Soichiro Honda, người sáng lập ra thương hiệu Honda nổi tiếng

Tại Việt Nam, người dân chắc hẳn đã quá quen thuộc với những chiếc xe máy mang thương hiệu Honda, tuy nhiên, không phải ai cũng biết người sáng tạo ra thương hiệu này là ai. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu về Soichiro, người sáng lập ra thương hiệu nổi tiếng Honda nhé.

Niềm đam mê với xe cộ từ thời niên thiếu 

Soichiro Honda sinh ngày 17/11/1906 tại Komyo, một ngôi làng ở miền trung nước Nhật. Ngay từ khi còn nhỏ, chàng trai này đã vùi đầu trong mùi dầu máy, khi mới 2 tuổi ông đã có sự thích thú và mày mò với cối xay gió. Khi lớn thêm một chút nữa, ông đã tự “chế tạo” một chiếc máy bay đồ chơi bằng tre có gắn “động cơ” làm bằng dây cao su.

Khi lên 8 tuổi, lần đầu tiên trông thấy một chiếc ô tô, ông đã quả quyết sau này sẽ chế tạo những chiếc xe như vậy. Thậm chí, do quá say mê với kỹ thuật nên kết quả học tập của ông không được tốt. Để chống chế, Soichiro đã chế ra một con dấu giả của gia đình từ miếng cao su lấy từ pedal xe đạp để đóng vào sổ liên lạc.

Theo thời gian, sự đam mê với cơ khí và động cơ của ông Soichiro ngày càng lớn. Năm 1917, vì muốn được tận mắt thấy chiếc máy bay, ông đã vét sạch tiền lẻ tiết kiệm trong hộp và “mượn tạm” một chiếc xe của cha mình để đi 20km tới sân bay. Không đủ tiền vào cửa, ông trèo lên cây cao mà ngắm nhìn một chiếc máy bay chuyển động từ phía xa.

Bước đầu khởi nghiệp đã trắng tay

Sự nghiệp của Soichiro Honda trước khi bước tới thành công đã phải trải qua rất nhiều biến cố, ông đã phải trả giá về cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Soichiro từng tâm sự: “Những gì người ta nhìn thấy từ thành công của tôi chỉ là 1%, nhưng những gì họ không nhìn thấy lại chiếm đến 99% đó là những thất bại của tôi”.

Năm ông 21 tuổi, dù đã là chủ một chi nhánh cửa hàng sửa chữa ô tô Art Shokai nhưng do cảm thấy nhàm chán nên ông đã chú ý tới những chiếc séc măng. Và từ đó, Phòng nghiên cứu sản xuất séc măng Art Shokai của ông ra đời. Tuy nhiên, khi mới chỉ ở trong giai đoạn trứng nước, nó đã bị ban giám đốc phản đối kịch liệt và không chịu cấp vốn. Sau quãng thời gian gượng dậy để làm việc tiếp thì ông vấp phải liên tiếp những thử nghiệm thất bại và rơi vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

Bấy giờ, Soichiro “đánh liều” tham dự cuộc đua mô tô mang tên Hamamatsu cùng anh trai.Trong cuộc đua, chiếc xe của ông luôn dẫn đầu nhưng khi gần về tới đích, tại nạn bỗng xảy ra khiến cả hai anh em ông đều bị thương nặng. Một tuần sau khi ra viện, trong túi ông không còn một đồng xu nào, dự án chế tạo séc măng cũng sụp đổ từ đó.

Để duy trì cuộc sống, vợ của Soichiro đã phải đi cầm cố những kỷ vật của gia đình. Chưa hết, khi đang học tại Trường Hamamatsu, do bị tai nạn không đi thi được, ông đã bị trường đuổi học.

Không từ bỏ, ông lại bắt đầu một giấc mơ mới với việc vừa làm việc vừa đăng ký học tại Đại học Tohoku Imperial và Nihon Muoran Seisakusho. Soichiro nghiên cứu, phát minh ra nhiều thứ và có rất nhiều bằng sáng chế, một trong những phát minh đó là máy đánh bóng séc măng.

Năm 1938, Soichiro từng vùi đầu ngày đêm trong phòng thí nghiệm để tạo ra công trình bạc của Pit-tông nhưng bị Toyota từ chối, đồng thời nhận về vô số lời chê cười và chế nhạo. Bỏ ngoài tai những lời đó, ông tiếp tục tập trung vào mục tiêu của mình, hai năm sau đó, Soichiro đã ký hợp đồng thành công với Toyota.

Một vài năm sau đó, Nhật Bản rơi vào tình trạng chiến tranh khiến nhà máy của ông không trụ nổi. Nhưng Soichiro Honda vẫn không dễ dàng bỏ cuộc, người đàn ông này lập tức tập hợp lại các bạn, họ cùng nhau đi thu nhặt các thùng xăng mà máy bay Mỹ đã đổ bỏ. Ông gọi chúng là” Quà tặng của Tổng thống Truma” vì chúng cung cấp nguyên vật liệu cho quy trình chế tạo của ông. Cuối cùng, sau khi đã thoát được tất cả những rắc rối đó, một trận động đất đã san bằng nhà máy. Soichiro Honda đã quyết định bán quy trình chế tạo pit-tông cho Toyota.

Tự tạo ra những chiếc xe máy mang tên mình 

Sau khi chiến tranh chấm dứt, Nhật Bản chỉ còn là một mớ hỗn loạn. Nguồn tài nguyên khan hiếm, xăng bị hạn chế sử dụng và trong một số trường hợp, gần như không thể tìm thấy. Ông Soichiro  Honda thậm chí không có đủ xăng để lái xe đến chợ mua thực phẩm cho gia đình. Nhưng vì đã quá quen với thất bại và sống trong gian khó, ông lại tìm tòi và đưa ra những quyết định mới.

Ông có trong tay một chiếc mô tơ nhỏ tương đương động cơ một máy cắt cỏ và nảy ra ý tưởng gắn nó vào chiếc xe đạp của mình. Ngay lúc đó, chiếc xe đạp có động cơ đầu tiên đã được tạo ra. Ông dùng chiếc xe đó để đi chợ, bạn bè nhận thấy chiếc xe thuận tiện và có tốc độ khá nhanh nên đã yêu cầu Honda làm vài chiếc cho họ. Ngay sau đó, ông đã sản xuất nhiều “mô tô” đến nỗi hết động cơ. Soichiro Honda tính chuyện xây dựng một nhà máy mới để tự sản xuất. Nhưng ông không có tiền bởi nước Nhật lúc bấy giờ đã tan hoang. Ông gửi một lá thư cho từng chủ cửa hàng xe đạp ở Nhật Bản, nói với họ rằng ông có giải pháp cho việc đi lại ở Nhật Bản, rằng xe máy của ông rẻ và sẽ giúp mọi người có phương tiện. Sau đó, ông yêu cầu họ đầu tư cho mình.

Trong số 18.000 chủ cửa hàng bán xe đạp nhận được thư, đã có 3.000 người đưa tiền cho Honda và ông đã sản xuất lô hàng đầu tiên của mình. Nhưng vì chiếc xe máy quá to và cồng kềnh, rất ít người Nhật mua. Một lần nữa, ông nhận thấy những gì không hiệu quả, thay vì từ bỏ, ông lại thay đổi cách tiếp cận. Ông quyết định lột bỏ chiếc xe máy của mình để làm cho nó nhẹ và nhỏ gọn hơn nhiều. Ông gọi nó là The Cub, và nó “thành công chỉ sau một đêm”, giành được Giải thưởng Nhật Hoàng.

Năm 1946, Soichiro Honda thành lập Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Honda . Ông tập trung sản xuất xe máy, loại xe rẻ hơn và có thể hữu ích trong hoàn cảnh mới của đất nước. Ông đã lựa chọn đúng. Ông tạo ra một động cơ nhẹ ít ồn hơn nhiều so với những động cơ khác để đạt được thành tựu mới. Ông đặt tên cho nó là “Super Cup” và dòng xe mới này đã thành công trong nháy mắt. Một lần nữa ông được trao giải thưởng của Nhật Hoàng.

Đến tháng 10/1949, công ty Honda Motor đã chế tạo thành công chiếc xe máy đầu tiên có trọng lượng nhẹ của thế giới mang tên Honda Dream. Soichiro đặt cho nó khẩu hiệu “The Power Of Dreams” bởi ông cảm thấy rằng, với sản phẩm này, những giấc mơ của ông sẽ có khả năng trở thành hiện thực.

Chỉ vài tháng sau, doanh số bán hàng tăng nhanh đến mức sản lượng của nhà máy với 1.500 xe/tháng (mức sản lượng kỷ lục của thời đó) cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Tốc độ phát triển thần kỳ của doanh nghiệp do Honda sáng lập khiến nhiều người trải trầm trồ, kinh ngạc.

Thời kỳ huy hoàng của Honda cũng là lúc Soichiro Honda nắm quyền, tập đoàn mang tên ông đã nhanh chóng vươn lên trở thành nhà sản xuất xe máy lớn nhất thế giới vào những năm 60 của thế kỷ XX. Soichiro Honda giữ vị trí chủ tịch trong suốt 25 năm. Ông qua đời năm 1991 và thọ 85 tuổi.

Dù đã qua đời nhưng câu chuyện về sự kiên trì, bền bỉ của ông mãi mãi là một nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ tại nhiều nơi trên thế giới. Ông đi lên từ tuổi thơ khốn khó, khởi nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng và không ít lần thất bại, nhưng đã gây dựng nên cả một tập đoàn Honda hùng mạnh. Cuộc đời của ông là một chuỗi dài những nỗ lực và sức sáng tạo bền bỉ, đứng lên sau thất bại.

Ngày nay, Công ty tập đoàn Honda đã có hàng trăm nghìn nhân viên, là 1 trong những công ty về xe hơi lớn nhất trên thế giới. Honda thành công là bởi vì có 1 người sáng lập tài ba, ông đã thực sự quyết tâm khi đưa ra 1 quyết định, hành động theo nó, và liên tục điều chỉnh, sẵn sàng đổi mới khi cần thiết. Ông liên tục tiến về phía trước và không để “thất bại” cản đường mình.

Ở Việt Nam, xe máy Honda trở thành thương hiệu nổi tiếng, được đa số người dân tin dùng. Đây là một hãng xe máy có độ bền cao, thiết kế hiện đại, trẻ trung và thay đổi linh hoạt, thích hợp theo thời gian, trở thành người bạn đồng hành của rất nhiều người Việt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục