Khi cách mạng công nghiệp bùng nổ vào những năm 1850 ở châu Âu và Mỹ, những máy móc và dây chuyền sản xuất được vận hành liên tục đã bắt buộc công nhân trong các nhà máy phải làm việc xuyên ngày đêm. Họ phải đứng làm việc nhiều đến mức dị tật ở chân bên các dây chuyền sản xuất và họ không có ngày nghỉ. Và nhiều công nhân đã tự tạo cho mình một ngày nghỉ vào Chủ Nhật hàng tuần với lý do rất hợp lý là phải đi lễ nhà thờ. Và nhiều người còn nghỉ luôn cả thứ 2 để dành thời gian cho cá nhân. Điều này cho thấy, nhu cầu của một công nhân luôn muốn được nghỉ hai ngày trước khi quay trở lại công việc vào tuần mới.
Đến năm 1926, ông trùm ngành công nghiệp xe hơi Henry Ford đã lần đầu tiên đưa ra chính sách “tuần chỉ nên làm việc 5 ngày” với mục tiêu giúp công nhân của mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Nhưng mục đích sâu xa không chỉ có vậy, mà là giúp người lao động có nhiều thời gian rảnh hơn để đi mua sắm, đi chơi, đi ăn uống, gặp gỡ giao lưu và hẳn nhiên họ sẽ cần nhiều phương tiện di chuyển hơn, qua đó hãng xe hơi Ford của ông cũng sẽ bán được nhiều xe hơn. Mà trước tiên là bán xe cho chính những người công nhân của mình.
- .https://kinhtehaiphong.vn/so-troi-dinh-nghiep-do-minh/
- .https://kinhtehaiphong.vn/nhung-tam-cam-dai-bang/
Đến cuộc đại suy thoái kinh tế vào những năm 1930, hàng hoá bán ra đến mức trì trệ nên nhiều doanh nghiệp ở Mỹ cũng đã nghĩ tới việc giảm tải thời gian làm việc cho công nhân của mình nhằm cắt giảm chi phí thông qua quy định tuần làm việc 5 ngày, và mỗi ngày 8 giờ. Tuy nhiên, những ông chủ sẽ không hề giảm chỉ tiêu công việc cho người lao động. Như vậy có nghĩa là áp lực về hiệu suất làm việc đối với người lao động sẽ cao hơn trước và bắt buộc người lao động phải làm việc với năng suất cao hơn. Nhưng những người công nhân cũng rất đồng tình với chính sách này. Và cho đến những năm 1970, hầu hết các nước châu Âu, Mỹ, Canada đều đã áp dụng triệt để quy định tuần làm việc 5 ngày, nghỉ vào thứ bẩy, chủ nhật với tổng thời gian làm việc quy địn là 40h/tuần.
Tác dụng của chính sách này đã được phát huy rõ rệt khi việc mua sắm của người dân vào những ngày cuối tuần tăng lên đáng kể, họ đã chi tiêu nhiều hơn và những doanh nghiệp đã bán được nhiều hàng hoá hơn. Nếu chỉ được nghỉ mỗi ngày chủ nhật, thì người lao động sẽ chỉ muốn nghỉ ngơi ở nhà để hồi phục sức khoẻ mà không chịu ra đường hay đi mua sắm. Còn được nghỉ hai ngày thứ bẩy và chủ nhật, họ sẽ dành một ngày để mua sắm và hưởng thụ. Qua đó người lao động cũng được có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn cho một tuần mới làm việc hiệu quả và các doanh nghiệp cũng bán được nhiều hàng hoá hơn, giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn.
Ngày nay, với những vị trí có khung lương sàn sàn nhau trong các doanh nghiệp SMEs, chắc hẳn những doanh nghiệp có chính sách “tuần làm việc 5 ngày” sẽ có sức hút hơn hẳn những doanh nghiệp chỉ cho nghỉ một ngày thứ bẩy hoặc nghỉ nửa ngày thứ bẩy và chủ nhật.