Trần Hưng đạo – vị tướng tài bậc nhất trong lịch sử Việt Nam

Lịch sử Việt Nam ta ghi nhận rất nhiều vị anh hùng nổi tiếng với tài năng lãnh đạo xuất chúng. Trong đó, phải kể đến Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người đã đánh tan quân Nguyên – Mông và vượt qua mọi khó khăn, tiếng vang đến phương Bắc. Dân chúng gọi ông với cái tên khá thân mật “Thiên tài quân sự có tầm chiến lược và một vị anh hùng dân tộc bậc nhất của họ nhà Trần”.

Trần Hưng đạo – vị tướng tài bậc nhất trong lịch sử Việt Nam

Trần Hưng Đạo (1231-1300), tên thật là Trần Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Đạo đại vương, là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần, sau khi qua đời dân gian đã suy tôn ông thành Đức Thánh Trần.

Ông được biết đến là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Trần Quốc Tuấn là con của thân vương An Sinh vương Trần Liễu và là cháu nội của Trần Thái Tổ, ông có mối quan hệ mật thiết với hoàng tộc họ Trần và vua Trần Nhân Tông gọi ông bằng bác.

Năm 1257, Trần Hưng Đạo được vua Trần Thái Tông phong làm đại tướng chỉ huy các lực lượng ở biên giới đánh quân Mông Cổ xâm lược. Sau đó, ông lui về thái ấp ở Vạn Kiếp. Đến tháng 10 âm lịch năm 1283, nhà Nguyên đe dọa đánh Đại Việt lần hai, Hưng Đạo vương được Thượng hoàng Trần Thánh Tông, và vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước. Trên cương vị này, năm 1285, ông lãnh đạo quân sĩ chặn đứng đội quân xâm lược do hoàng tử thứ chín Thoát Hoan.

Sau những thất bại ban đầu, quân dân Việt dưới sự lãnh đạo của hai vua Trần, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Hưng Đạo vương phản công mạnh mẽ, phá tan quân Nguyên trong các trận Hàm Tử, Chương Dương, Trường Yên, Vạn Kiếp,… đánh đuổi hoàn toàn quân Nguyên khỏi biên giới nước ta.

Năm 1288, quân Nguyên trở lại xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Khi tiếp tục được phong Quốc công tiết chế; Hưng Đạo vương khẳng định với vua Trần Nhân Tông: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Ông đã áp dụng thành công chiến thuật của Ngô Quyền, đánh bại hoàn toàn thủy quân nhà Nguyên do các tướng Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi chỉ huy trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, buộc quân Nguyên lại phải rút về nước và vĩnh viễn từ bỏ tham vọng thôn tính phương Nam của họ. Vào tháng 4 âm lịch năm 1289, Trần Nhân Tông chính thức gia phong ông làm “Đại vương” dù chức quyền đứng đầu triều đình khi đó vẫn thuộc về Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải.

Sau đó, Trần Hưng Đạo lui về Vạn Kiếp và mất vào năm 1300. Khi sắp mất, Trần Hưng Đạo vương dặn các con rằng: “Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau mục”.

Nghe tin Trần Hưng Đạo mất, triều đình Đại Việt phong ông là “Thái sư Thượng Phụ Thượng Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương”. Ông được nhân dân cả nước tôn vinh là “Đức Thánh Trần” và lập đền thờ ở nhiều nơi, song nổi tiếng hơn cả là khu di tích đên Trần tại Nam Định. Đây là nơi ông lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Ngoài là một vị tướng tài, ông còn là một người đam mê sáng tác văn học. Từ nhỏ ông đã có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, được thầy tài giỏi dạy dỗ nên thông minh hiểu rộng văn võ song tài. Ông đã để lại cho đời các tác phẩm kinh điển như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, đặt nền móng cho nghệ thuật quân sự Việt Nam kể từ thời Trần cho đến ngày nay.

Giới khoa học quân sự tôn vinh ông là “thiên tài quân sự có tầm chiến lược và tầm ảnh hưởng lớn đến thời đại”. Tài năng của ông được chứng minh qua sự lãnh đạo quân đội đã anh dũng vượt qua vô vàn khó khăn và hiểm nguy, ba lần đánh tan đạo quân Nguyên – Mông xâm lược hùng mạnh, giành thắng lợi lẫy lừng.

Trần Hưng Đạo đã linh hoạt sử dụng binh pháp “biết đợi thời, biết thừa thế tiến thoái”, kết hợp tài tình sức mạnh giữa quân triều đình và hương binh, trọng người tài, tạo ra những trận đánh mang tính quyết định toàn cục.

Đặc biệt, ông đã xây dựng nền móng cho học thuyết chiến tranh nhân dân, khơi thông sức mạnh của nhân dân. Không ít tướng lĩnh trên thế giới đã áp dụng thành công những sách lược quân sự của Trần Hưng Đạo trong nghệ thuật điều binh khiển tướng nhiều thế kỷ sau. Riêng binh pháp của Trần Hưng Đạo được đánh giá là một di sản quý giá cho dân tộc Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ đất nước và xây dựng Tổ quốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục