Thủy Nguyên – Hải Phòng: Khẩn trương khắc phục thiệt hại về trồng trọt sau đợt mưa lớn

Đợt mưa lớn kéo dài từ sáng 9/6 đến trưa 10/6 đã gây nhiều thiệt hại về sản xuất trồng trọt trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. UBND huyện Thủy Nguyên khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp khắc phục thiệt hại.

Từ 2h sáng 9/6 đến trưa 10/6, trên địa bàn TP Hải Phòng đã xảy ra mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường, tổng lượng mưa phổ biến từ 120 – 250 mm, cục bộ có nơi 330 mm. Đợt mưa lớn gây ngập úng ở một số vùng trũng, ảnh hưởng chung đến sản xuất trồng trọt trên địa bàn huyện này.

Hiện nay, toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 1.500ha diện tích sản xuất trồng trọt, tập trung tại các xã: Lập Lễ, Phả Lễ, Phục Lễ, Thiên Hương, Hợp Thành. Cơ bản diện tích lúa vụ xuân trên địa bàn huyện đã đến kỳ thu hoạch.

Mưa lớn kéo dài gây ngập và đổ nhiều diện tích trồng lúa ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. (Ảnh minh họa)
Mưa lớn kéo dài gây ngập và đổ nhiều diện tích trồng lúa ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. (Ảnh minh họa)

Để bảo vệ sản lượng thu hoạch lúa xuân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra và chuẩn bị cho thời vụ sản xuất lúa mùa, UBND huyện Thủy Nguyên vừa có văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tiến hành thông báo, hướng dẫn nông dân huy động nhân lực, phương tiện tranh thủ thời tiết tạnh ráo, khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa đã chín, đặc biệt các diện tích lúa bị đổ ngã, chìm trong nước.

Trên các diện tích lúa bị đổ rạp mà chưa đến kỳ thu hoạch, do mưa bão nên việc thu hoạch rất khó khăn. Lãnh đạo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương tiến hành buộc lúa thành từng cụm, chằng chống chờ thu hoạch. Những diện tích rau màu đến thời kỳ thu hoạch cần thu hoạch nhanh chóng. Đồng thời tăng cường chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với diện tích rau màu bị ảnh hưởng sau mưa, chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống để gieo trồng lại trên diện tích bị hỏng.

Đối với vườn cây ăn quả, vườn hoa và cây cảnh, huyện chỉ đạo khẩn trương xẻ rãnh ở các mặt luống để thoát nước, xới phá váng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi.

Nguồn: Kinh Tế Môi Trường

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục