Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có xu hướng giảm, nhưng điểm đáng chú ý là những diễn biến của thị trường diễn ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước tương đối tốt và ổn định, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng khả quan. Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, TTCK Việt Nam có triển vọng phục hồi trong tháng cuối năm 2022 và tăng trưởng tích cực hơn năm 2023.
Một số nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm
Những diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) khiến người dân cũng như các nhà đầu tư đặt câu hỏi về nguyên nhân thị trường sụt giảm trong bối cảnh kinh tế trong nước tích cực. TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo về thị trường chứng khoán Việt Nam với tiêu đề “Thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh: Nguyên nhân, triển vọng và giải pháp”.
Dòng tiền vào thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm. Ảnh: T.L |
Theo Nhóm nghiên cứu, TTCK Việt Nam sụt giảm trong năm 2022 là vì một số lý do chính như: xu hướng chung về điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng nóng; rủi ro, thách thức với kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam gia tăng; dòng tiền vào TTCK sụt giảm; áp lực giải chấp lớn tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng trong bối cảnh rủi ro gia tăng và nhất là sau những sai phạm trên thị trường bị khởi tố vừa qua; yếu tố tâm lý đám đông ảnh hưởng tới hành vi của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, TTCK Việt Nam vẫn có triển vọng phục hồi trong tháng cuối năm 2022 và tăng trưởng tích cực hơn năm 2023 (khoảng 15-20%) với những lý do chính như kinh tế Việt Nam sẽ tăng khoảng 8% năm 2022 và 6-6,5% năm 2023, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ suy thoái. |
TTCK thế giới và Việt Nam đã trải qua giai đoạn tăng trưởng khá nóng trong 2 năm qua (từ quý II/2020 đến hết quý II/2022), thậm chí có thời điểm nhiều chỉ số chứng khoán lên mức cao nhất trong vòng 20-30 năm, chỉ số VN-Index cũng tạo lập mức đỉnh mới, cao nhất trong lịch sử (1.528 điểm vào ngày 6/1/2022). Tuy nhiên, đà tăng trưởng này là kém bền vững khi chủ yếu dựa vào những yếu tố như dòng tiền rẻ từ các chính sách hỗ trợ trong đại dịch Covid-19, hiện tượng dùng đòn bẩy tài chính cao trong bối cảnh lãi suất thấp, tâm lý hưng phấn của nhiều nhà đầu tư…
Bên cạnh đó, rủi ro, thách thức gia tăng đối với kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Trong khi đó, dòng tiền vào TTCK Việt Nam sụt giảm so với 2 năm trước. Hiện tượng này là do hầu hết những dòng tiền chính đổ vào TTCK Việt Nam thời gian qua đều giảm. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài không còn được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ dễ dàng như trước do các gói hỗ trợ đã chấm dứt, lãi suất tăng, thanh khoản thị trường tài chính toàn cầu eo hẹp hơn và hệ thống ngân hàng toàn cầu cũng thắt chặt điều kiện cho vay do e ngại rủi ro suy thoái, rủi ro tài chính toàn cầu tăng lên.
Ngoài ra, áp lực giải chấp, niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán giảm và đặc biệt tâm lý đám đông khá phổ biến trên thị trường. Tác động của tâm lý đám đông trên TTCK Việt Nam còn đặc biệt mạnh hơn so với những quốc gia khác do ba nguyên nhân chính sau. Một là, cơ cấu nhà đầu tư ở Việt Nam có điểm khác biệt khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80% giao dịch trên thị trường. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao, đặc biệt một số doanh nghiệp thổi giá dẫn đến bị khởi tố, khiến nhà đầu tư có tâm lý không coi trọng những đánh giá, phân tích khách quan, do vậy họ thường xuyên chuyển đổi trạng thái rất nhanh từ “hưng phấn quá mức” đến “bi quan quá đà” mỗi khi thị trường có điều chỉnh.
Kỳ vọng thị trường tích cực hơn vào năm 2023
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, TTCK Việt Nam vẫn có triển vọng phục hồi trong tháng cuối năm 2022 và tăng trưởng tích cực hơn năm 2023 (khoảng 15-20%) với những lý do chính như kinh tế Việt Nam sẽ tăng khoảng 8% năm 2022 và 6-6,5% năm 2023, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ suy thoái.
Bên cạnh đó, các nền tảng kinh tế vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát. Bất chấp những áp lực lớn từ những rủi ro trên thế giới và trong nước, Việt Nam vẫn giữ được các nền tảng kinh tế vĩ mô như lạm phát ở mức khá thấp, lãi suất và tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát.
Ngoài ra, nền kinh tế thực, nhất là hoạt động của doanh nghiệp cơ bản vẫn khả quan, dù khó khăn hơn. Hoạt động doanh nghiệp thời gian qua phục hồi mạnh nhờ các hoạt động kinh tế – xã hội được mở cửa trở lại. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lũy kế 10 tháng tăng 34,3% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của trên 200 doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng đầu năm tăng 22% so cùng kỳ, cả năm 2022 dự báo tăng khoảng 18% và năm 2023 dự báo tăng khoảng 10-15%.
Giá chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn khi chỉ số PE thấp hơn các nước |
Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá triển vọng Việt Nam ở dạng “tích cực” trong trung hạn. Cuối tháng 10/2022 vừa qua, Tổ chức Fitch Ratings xếp hạng nhà phát hành ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB với triển vọng tích cực, trong đó đánh giá triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung hạn; nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và thâm hụt ngân sách vẫn ở mức thấp so với nhóm quốc gia tương đồng. Tổ chức này đánh giá rủi ro bên ngoài đối với Việt Nam bao gồm xung đột tại Ukraina, điều kiện nguồn vốn toàn cầu eo hẹp hơn, độ mở nền kinh tế lớn dễ bị tổn thương từ các cú sốc bên ngoài.
Giá chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn khi chỉ số PE của thị trường đang ở vùng trũng thấp sau thời gian điều chỉnh giảm. Chỉ số PE của VN-Index hiện đang ở mức 10,2 (ngang với vùng đáy lịch sử trong giai đoạn dịch Covid-19). Mức này được đánh giá là hấp dẫn khi nó thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới. Bên cạnh đó, dữ liệu quá khứ cho thấy, mỗi lần P/E của VN-Index về 10,x thị trường thường xuất hiện sóng hồi mạnh mẽ sau đó, điển hình là giai đoạn 2020-2021. Dù bối cảnh khác nhau và dù chỉ số PE chỉ là tham khảo, nhà đầu tư còn phân tích nhiều chỉ số khác (như EPS, P/B…) nhưng cũng là thời điểm đáng quan tâm./.
Để TTCK Việt Nam có thể phục hồi, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV khuyến nghị nên ưu tiên một số chính sách, giải pháp như: tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh triển khai các cấu phần trong chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công; đẩy nhanh hoàn thiện và thực thi thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát hợp lý, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường…. Đối với nhà đầu tư, cần hết sức bình tĩnh, không nên rơi vào vòng xoáy bán lấy được, không nên dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông, mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng của doanh nghiệp, đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế đòn bẩy và kiên trì nâng cao kiến thức, kinh nghiệm đầu tư chứng khoán là rất cần thiết. |