Sức nặng điểm số đối với sinh viên

Nền giáo dục bệnh “thành tích” vì điểm số

Từ nhỏ trẻ em luôn được phải dạy rằng “ cần phải đạt được điểm số thật cao trong các bài kiểm tra”, “phải đứng nhất nhì lớp”. Trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh, điểm cao sẽ mang đến niềm vui cho mọi người, cho sự hãnh diện gia đình. Dần dần khi lớn lên, những đứa trẻ sẽ phải đối diện những câu hỏi “năm nay con học sinh gì”, “con học thua bé A, hơn bé B hả?”. Nhiều bố mẹ xem thành tích học tập của con cái như món đồ trang sức, làm đẹp tên tuổi của mình. Rất nhiều trường học vì chạy đua thành tích mà vô hình chung cũng đặt áp lực rất lớn đến các bạn. Khái niệm “con nhà người ta” bắt đầu hình thành. Như một áp lực vô hình chúng buộc những đứa trẻ lao đầu vào con đường chạy theo điểm số, học giả, học vẹt, quay cóp… và rất nhiều hệ lụy khác.

Nhưng thực sự điểm số có quan trọng? Liệu ước mơ có được xây dựng bằng những con số?

Điểm cao rất tốt, học giỏi thì càng tuyệt vời. Tuy nhiên nó không phải là tất cả để gây nên áp lực với bất kỳ người học nào, đặc biệt là với những sinh viên. Xã hội này không cần những người chỉ có điểm cao mà không có năng lực làm việc. Tuy nhiên, sức nặng điểm số luôn tạo áp lực khủng khiếp lên sinh viên và bắt các bạn phải đạt bằng được. Và rồi các bạn lãng phí tuổi trẻ và quay cuồng trong mớ lý thuyết hỗn độn không có đường ra.

Sức nặng điểm số hay tích lũy trải nghiệm

Kiến thức sách vở và những bài giảng của thầy cô cũng rất hữu ích. Nhưng có lẽ một nền giáo dục quá đặt nặng lý thuyết khiến cho mọi thứ dần trở nên ngột ngạt. Bước ra xã hội đi làm không ai nhìn bảng điểm rồi phán xét năng lực của bạn. Năng lực thực sự không nằm ở sức nặng điểm số mà sẽ chứng minh qua những trải nghiệm thực tế, kiến thức chuyên môn và cách thích nghi của bạn với môi trường mới.

Không phủ nhận những lợi ích từ những bài thuyết trình, bài nghiên cứu khoa học trên giảng đường. Nhưng nó phải cần có sự liên kết thực tế với những doanh nghiệp, công ty chứ không chỉ gói gọn trong nhà trường. Nhiều bạn sinh viên thức khuya dậy sớm, quên ăn quên ngủ chỉ để chạy cái gọi là “đồ án”. Áp lực quá nặng về lý thuyết gây ra hậu quả là nhiều bạn trầm cảm, hội chứng rối loạn lo âu. Thậm chí, có nhiều trường hợp đột quỵ chỉ vì những bài nghiên cứu đồ án dày đến mấy chục trang giấy nhưng không có tính ứng dụng.

Nếu bạn tìm hiểu sẽ thấy, đối với các nhà tuyển dụng họ luôn đề cao đến yếu tố thực tiễn. Họ đánh giá năng lực của bạn qua những trải nghiệm và những va vấp mà bạn có được. Cho nên, bước vào đại học không phải là cuộc chạy đua điểm số xem ai học giỏi hơn mà xem ai tích lũy kiến thức thực tế nhiều hơn. Đi làm khác với đi học rất nhiều, đó là khi hiện thực cuộc sống rõ ràng hơn và công việc đòi hỏi yêu cầu chỉ tiết hơn. Vì vậy, đừng biến tuổi trẻ của mình thành bài toán của các con số hay sự so sánh thành tích lẫn nhau.

Mỗi sinh viên sẽ có những giá trị và những định hướng khác nhau. Học giỏi, điểm cao rất tốt nhưng đừng biến nó thành cái gông đeo vào cổ để rồi tự dày vò bản thân. Hành trình cuộc sống rất dài, điểm số hôm nay không nói trước được tương lai của bạn như thế nào. Thay vào đó bạn có thể tìm kiếm và khơi gợi niềm đam mê từ chính bên trong mình. Đừng để sức nặng điểm số là cái gông mà quên đi cuộc sống còn có rất nhiều thứ để khám phá.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục