Văn hoá “thích thì nghỉ” của Gen Z khiến không ít nhà tuyển dụng đau đầu

Ngày nay, thế hệ Gen Z luôn ưu tiên đối xử công bằng trong công việc và từ chối tuân theo các chuẩn mực lỗi thời tại các công ty. Họ sẵn sàng nhảy việc, nghỉ việc không lí do, không báo trước chỉ vì bản thân cảm thấy thích. Đây cũng là một vấn đề nóng khiến vô số nhà tuyển dụng phải đau đầu…

Sự thật về văn hóa đi làm thích thì nghỉ của gen Z hiện nay

Viện Brookings định nghĩa Thế hệ Z là những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012. Từ điển Oxford mô tả Thế hệ Z là “nhóm những người sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2010, những người được coi là rất quen thuộc với Internet”. Dự đoán đến năm 2025, nhóm người này sẽ chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam.

Gần đây, trên mạng xã hội, người ta quan tâm nhiều đến những câu chuyện về “gen Z” và văn hóa “thích thì nghỉ” của thế hệ này. Thích thì đi làm, chán thì nghỉ làm là việc chẳng có gì lạ. Tình trạng nghỉ làm đột ngột, gọi điện không nghe, nhắn tin không hồi âm, không lời tạm biệt hoặc nghỉ không báo trước chủ yếu rơi vào “gen Z”.

Thế hệ Z “vào đời” khi thị trường lao động đang vô cùng sôi động, rộng mở. Xã hội càng hiện đại, các ngành nghề càng phát triển, cơ hội việc làm cho người lao động càng nhiều. Đặc biệt là khi gen Z được tiếp xúc với nền giáo dục tiến bộ hơn so với các thế hệ trước, tiếp xúc với internet từ khi còn nhỏ, việc đào tạo ngoại ngữ và tin học cũng được đầu tư nhiều hơn. Thế hệ này cũng “nhập cuộc” khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất lớn và trào lưu khởi nghiệp bùng nổ. Thời đại mà các bạn “gen Z” đang bước vào là một thế giới phẳng và mọi thứ đều có thể hội nhập. Do đó, cơ hội việc làm dành cho nhóm người này là cực kỳ lớn.

Nhiều cánh cửa chào đón, cơ hội rộng mở, không áp lực về tài chính, gia đình nên “nhảy việc” liên tục với tần suất cao là điều dễ hiểu của “gen Z”. Trong suy nghĩ của nhiều người trẻ, họ muốn được tự do, thoải mái, làm điều mình thích chứ không muốn bị gò ép, định hướng của phụ huynh. Họ nghĩ rằng bản thân có nhiều thời gian và cơ hội để thử sức và sẵn sàng nhảy việc cho đến khi thực sự chọn được một nơi làm việc phù hợp với một công việc ưng ý.

Nghỉ việc là cách Gen Z “chữa lành” cho mọi áp lực và kiệt sức? Chuyên gia  chứng minh kết quả không như mơ

Ảnh hưởng từ mạng xã hội đến “gen Z” là không nhỏ bởi nhóm người này đa phần đều dành nhiều thời gian cho mạng xã hội. Tại các trang phổ biến như Facebook, Zalo, Instagram, Tik tok, hàng ngàn hội nhóm được tạo ra, hàng triệu người vào đó bày tỏ ý kiến, tranh luận. Tiếp xúc với quá nhiều nguồn thông tin từ mạng xã hội cũng khiến thế hệ này chịu sự chi phối về tư tưởng, suy nghĩ và cả hành động. Một số xu hướng được mạng xã hội tung hô như: Cuộc đời rất ngắn, hãy sống vì bản thân chứ đừng sống vì suy nghĩ của người khác, hãy làm những điều mình thích… nếu không được hiểu một cách thấu đáo, kín kẽ thì rất dễ gây nên những cách hành xử tùy ý, bồng bột và sai lầm.

“Gen Z” cũng là thế hệ cực kỳ nhạy cảm về mặt cảm xúc. Những câu trách móc của cấp trên, sự khó chịu từ ánh mắt của đồng nghiệp, áp lực công việc quá nhiều ảnh hưởng đến những cuộc vui cá nhân đã khiến Gen Z nảy ra ý định không muốn gắn bó lâu dài. Không ít nhà tuyển dụng phàn nàn về thái độ nghỉ việc kém văn minh của số lượng không nhỏ người lao động thuộc độ tuổi này. Khi đến thì họ nhiệt tình, năng nổ nhưng khi đi thì lặn mất tăm. Cách hành xử như vậy khiến họ gần như không còn cơ hội để trở lại làm việc cùng môi trường ấy hay người quản lý ấy.

Em không định làm việc nữa thì nghỉ luôn đi!”

Trước làn sóng nghỉ việc theo kiểu “thích thì nghỉ” của một số người gen Z, nhiều nhà tuyển dụng bắt đầu chú ý và cho bộ phận nhân sự phân tích các lý do mà có thể người lao động độ tuổi này gặp phải. Rất có thể họ chán ngấy và cảm thấy không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp quá già nua. Cũng có thể người quản lý chưa bắt kịp tâm lí của người lao động gen Z để có cách quản lý hiệu quả hơn.

Quan trọng là không nên đánh đồng cả một thế hệ, bởi ngoài những người văn hóa kém, thích nhảy việc, nghỉ việc không báo trước thì vẫn còn có rất nhiều người thực sự năng động, sáng tạo và có ý thức tốt. Các chuyên gia tuyển dụng mong muốn “gen Z” hãy biết rằng trước khi thành công, bài học lớn nhất là thành nhân. Ứng xử văn minh, có kỷ luật, có trách nhiệm là tôn trọng người tuyển dụng, doanh nghiệp, đồng nghiệp và tự tạo uy tín cho chính bản thân mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục