Một số người mắc chứng “rối loạn tiền bạc” luôn cảm thấy họ không giàu có, bất kể họ có bao nhiêu tiền của.
Tháng 8/2023, Bloomberg khảo sát hơn 1.000 người thu nhập tối thiểu 175.000 USD và kết quả thu được khiến họ rất ngạc nhiên. Hơn 25% người tham gia khảo sát tự mô tả mình “rất nghèo”, “nghèo” hoặc “sống được nhưng rất eo hẹp”. Thực tế, thu nhập của họ cao hơn mức trung bình 74.580 USD của người Mỹ.
Nhưng các chuyên gia tài chính cá nhân không lạ lẫm với điều này. Thực tế là một số người dù có thu nhập tốt nhưng vẫn phải vật lộn với các hóa đơn, số khác có thể đang bị rối loạn tiền bạc.
Ali Katz, một luật sư về kế hoạch tài chính và gia đình, cho biết rối loạn tiền bạc là “quan điểm méo mó về thực tế tài chính, khiến chúng ta đưa ra quyết định sai lầm”.
Tư duy này có thể trói buộc họ với công việc mình ghét bỏ, ưu tiên thời gian làm việc nhiều hơn dành cho gia đình hoặc khiến họ trì hoãn theo đuổi tham vọng nghề nghiệp lớn hơn vì nghĩ rằng trước tiên cần phải giàu có. Nó còn gây ra căng thẳng liên tục và quá mức.
Bất kỳ ai cũng có thể gặp chứng rối loạn tiền bạc nhưng thế hệ millennials (sinh từ năm 1981 đến 1996) có xu hướng cảm thấy nó nhiều hơn. Theo một cuộc khảo sát cuối năm 2023, thế hệ millennials nghĩ họ cần đạt mức lương 525.000 USD để hạnh phúc, gấp bốn lần các thế hệ khác.
Nhà hoạch định tài chính Gideon Drucker chứng kiến điều này ở khách hàng của mình, những người thường ở độ tuổi 30-40 và kiếm được nhiều tiền. Các thước đo khách quan cho thấy họ giàu có nhưng bản thân họ lại không có cảm giác đó.
Ông lý giải tâm lý “không cảm thấy đủ” xuất phát từ việc không có một cái nhìn rõ ràng về tài chính. Sau khi làm việc với ông, họ mới chuẩn bị tốt hơn và tiết kiệm nhiều hơn cho tương lai. Ngoài ra, người có thu nhập cao nhưng chỉ báo cáo đủ sống lại đang so sánh bản thân với những gì mà họ cho là người giàu có khác đang làm.
- https://kinhtehaiphong.vn/mo-dich-vu-nghien-nat-anh-cuoi-sau-ly-hon/
- https://kinhtehaiphong.vn/ngoi-mieu-o-hai-phong-nuc-tieng-boi-pho-tuong-dung-len-ngoi-xuong/
Theo luật sư Katz, nếu trải qua chứng rối loạn tiền bạc hoặc bất an tài chính, bạn nên nhìn nhận trung thực về tình hình của mình: Không chỉ là đang có bao nhiêu, mà còn cần bao nhiêu và muốn bao nhiêu.
“Bạn phải biết sự khác biệt giữa những gì bạn cần và những gì bạn muốn”, cô nói. Trước tiên, mọi người nên ngồi xuống và tính toán bao nhiêu là đủ, không chỉ cho tương lai và nghỉ hưu, mà còn cho hiện tại. Điều quan trọng là phải nhận ra con số hiện tại của những gì họ cho là “đủ” sẽ luôn thay đổi.
Drucker đồng ý rằng lập kế hoạch có thể giúp mọi người vượt qua nỗi lo lắng về tài chính. Thay vì liên tục so sánh với những người khác và muốn nhiều hơn, việc thiết lập và đáp ứng các mục tiêu sẽ làm họ thấy tự tin đang kiếm đủ tiền để chu cấp cho gia đình.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng hạnh phúc hiện tại với nhu cầu trong tương lai và do đó, không tiết kiệm quá nhiều. “Hoạch định tài chính thành công không phải là trì hoãn tất cả hạnh phúc và lòng biết ơn cho đến khi bạn 75 tuổi với hàng triệu USD trong tay”, ông chia sẻ.