Báo cáo ban đầu cho thấy ít nhất 175 trẻ em bị nhiễm bệnh. Nhưng cuộc điều tra mới về vụ bê bối ước tính con số thực tế nhiều gấp đôi.
Vào những năm 1970, 1980, hàng loạt bệnh nhân nhiễm HIV và viêm gan C vì truyền máu bị ô nhiễm. Kết quả là có khoảng 2.400 người chết. Trong đó, báo cáo ban đầu cho thấy ít nhất 175 trẻ em bị nhiễm bệnh. Nhưng cuộc điều tra mới về vụ bê bối này vừa công bố con số gây sốc. Ước tính số trẻ em bị nhiễm HIV, viêm gan C lớn gấp đôi báo cáo.
Bà Jenni Richards KC, cố vấn cho Cuộc điều tra về Máu bị ô nhiễm, cho biết con số 175 lấy từ vụ kiện HIV Haemophilia. Và con số này không phải là tất cả. “Cuộc điều tra ước tính số người còn là trẻ em khi bị nhiễm bệnh nhiều gấp hai lần”, bà viết.
Cụ thể, khoảng 380 trẻ em bị nhiễm bệnh. Ước tính mới dựa trên tỷ lệ trẻ em trong thống kê người bị rối loạn chảy máu, được công bố trên tạp chí The Lancet năm 1996 và do Tổ chức các bác sĩ Haemophilia của Vương quốc Anh cung cấp.
Vụ bê bối máu nhiễm trùng xảy ra sau khi Vương quốc Anh tìm cách để đáp ứng nhu cầu lớn về điều trị đông máu, rối loạn chảy máu. Chính vì vậy, Dịch vụ Y tế Công cộng Vương quốc Anh (NHS) đã quyết định nhập khẩu các sản phẩm điều trị từ nước ngoài. Và điều này đã gây ra thảm họa tồi tệ nhất trong y văn nước Anh.
Theo Telegraph, hầu hết nạn nhân đều dựa vào việc tiêm thuốc Factor VIII để sống sót trước bệnh hiểm nghèo. Đây là sản phẩm do Mỹ sản xuất và xuất khẩu.
Họ không biết bản thân đang nhận sản phẩm bị ô nhiễm từ những người được trả tiền để cho máu. Các tình nguyện viên hiến máu có cả tù nhân và người nghiện ma túy.
Nạn nhân bị truyền máu nhiễm bệnh trong nhiều năm, bất chấp những cảnh báo nhiều lần của chính phủ. Và một số nạn nhân đã bị lây nhiễm sau khi được truyền máu.
Nhiều thập kỷ sau các ca lây nhiễm đầu tiên, số người nhiễm HIV và viêm gan vẫn tiếp tục được chẩn đoán, dẫn đến nhiều ca tử vong sớm.
Nguồn: Zing.vn