngại hơn, trong những năm trở lại đây, tỉ lệ người bệnh trẻ tuổi mắc bệnh và phải lọc máu chu kỳ tăng 5-10%, trở thành gánh nặng cho y tế, gia đình và xã hội.
Nếu như trước đây, bệnh chỉ xuất hiện ở nhóm người trên 60 tuổi, thì hiện nay, tỉ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18-30 tuổi chiếm đến 25%.
Tình trạng người bệnh suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa, số người cần phải lọc máu tiếp tục có xu hướng tăng là thách thức không hề nhỏ đối với ngành y tế và là hồi chuông báo động tới tất cả mọi người. Đặc biệt, bệnh thận thường diễn tiến âm thầm, rất khó phát hiện và người bệnh đến bệnh viện điều trị đều đã ở giai đoạn nặng.
Theo BSCKII. Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo cơ sở An Đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng), hiện tại, Khoa điều trị cho 56 người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ, trong đó có 20 người bệnh từ 18-35 tuổi.
- .https://kinhtehaiphong.vn/57-do-uong-co-con-o-viet-nam-la-bat-hop-phap/
- .https://kinhtehaiphong.vn/mua-lanh-co-the-co-nhung-dau-hieu-nay-can-kham-tim-mach-cang-som-cang-tot/
“Một vài năm trở lại đây, số lượng người bệnh có xu hướng trẻ hóa. Nhiều người trẻ không có biểu hiện, chỉ phát hiện ra bệnh khi tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ, khám nghĩa vụ quân sự hay khám tiền hôn nhân. Đa số người bệnh trẻ tuổi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối nhưng đều có tâm lý chủ quan hoặc nhiều người mang theo tâm trạng chán nản, không tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị, điều này không chỉ gây khó khăn trong quá trình điều trị mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng, suy giảm sức khỏe nặng nề và trở thành gánh nặng cho gia đình”, BSCKII. Bùi Thị Thu Hằng nói.
Cũng theo bác sĩ, bệnh suy thận thường không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể.
Bên cạnh những nguyên nhân dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối như di truyền, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn… thì thói quen sinh hoạt không lành mạnh như: Tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản; lạm dụng các loại đồ uống; lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn.
Suy thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Để hạn chế nguy cơ suy thận mạn tính, mỗi người cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe, sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ…
Đối với những người bệnh mắc các bệnh lý nguy cơ như viêm cầu thận mạn, thận đa nang, viêm thận bể thận mạn do sỏi, lupus, đái tháo đường, tăng huyết áp… thì phải theo dõi và điều trị để phòng biến chứng dẫn đến suy thận.
Đặc biệt, cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời, tránh để các bệnh lý về thận diễn biến nặng dẫn tới suy thận mạn tính.