Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhân vật vô cùng nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Ông không chỉ nổi tiếng với trí thông minh xuất chúng, tài năng văn thơ đỉnh cao mà còn được tôn vinh là nhà tiên tri số 1 Việt Nam. Phàm việc mưa nắng, lụt hạn, họa phúc, điềm dữ, điềm lành, cơ suy, cơ thịnh… việc gì Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng biết trước và đều đúng cho đến tận nhiều đời sau.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt tên húy là Văn Đạt, tự là Hạnh Phủ, hiệu là Bạch vân am cư sĩ. Ông sinh ra tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh trưởng trong một dòng tộc danh giá. Cha ông là Thái Bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định, mẹ là bà Nhữ Thị Thục, tinh thông lý số, là con gái của quan Thượng thư Nhữ Văn Lân. Ngay từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cất tiếng khóc chào đời, thấy con mình có tướng mạo khác thường, bà đã dốc lòng đào tạo con trai thành một tài năng giúp nước, cứu đời. Với trí tuệ mẫn tiệp, thông minh từ nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm thành tài năng kiệt xuất nổi tiếng. Ông được dân gian truyền tụng và suy tôn là nhà tiên tri số 1 của Việt Nam. Người Trung Hoa coi ông là “An Nam lý số hữu Trình tuyền”.
Ông đã dự đoán rất nhiều điều xảy ra trong tương lai. Những lời dự đoán của ông được người đời gọi là “Sấm Trạng Trình”. Cho đến say này, khi sự việc xảy ra người ta mới giật mình bởi khả năng tiên tri chính xác đến độ kinh ngạc của ông.
Vào cuối thế kỷ XIX, nhà sư Vương Quốc Chính, người xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng đứng lên phát động phong trào chống Pháp. Trước đó, dân gian lan truyền rộng câu sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thầy tăng mở nước trời không bảo”. Nghĩa đen chỉ rõ, không có trời nào giúp nhà sư, vì đã là người xuất gia theo Phật mà còn mưu đồ bá vương.
Các nhà nho thời đó lại giải thích theo nghĩa khác, họ cho rằng, chữ “thầy tăng” ở đây là Trạng nói kín chỉ “thằng Tây” đến cướp ta, đô hộ dân ta thì trời không dung thứ. Ngày đó, chính quyền đô hộ và tay sai rất sợ sấm ký và uy tín của Trạng nên bắt bớ và khủng bố dã man những người đã truyền bá, lưu giữ sấm Trạng.
Có rất nhiều câu sấm Trạng được ghi chép lại trong sử sách và có thể áp dụng cho tới tận thời điểm hiện tại. Một số câu sấm Trạng nổi tiếng phải kể đến là:
Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từng dùng tài lý số của mình để “cứu vãn” sự suy vong của triều đình nhà Mạc, giúp cho nhà Mạc tồn tại được một thời gian khá dài. Được biết, khi triều Mạc lâm nguy, vua Mạc đương triều đã sai người đến hỏi Trạng Trình cách cứu vãn. Ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”. Tức là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại thêm 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng và tồn tại được thêm 3 đời nữa.
- https://kinhtehaiphong.vn/le-chan-nu-tuong-anh-hung-cua-dat-cang/
- https://kinhtehaiphong.vn/soichiro-honda-nguoi-sang-lap-ra-thuong-hieu-honda-noi-tieng/
Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân
Đây là lời sấm truyền Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra cho nhà Nguyễn. Nhờ đó, nhà Nguyễn mới tiến vào miền Nam mở rộng bờ cõi, đất nước ta mới có hình dáng như bây giờ. Cụ thể, năm 1568, chúa Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết chết, thấy số phận của mình nguy cấp nên đã sai người đến diện kiến Trạng Trình để xin lời khuyên. Cụ Trạng cầm tay sứ giả dắt ra hòn non bộ chỉ vào đàn kiến đang bò và nói: “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân”, nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân được.
Hiểu được ý đó, Nguyễn Hoàng nhờ chị xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Hải Vân trở vào. Nhờ đó mà nhà Nguyễn xây dựng nên đế chế ở phương Nam. Sau này nhà Nguyễn đã đổi câu sấm của Trạng Trình thành: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” với hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi.
Phải giữ được Biển Đông
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xem là người đầu tiên nhắc đến quốc hiệu Việt Nam. Ngoài câu “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung”, cụ Trạng còn có lời tiên tri, dạy rằng: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Bài thơ có tuổi đã khoảng 500 năm mà bây giờ đọc lại vẫn thấy rất thời sự. Quả thật, lời tiên tri đó được viết ra là dành cho đất nước ta ngày nay.
Bài thơ nguyên là để nói cái chí của cụ “Chí những phù nguy xin gắng sức” (Ngã kim dục triển phù nguy lực), nhưng lại đọng trong đó một tư tưởng chiến lược, một dự báo thiên tài: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/Vạn lý Đông minh quy bả ác/Ức niên Nam cực điện long bình”.
Nam Đàn sinh Thánh
Từ lâu ở vùng Nghệ Tĩnh người dân lưu truyền những câu sấm truyền của Trạng Trình như: “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Thủy đáo Lam thành/ Nam Đàn sinh thánh”. Dịch nghĩa là: “Khi núi Đụn chẻ đôi, khe Bò Đái mất tiếng, sông Lam khoét vào chân núi Lam Thành, đất Nam Đàn sẽ sinh ra bậc thánh nhân”.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết, sau khi Thực dân Pháp đàn áp tàn khốc phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, những lời sấm truyền này càng được dân chúng bàn tán xôn xao. Ai cũng mong chờ một vị thánh sống xuất thế. Lúc đó, khe Bồ Đái nước ngừng chảy do đó người dân càng tin vào lời sấm Trạng hơn.
Trong một cuộc gặp gỡ giữa cụ Phan Bội Châu, học giả Đào Duy Anh và nhà nho Trần Lê Hữu với nội dung tình thế nước nhà và tương lai. Trần Lê Hữu hỏi: “Thưa cụ Phan, “Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” chẳng phải là cụ hay sao? Cụ còn thất bại nữa là người khác!”. Phan Bội Châu đáp: “Kể cái nghề cử tử xưa kia tôi cũng có tiếng thật. Dân ra thường có thói trọng người văn học và gán cho người ta tiếng nọ tiếng kia. Nhưng nếu Nam Đàn có thánh thực thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc chứ chẳng phải ai khác”.
Con ngựa đá sang sông
Khi xưa, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sống tại làng Vĩnh Lại, nổi tiếng có tài học rộng hiểu nhiều, tiên đoán nhiều cho các thí sinh ứng thí khoa thi của các làng lân cận thành danh, chỉ riêng nơi ông sống là Vĩnh Lại thì vẫn chẳng ai thành quan. Trong cái ghen tị từ cuộc sống nghèo khổ, dân làng Vĩnh Lại cho rằng Trạng trình không chú ý đến người nhà.
Một lần, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho người dựng một bức tượng ngựa đá bên dòng sông, và viết lên đó 2 câu thơ: “Hà thời thạch mã độ giang/ Thử thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu”. Nghĩa là khi nào ngựa đá sang sông thì làng Vĩnh Lại sẽ đầy công đầy hầu, nhưng chẳng ai tin một con ngựa đá lại có thể sang sông. Dần dần, câu chuyện đó đi vào quên lãng.
Hai trăm năm sau khi Trạng trình qua đời, Vĩnh Lại gặp một trận lụt rất to. Và trận lụt đã đổi nguồn dòng sông từ trước mặt ngựa đá sang sau lưng ngựa đá, vậy là lời tiên tri đã ứng nghiệm. Khi ấy người dân Vĩnh Lại lên mặt với các làng kế cận, còn các cô gái ai cũng muốn về Vĩnh Lại làm dâu.
Thời gian này, Tây Sơn đã chiếm được một nửa giang sơn và trong lần Bắc tiến đầu tiên khiến vua Lê bỏ thành mà chạy lưu lạc đến làng Vĩnh Lại. Dân làng Vĩnh Lại tìm được vua, đem về phò. Vua ban công ban tước cho cả làng dưới áp lực của dân làng Vĩnh Lại. Sau khi được phong tước, dân chúng đều tập hợp quân đội, sẵn sàng cần vương. Nhưng đội quân ô hợp ấy chỉ một trận đã bị đội quân bách chiến bách thắng của Tây Sơn đánh tan nát, làng Vĩnh Lại tử vong vô số, gần như bị tiêu diệt gần hết.
Cách mạng Tháng Tám
Theo một số nhà nghiên cứu, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm dự báo qua câu thơ: “Đầu Thu gà gáy xôn xao/ Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long”. Nhiều người suy luận như sau: “Đầu Thu” là tháng 7 Âm lịch, còn “gà” nghĩa là năm Ất Dậu, thời điểm sự kiện lịch sử này diễn ra, “gáy xôn xao” nghĩa là có tiếng vang lớn, thức tỉnh muôn người. Ở câu thơ thứ hai, “Trăng xưa” nghĩa là “cổ nguyệt” theo Hán tự, ghép lại thành từ “hồ”, là họ của Hồ Chí Minh. “Sáng tỏ soi vào Thăng Long” là sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập trước hàng vạn đồng bào ở quảng trường Ba Đình của thủ đô Thăng Long – Hà Nội.