Với lợi thế vị trí địa lý quan trọng trong khu vực, kết nối giữa công xưởng lớn nhất trên thế giới và các thị trường lớn quốc tế, Hải Phòng cần tiên phong xây dựng chiến lược định vị thành phố trong chuỗi cung ứng quốc tế…
Sự phát triển của Hải Phòng, thành phố nằm bên biển Đông có bờ biển dài trên 125km, gắn với những thăng trầm của đất nước, luôn bừng sáng niềm tin chiến thắng trước những thời điểm khó khăn nhất để đóng góp sắc màu riêng biệt của mình trong công cuộc đổi mới của đất nước. Có lẽ vì vậy, Nghị quyết 16 của HĐND TP. Hải Phòng năm 2012 đã chọn biểu trưng hoa của thành phố là hoa phượng đỏ – loài hoa cứ đến giữa tháng 5 lại bắt đầu nở rộ, thể hiện ý chí và sắc màu chiến thắng đẹp đẽ.
Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, đất nước ta gặp nhiều khó khăn lớn. Chỉ vài năm sau thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chúng ta phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới ác liệt và chính sách bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch. Đồng thời, nhược điểm của mô hình, cơ chế quản lý kinh tế cũ bộc lộ rõ và trở thành lực cản phát triển. Các địa phương, nhất là các thành phố công nghiệp như Hải Phòng đứng trước thử thách khắc nghiệt nhất ảnh hưởng đến sự tồn tại của người dân, đó là an ninh lương thực. Và điều kỳ diệu đã xảy ra với sự xuất hiện của sắc màu phượng đỏ thể hiện qua Nghị quyết 24 năm 1980 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về khoán sản phẩm nông nghiệp. Hải Phòng đã thực hiện thành công mô hình này để rồi không lâu sau, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100 năm 1981, công nhận khoán sản phẩm và áp dụng trong nền nông nghiệp cả nước. Việt Nam không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà nhanh chóng trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
Sự đột phá và thành công của ngành sản xuất nông nghiệp đã lan tỏa sang các ngành khác hướng tới nền kinh tế thị trường, là nền tảng cho lý luận và thực tiễn phát triển không những của thành phố Cảng mà còn của cả nước. Cách đây đúng 40 năm, với tầm nhìn vươn ra biển “làm giàu, đánh thắng” của lãnh đạo thành phố, dự án lấn biển Đồ Sơn, dự án đào kênh và đường xuyên đảo Cát Hải, Cát Bà đã hình thành bộ mặt hoàn toàn mới của Hải Phòng. Đây có thể nói là thời điểm sắc màu hoa phượng sáng chói nhất trong chiều dài lịch sử thành phố.
Bên cạnh thành quả phát triển công nghiệp, giao thương quốc tế, du lịch và dịch vụ, công cuộc đổi mới và sáng tạo vươn ra biển Đông thời kỳ đó của những người con đất Cảng đã góp phần hình thành các ngành kinh tế biển của đất nước. Tất cả là tiền đề góp phần cho sự thành công của Đại hội VI lịch sử của Đảng (1986) và mở đầu cho công cuộc Đổi mới của đất nước với sự ra đời ngay sau đó của các nghị quyết Bộ Chính trị năm 1988: số 10-NQ/TW về “đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” và số 13/NQ-TW về “nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”.

Cửa ngõ phía Nam, hướng ra biển của TP. hải Phòng
Ảnh: Hải Phong
- .https://kinhtehaiphong.vn/nhieu-loai-phao-hoa-moi-duoc-ban-ra-thi-truong-dip-tet-2023/
- .https://kinhtehaiphong.vn/bo-tai-chinh-ban-hanh-chi-thi-tang-cuong-binh-on-gia-dip-tet-nguyen-dan-nam-2023/
Ngày nay, Cách mạng Công nghiệp 4.0, hội nhập kinh tế thế giới và những thành quả nhất định của hơn 40 năm đổi mới đã định vị Việt Nam và TP. Hải Phòng với ba vị thế nổi trội.
Một là, Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế thị trường năng động nhất khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Hai là, Việt Nam trở thành một trong số rất ít quốc gia chiếm vị trí tối quan trọng trên biển Đông – tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á.
Ba là, với sự thay đổi khu vực và thế giới, có hai lĩnh vực trọng tâm lớn nhất được đặt ra trong thương mại toàn cầu là tiêu chuẩn và chuỗi cung ứng sản phẩm. Sự hình thành, phát triển các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế như ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Ấn Độ, EVFTA, CPTPP, RCEP, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và đặc biệt là Khung khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF)… đã định vị Việt Nam có một vị trí chiến lược trung tâm trong chuỗi cung ứng.
Hải Phòng với vị trí có một không hai ở Việt Nam, có thể kết nối đồng thời đường bộ, đường không, đường biển, đường thủy nội địa và đặc biệt là hệ thống đường sắt đã có với các địa phương và các nước khu vực. Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc sông Hồng. Đây là tuyến đường sắt chạy theo hành lang Đông – Tây nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng – một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam. Việc kết nối đường sắt Trung Quốc cũng không phải chỉ phục vụ vận tải liên vận hai nước mà còn vận tải liên Á và sang cả EU.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết 45/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước với trọng điểm là dịch vụ logistics.
Triển khai chủ trương của Đảng và Chính phủ, hiện nay hệ thống cảng biển của thành phố gồm 5 khu bến với 98 cầu bến các loại cùng 8 đoạn luồng hàng hải chính, cơ bản đáp ứng tiếp nhận tàu lớn. Hệ thống giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng kết nối cảng biển với các khu công nghiệp, khu dịch vụ, hệ thống cảng cạn, kết nối với nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc và hai hành lang, một vành đai Việt Nam – Trung Quốc. Đặc biệt, 5 năm qua, nhiều công trình lớn đã được đầu tư xây dựng, phục vụ đắc lực cho vận tải hàng hóa qua cảng khu vực Đình Vũ, Lạch Huyện như: cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường và cầu ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long… Đồng thời, Hải Phòng tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại kết nối Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình. Cùng với đó, sân bay Cát Bi được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành Cảng Hàng không quốc tế cấp 4E.
Nguồn lực đầu tư hạ tầng logistics được Hải Phòng quan tâm với tổng vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 2016 – 2020 đạt 562.309 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giai đoạn 2011 – 2015. Đến thời điểm này, thành phố có 28 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi, logictics với tổng vốn đăng ký 116,1 triệu USD.
Mặc dù vậy hoạt động logistics tại Hải Phòng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn không ít bất cập như nhiều bến cảng quy mô nhỏ lẻ, manh mún; hệ thống kết nối giao thông hạn chế, không tập trung, tiêu chuẩn không đồng bộ, nhất là giữa cảng thủy nội địa với đường bộ. Tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai quá lạc hậu, lại là đường đơn, năng lực hạ tầng rất hạn chế. Hơn nữa, tuyến đường sắt hiện tại không kết nối được với đường sắt Trung Quốc để hàng hóa đi sâu vào nội địa Trung Quốc, từ đó đi nước thứ ba và ngược lại. Nhu cầu vận tải đường sắt trên tuyến ngày càng tăng, cảng Hải Phòng đã đạt 100 triệu tấn hàng/năm, nhưng đường sắt chỉ chở được hơn 1 triệu tấn hàng, chiếm 1,7% là quá bất cập.
Với lợi thế vị trí địa lý quan trọng trong khu vực, kết nối giữa công xưởng lớn nhất trên thế giới và các thị trường lớn quốc tế, Hải Phòng cần tiên phong xây dựng chiến lược định vị thành phố trong chuỗi cung ứng quốc tế cũng như tìm nguồn cung ứng, sản xuất, vận chuyển, kho bãi và bán hàng. Mục tiêu cuối cùng chuỗi cung ứng là tìm ra các quy trình bảo đảm luồng hàng hóa trôi chảy, hiệu quả, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tuyệt vời và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển ở cấp độ không chỉ quốc gia mà còn ở bình diện khu vực. Ngoài ra, Chiến lược định vị đó phải dựa trên quy hoạch phát triển liên kết vùng công nghiệp logistics phù hợp với tầm nhìn quốc gia về kinh tế biển để tập trung vào việc di chuyển và lưu trữ hàng hóa trong chuỗi cung ứng.
Cuối cùng, để thực hiện được chiến lược trên, vai trò của con người vẫn là quyết định. Sự chủ động, sáng tạo và truyền thống của những con người đất Cảng một lần nữa lại được thử thách trong công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước qua sự chỉ dấu của Đại hội Đảng XIII của Đảng. Được như vậy, sắc phượng đỏ thể hiện tinh thần khát khao chiến thắng bất diệt của người Hải Phòng sẽ mãi kiêu hãnh lung linh bên bờ biển Đông để cùng dân tộc hướng tới tầm nhìn 2050 với nước Việt “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Nguồn: Đại Biểu Nhân Dân