Bị 4 Shark từ chối đầu tư, chỉ còn 1 deal duy nhất từ Shark Hưng nhưng do chưa đạt được thỏa thuận mong muốn nên Startup giáo dục Đào Phan – Fouder và CEO của iZi đã từ chối đề nghị của Shark Hưng.
Shark Tank năm nay xuất hiện khá nhiều start up giáo dục. Một startup giáo dục khác góp mặt trong Shark Tank tuần này Công nghệ Giáo dục iZi với founder kiêm CEO Đào Phan. Đến với Shark Tank, cô kêu gọi 200.000 USD cho 4% cổ phần, định giá công ty khoảng 5 triệu USD.
Đào Phan cho biết iZi được sinh ra với sứ mệnh là biến việc học trở nên easy (dễ) hơn và tạo ra nhiều niềm vui hơn cho cả người dạy lẫn người học. Đối tượng iZi tập trung là host và cộng đồng của họ. Trong đó host là thế hệ Millennials từ 25-40 tuổi, có mong muốn chia sẻ hiểu biết của họ ở một phạm vi chuyên môn nhất định. Còn cộng đồng của họ là thế hệ GenZ từ 16 đến 25 tuổi có mong muốn, nhu cầu và sức chi cho việc phát triển bản thân. Hai đối tượng mục tiêu này giúp định vị iZi tại thị trường Out of school có độ lớn tại Việt Nam là gần 7 tỷ USD và trên toàn cầu là 1.600 tỷ USD.
Tuy nhiên, sản phẩm đang ở giai đoạn Beta, chưa hoàn thiện và dự định đến tháng 7/2022 sẽ là bản hoàn chỉnh, chạy trên nền tảng mobile app, bắt đầu lấy doanh thu từ thời điểm này. Doanh thu của iZi từ 2 nguồn chính, nguồn thứ nhất là thu hằng tháng đối với các host (người chủ trì), nguồn thứ hai là nguồn chia sẻ doanh thu giữa iZi với host khi host tạo ra những phòng học mà người dùng trả phí trực tiếp.
Khi Shark Liên hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm về tính sư phạm trong chương trình giáo dục này, Đào Phan cho biết cô là người chịu trách nhiệm chính bởi vì cô được đào tạo là trainer, nhưng sau lưng cô có đội ngũ chuyên gia là những Thạc sĩ, Tiến sĩ về Giáo dục để họ hỗ trợ cô trong việc xây dựng chương trình này.
“iZi sẽ có 1 đội ngũ kiểm tra hồ sơ và tiểu sử của những host khi tham gia, nhưng chất lượng trong quá trình mà họ triển khai, thì chúng tôi sẽ để lại cho cộng đồng đánh giá. Và đây là cơ chế mở mà chúng tôi muốn nhấn mạnh. Và dần dà khi nội dung thông tin nhiều thì chúng tôi bắt đầu dùng công nghệ để xem xét, vì để sử dụng được AI đánh giá thông tin như thế nào là phù hợp thì chúng tôi cần lượng tích lũy theo thời gian.” – Đào Phan chia sẻ
Shark Phú thắc mắc lý do gì Startup định giá công ty lên đến 5 triệu đô khi chưa có doanh thu, Đào Phan giải thích rằng có 2 lý do. Thứ nhất là dựa vào so sánh với các startup gần với mô hình của iZi trên thế giới mà đã vượt qua những cột mốc của họ rồi. Thứ hai là dựa vào mức độ tăng trưởng của iZi từ vòng gọi vốn trước cho tới vòng này.
Đào Phan cho biết, hiện tại mức độ tăng trưởng của iZi là 12 lần từ vòng gọi vốn trước về số lượng người dùng miễn phí. Về mặt doanh thu, iZi có doanh thu thí nghiệm, nhưng cô chưa dám chia sẻ thẳng thắn doanh thu thực tế hiện tại mà iZi có.
Shark Linh đặt câu hỏi iZi khác gì với Kahoot!, Đào Phan cho rằng Kahoot! khi mới thành lập thì chỉ định vị họ là công cụ, không quan tâm tới cộng đồng cũng không quan tâm tới nội dung. iZi cũng sử dụng gamification nhưng nó là phần kỹ thuật, còn iZi quan trọng nhất là nội dung và cộng đồng. Kahoot phải cùng ngồi tại 1 chỗ để chơi, chứ không thể ngồi ở 4 châu lục khác nhau để chơi cùng được như iZi.
Shark Hưng và Shark Phú đồng tình rằng định giá của Startup đang không hợp lý khi so sánh startup với những trường hợp đã thành công trong quá khứ. Shark Linh cho biết thêm gần đây bà có nghiên cứu thị trường này khá nhiều bởi bà đang muốn làm thêm những khóa học đào tạo. “Trên thị trường toàn cầu có cả trăm công ty tương tự như vậy và họ đã vận hành nhiều năm rồi. Và với mô hình trả từng học sinh là mô hình doanh thu cũ rồi. Có thể đội doanh thu cũng chưa có nghiên cứu đủ để thấy thị trường toàn cầu như thế nào”.
Shark Phú, Shark Linh và Shark Bình quyết định không đầu tư. Shark Liên cũng có quyết định tương tự, nhưng bà cho lời khuyên là startup hãy kiểm soát chặt chẽ tính sư phạm, tiếp nữa là nội dung cũng phải kiểm soát chặt và hứa hẹn khi nào startup hoàn thiện sản phẩm, bà sẽ là khách hàng của họ.
Với 4 Shark quyết định không đầu tư, iZi chỉ còn 1 lựa chọn duy nhất là Shark Hưng. Ông cho biết hiện nay ông đang có một học viện là Cen Academy, và cá nhân ông vừa mới về công tác tại trường Quản Trị Kinh Doanh của trường Đại học Quốc Gia Hà Nội. Ông thấy ứng dụng này có tiềm năng cho những hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Nhưng Shark Hưng đưa ra deal 200.000 USD cho 35% cổ phần.
Đào Phan cho biết khi đến với chương trình này cô và đội ngũ cũng có ngồi thảo luận với nhau sẽ gọi tối đa là 10% cổ phần cho ít nhất là 350 nghìn USD.
Shark Hưng vẫn giữ nguyên quan điểm: “Tôi chưa nhìn thấy cái hack for growth (tăng trưởng nhanh) nào của bạn thật sự đủ lớn để đầu tư với giá trị doanh nghiệp lớn đến mức độ như vậy.” Không đạt được thỏa thuận mong muốn nên Đào Phan đã từ chối đề nghị của Shark Hưng.