Sân khấu truyền thống: Nỗi lo thiếu nhân lực làm nghề

Hai diễn viên chính trong vở Macbeth của Đoàn Kịch nói Hải Phòng đều là “ngoại binh”. Ảnh: ĐỖ HIỀN

Dù được xem là “điểm sáng” về nghệ thuật sân khấu, Hải Phòng cũng không nằm ngoài nỗi lo chung của sân khấu truyền thống cả nước về sự thiếu đội ngũ diễn viên, nhạc công trẻ kế cận. Nguyên nhân là số lượng tuyển sinh đầu vào các ngành này ngày càng ít, có chuyên ngành “trắng” sinh viên. Bên cạnh đó, việc thiếu chính sách thu hút, đãi ngộ người tài khiến nhiều người “bỏ nghiệp” giữa chừng…

Khó tuyển người trẻ, khó giữ người tài

Chuyện sử dụng “ngoại binh” để vào vai chính, vai “đinh” không còn hiếm gặp ở nhiều chương trình, vở diễn thuộc Đề án Sân khấu truyền hình. Nếu vở kịch kinh điển “Romeo và Juliet” của năm 2023, Đoàn Kịch nói Hải Phòng mời diễn viên ở Hà Nội là Thu Quỳnh (vào vai Juliet) và Tiến Lộc (vai Romeo), thì đến vở “Macbeth” của năm 2024, vai chính lại thuộc về Nguyễn Tú (vai Macbeth) và Huyền Sâm (vai phu nhân Macbeth) cũng từ các đơn vị nghệ thuật Thủ đô. Trong khi đó, các diễn viên gạo cội, thừa độ chín về nghề trong đoàn đành chỉ vào… vai phụ. Trưởng Đoàn Kịch nói Hải Phòng Trần Trung Hiếu lý giải, khoảng 5 năm trở lại đây, đoàn không tuyển được diễn viên trẻ. “Cần nhất là lứa diễn viên tầm 24-25 tuổi, vừa tốt nghiệp ra trường nhưng họ thường không về Hải Phòng. Nguyên nhân có lẽ bởi chúng ta còn thiếu cơ chế đặc thù để thu hút người trẻ, người tài về với sân khấu truyền thống thành phố. Do vậy, diễn viên chính của đoàn trẻ nhất nay cũng gần 40 tuổi, khó để được sắp xếp vào vai nhân vật chính ở độ tuổi 18, đôi mươi…”.

Chung tình trạng này là Đoàn Cải lương Hải Phòng với khó khăn lớn nhất là thiếu đội ngũ diễn viên thực lực kế cận. Theo Trưởng đoàn Vũ Gia Thùy, các đào, kép chính ở đoàn hiện nay cũng đều ở tuổi trên dưới 40. Trong những năm gần đây, đoàn tuyển dụng thêm được một vài diễn viên tốt nghiệp chuyên ngành Cải lương, sinh năm 1997, 2000 về làm việc. Diễn viên mới tuyển dụng vào biên chế hưởng mức lương khởi điểm, được bố trí ăn nghỉ tại đoàn. Tuy nhiên, để trở thành diễn viên chính kế cận được hay không lại là câu chuyện khác bởi ngoài bằng cấp, họ còn phải được rèn luyện, được uốn nắn, trưởng thành qua các vở diễn lớn, nhỏ.

Không chỉ 2 đoàn nghệ thuật trên, hầu hết lãnh đạo các đoàn nghệ thuật của thành phố đều “đau đầu” trước sự “báo động đỏ” về nhân lực trong những năm gần đây. Việc phải “mượn” diễn viên từ các đơn vị khác ảnh hưởng nhiều đến công tác chuyên môn của các đoàn, không bảo đảm tính chuyên nghiệp. Tuổi đời trung bình của diễn viên khá cao so với các vai diễn, nhưng không tuyển được diễn viên trẻ, tài năng do yêu cầu tinh giản biên chế và chưa có cơ chế đặc thù thu hút tài năng trẻ…

Cần tháo gỡ từ cơ chế

Làm việc với Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW tại Hải Phòng, lãnh đạo UBND thành phố nêu rõ vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Theo đó, thành phố giao biên chế cho các đoàn nghệ thuật với số lượng nhất định. Số diễn viên nhiều tuổi thì chưa có cơ chế để được nghỉ hưu sớm, trong khi diễn viên trẻ muốn tuyển thì lại chưa có biên chế. Ngoài ra, tại nhiều cuộc họp, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai than khó vế nhân lực nghệ thuật. Theo đó, các đoàn nghệ thuật để đủ nhân lực dựng vở cần có từ 40-50 người, trong khi thực tế chỉ có khoảng 30 diễn viên được trả lương từ ngân sách. Thực hiện chủ trương về tự chủ ngân sách, giai đoạn 2022-2026, các đoàn phải tự chủ chi lương 10% biên chế. Đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống, nhất là những đơn vị như Đoàn Kịch nói Hải Phòng, Đoàn Cải lương Hải Phòng vốn vô cùng khó khăn về nguồn thu, việc đã thiếu nhân lực còn phải tự chủ chi lương gây khó cho việc bồi dưỡng diễn viên trẻ, giữ chân diễn viên tài năng…

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn kỳ họp 7, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đặc thù nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo trong 7-12 năm, một số bộ môn 15-16 năm. Tuổi đào tạo nghề từ 10 tuổi và phải có năng khiếu. Trong khi đó, thời gian hoạt động biểu diễn bình quân 15- 20 năm. Vì vậy, nghệ sĩ nữ từ 35-40 tuổi và nam từ 40-45 tuổi trở lên hầu như bị suy giảm khả năng biểu diễn, hoạt động chuyên môn. Việc này dẫn đến thực trạng người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật “hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi hưu”, khó khăn trong chuyển đổi vị trí việc làm. Các nghệ sĩ này mong được giải quyết chế độ để nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ cho phép họ nghỉ sớm hơn không quá 5 năm so với quy định về tuổi nghỉ hưu (từ năm 2021, nam phải đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ đủ 55 tuổi 4 tháng, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035). Vì vậy, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất đưa viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vào “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”. Điều này giúp nghệ sĩ được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm.

Mong rằng, việc tháo gỡ cơ chế cần được thực hiện từ Trung ương đến địa phương, nhằm tạo “làn gió mát” thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực nghệ thuật bổ sung vào lớp diễn viên kế cận của thành phố.

Nguồn: Báo Hải Phòng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục