Walt Disney, “gã khổng lồ” ngành phim hoạt hình

Nếu nhắc đến một cái tên gắn bó với tuổi thơ của bao thế hệ trẻ em trên toàn thế giới thì đó chính là cái tên Walt Disney. Ông là cha đẻ của những câu chuyện cổ tích, những nhân vật hoạt hình đáng yêu. Rất ít ai biết để có được thành công vang dội, trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp giải trí trong thế kỷ 20, Walt Disney đã phải trải qua không ít thất bại. Ông chính là một tấm gương ság về nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Huyền thoại Walter Elias Disney (thường được gọi là Walt Disney), ông là cha đẻ của hãng phim hoạt hình Disney – được cả thế giới tôn vinh bởi những cống hiến của ông đối với ngành công nghiệp sản xuất phim. Ông đã đóng góp cho nhân loại vô số cải tiến mới mẻ trong việc làm ra các loại phim mới, ông thổi hồn cho mỗi nhân vật hoạt hình bằng những chuyển động nhịp nhàng và hiệu ứng âm thanh sống động.

Walt Disney sinh ngày 5/12/1901 tại Chicago, Hoa Kỳ. Tuổi thơ của ông gắn liền với những trận đòn tàn bạo từ người cha nghiệp ngập, cờ bạc. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn đến bản chất cũng như cá tính của Walt Disney khi trưởng thành. Những thói xấu của người cha đã khiến cả nhà ông rơi vào tình trạng túng quẫn tới mức họ đã phải bán căn nhà ở Chicago và dọn đến ở tại một nông trại giữa miền Tây nước Mỹ. Tuổi thơ cơ cực đã bồi dưỡng cho ông khả năng chống chịu và sinh tồn với mọi khó khăn gian khổ.

Walt Disney đam mê phát triển sở thích về nghệ thuật từ rất sớm, ông theo học tại học viện thành phố Kansas, sau đó là học viện Nghệ thuật Chicago. Ngày còn đi học, ông đã trở thành người vẽ tranh biếm họa cho tạp chí của trường.

Khi nước Mỹ tham gia vào chiến tranh thế giới thứ nhất, Walt Disney đã nghỉ học và xin gia nhập vào lực lượng quân đội nhưng bị từ chối vì chưa đủ tuổi. Sau đó, ông tham gia Hội Chữ thập đỏ và đến cuối năm 1918 thì được gửi sang nước Pháp để lái xe cứu thương.

Năm 1919, Walt Disney chuyển về thành phố Kansas và trải qua rất nhiều công việc trước khi tìm được việc làm trong lĩnh vực công nghiệp điện ảnh. Walt Disney đã sử dụng tài năng vẽ tranh biếm họa để bắt đầu công việc đầu tiên của mình.

Sau thành công của những phim hoạt hình đầu tiên, Walt Disney đã thành lập studio riêng của mình và đặt tên là Laugh-O-Gram. Tuy nhiên, những bộ phim này chưa đủ nổi tiếng và sự phổ biến để tạo ra lợi nhuận. Việc chi trả cho chi phí nhân công lại cao dẫn đến việc công ty đi đến phá sản.

Trải qua lần thất bại này, Walt Disney quyết định chuyển đến Hollywood ở bang California, nơi được xem là ngôi nhà cho sự phát triển nền công nghiệp điện ảnh của nước Mỹ. Ông đã cùng anh trai của mình thành lập một công ty khác và tìm kiếm nhà phân phối cho bộ phim mới của mình có tên là “Alice Comedies” – Những chuyện cười của Alice dựa trên tác phẩm “The adventures of Alice in Wonderland” – Những cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên.

Đến năm 1927, công ty của Disney đã tham gia và sản xuất thành công bộ phim “Oswald the Lucky Rabbit” – Chú thỏ may mắn Oswald và được hãng Universal phát hành. Tuy nhiên, với quyền kiểm soát chặt chẽ của Universal đối với bộ phim, Walt không thể kiếm lời từ bộ phim này. Ông đã từ chối lời đề nghị từ Universal và quay trở lại làm việc một mình.

Đây cũng chính là thời điểm mà chú chuột Mickey, người bạn của hàng triệu trẻ em thế giới đã ra đời. Để nhân vật của mình thêm phần hoàn thiện, Walt thuê một đội họa sĩ và kỹ sư dựng hình chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ tân tiến nhất nhằm tạo nên những chuyển động và âm thanh chân thực nhất cho nhân vật. Sự sáng tạo của Walt tạo nên hiện tượng trong ngành công nghiệp hoạt hình thời gian đó, mang lại nguồn lợi nhuận lớn.

Những bộ phim hoạt hình về chuột Mickey cùng với nhạc nền vui nhộn, thú vị đã trở nên rất phổ biến, giúp củng cố danh tiếng và gia tăng sức mạnh của hãng phim Disney. Các kỹ xảo mà Walt Disney thể hiện trong bộ phim hoạt hình khiến cho các nhân vật trở nên đáng tin cậy và gần gũi hơn với cuộc sống. Các nhân vật thu hút trí tưởng tượng của khán giả thông qua sự mô tả khéo léo cùng với việc tiên phong sử dụng những câu chuyện có sức nặng và phù hợp đạo đức, đặc biệt được các bạn nhỏ yêu thích.

Vào năm 1932, Walt Disney vinh dự nhận giải thưởng Oscar đầu tiên ở hạng mục phim ngắn hay nhất cho bộ phim “Flowers and Trees” – Những bông hoa và những cái cây với việc sử dụng kỹ thuật 3 dải màu và được các nhà phê bình nghệ thuật đánh giá rất cao. Ông cũng giành được giải Oscar đặc biệt cho bộ phim hoạt hình “Mickey Mouse” – Chuột Mickey.

Năm 1933, ông đã phát triển bộ phim hoạt hình thành công nhất mọi thời đại mang tên “The Three Little Pigs”- Ba chú lợn bé nhỏ với ca khúc nổi tiếng “Whose of the Big Bad Wolf”.

Năm 1934, Walt Disney có một sự khởi đầu đầy táo bạo khi bắt tay vào làm bộ phim hoạt hình đủ độ dài và mang đầy sức sống đó là “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn’” Về mặt thương mại, nhiều người cho rằng đó là một sự thất bại. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các kỹ thuật quay phim mới, bộ phim đã làm hài lòng khá nhiều nhà phê bình và khán giả khó tính. Sau gần ba năm quay dựng, bộ phim ra mắt vào năm 1937. Đây cũng là lúc Walt Disney không còn đồng nào trong túi. Cuối cùng thì thành công cũng mỉm cười với ông, đây đã trở thành bộ phim thành công nhất năm 1938 và kiếm được 8 triệu USD ngay trong lần phát hành đầu tiên, được công chúng đón nhận.

Sau thành công lớn của bộ phim “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, công ty của ông đã sản xuất một số phim hoạt hình ấn tượng khác như: Peter Pan, Bambi và The Wind in the Willows…

Kể từ khi nước Mỹ tham gia vào chiến tranh thế giới thứ hai, thời kỳ vàng son của phim hoạt hình không còn nữa. Hãng phim của Walt Disney phải vật lộn với khó khăn bởi đã sản xuất ra những bộ phim tuyên truyền không có lợi nhuận.

Rất ít người có nhu cầu xem phim hoạt hình trong suốt thời kỳ chiến tranh và điều này kéo dài đến tận cuối những năm 1940, khi đó Disney mới có thể khôi phục lại được danh tiếng cũng như thành công trước đó. Ông đã hoàn thành sản xuất 2 bộ phim đó là “Cinderella” – Cô bé lọ lem và “Peter Pan”.

Sang đến những năm 1950, hãng Walt Disney đã mở rộng hoạt động của mình và cho ra đời những bộ phim hành động nổi tiếng như: “Treasure Island” – Đảo giấu vàng,  “20,000 Leagues Under the Sea” – Hai vạn dặm dưới đáy biển và “Pollyanna’.

Ở một sự đột phá khác, hãng đã sáng tạo ra một trong những show hấp dẫn đầu tiên dành cho trẻ em – Câu lạc bộ chuột Mickey. Chính Walt Disney đã quay lại phòng thu để trực tiếp thu âm. Trong những năm 1960, đế chế Disney tiếp tục mở rộng thành công. Vào năm 1964, hãng sản xuất bộ phim th “Mary Poppins” và giành được 5 giải Oscar vào năm 1965. Đây có thể coi là bộ phim thành công nhất của hãng.

Ngoài những bộ phim hoạt hình nổi tiếng, tên tuổi của Walt Disney còn gắn với hệ thống công viên giải trí mang tên ông ở nhiều nơi trên thế giới. Trong suốt cuộc đời của mình, Walt Disney lập nên kỷ lục khi 59 lần được đề cử giải Oscar cho những bộ phim của mình, trong đó 22 lần giành tượng vàng danh giá. Là người luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thử nghiệm những điều mới mẻ, chính vì thế ông đã chạm tay được đến vinh quang. Trước khi ra đi mãi mãi, ông đã kịp để lại cho đời, cho mỗi đứa trẻ trên khắp thế giới những ký ức tươi đẹp nhất của tuổi thơ cho dù chúng được sinh ra ở bất kỳ thời đại nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục