ChatGPT là một công cụ Chatbot được AI đào tạo để đưa ra các câu trả lời giống y như người thật, nó đã trở nên nổi tiếng trong một tháng trở lại đây. Đây đã trở thành một công cụ được nhiều người tin dùng. Thậm chí, một số người làm báo đã sử dụng ứng dụng này để phục vụ việc viết bài. Vậy ChatGPT có thể giúp phóng viên thực hiện những công việc gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Mặc dù có một số nội dung mà ChatCPT cung cấp còn chưa chính xác, nhưng điều đó không có nghĩa là ChatGPT không thể viết báo được. Một khi nhà báo biết rõ những gì nó có thể và không thể làm, thì công cụ này có thể giúp nhà báo thực hiện một số công việc, từ đó họ có thể tập trung vào những câu chuyện quan trọng đối với độc giả của mình.
Tuy nhiên, khi làm việc với ChatGPT, bạn hãy nhớ rằng nó là một công cụ thông minh, nhưng chưa quá xuất sắc. Nó chỉ là một cỗ máy và không có khái niệm về điều gì là thực, điều gì là không có đạo đức. Nó chỉ có thể tạo ra văn bản dựa trên việc tổng hợp rất nhiều thông tin đã được đào tạo.
Do đó, khi sử dụng ChatGPT, người làm báo cần kiểm tra lại một cách kĩ càng mọi thứ mà nó tạo ra. ChatGPT hầu như sẽ luôn trả lời mọi câu hỏi của người dùng và nếu không có thông tin thực, nó có thể bịa đặt ra. Do đó, bạn nên kiểm tra lại để đảm bảo rằng mọi thứ đều tồn tại.
Hiện tại, ChatGPT có thể hỗ trợ phóng viên, nhà báo một số việc như sau:
1. Tóm tắt các văn bản và tài liệu
Công cụ ChatGPT khá giỏi trong việc tổng hợp các đoạn văn bản dài. Điều này rất hữu ích khi nhà báo cần quét nhanh các báo cáo hoặc các tài liệu. Nhà báo có thể yêu cầu công cụ này cung cấp cho mình những luận điểm quan trọng nhất, chọn một câu trích dẫn hoặc tìm thông tin về tác giả.
2. Tạo ra câu hỏi và câu trả lời
Đây sẽ là một việc vô cùng hữu ích đối với nhà báo khi họ đang làm việc với một chủ đề không quen thuộc hoặc đang cần tìm kiếm những góc nhìn mới. ChatGPT có thể giúp nhà báo tiến hành nghiên cứu về các sự kiện, cá nhân và gần như mọi thứ. Tuy nhiên, hãy nhớ việc kiểm tra lại mọi thứ mà ChatGPT viết ra vì nó có thể bịa ra nếu nó không biết câu trả lời.
Ví dụ, nhà báo có thể yêu cầu ChatGPT cung cấp cho mình tên của các chuyên gia để phỏng vấn về một chủ đề nào đó và nó sẽ đưa ra một loạt đề xuất. Tuy nhiên, nếu chủ đề của bạn nằm ngoài những hiểu biết của ChatGPT, nó sẽ đưa ra cho bạn những cái tên ảo. Đây chính là một hạn chế lớn của Chatbot này.
3. Cung cấp trích dẫn
Người làm báo có thể yêu cầu ChatGPT tìm kiếm các trích dẫn từ một cá nhân cụ thể và khả năng cao ChatGPT sẽ tìm thấy nó. Tuy nhiên, hãy dành thời gian để kiểm tra xem câu trích dẫn đó đến từ đâu vì nó có thể là tác phẩm của một nhà văn khác hoặc cũng có thể là một câu mà ChatGPT tự bịa ra.
4. Đặt title
Nhiều nhà báo gặp khó khăn trong vấn đề đặt tiêu đề bài báo, nhưng đừng lo vì giờ bạn đã có thể nhờ ChatGPT hỗ trợ. Bạn có thể yêu cầu nó làm cho tiêu đề trở nên hài hước, vui nhộn, tích cực hay tiêu cực, loại bỏ biệt ngữ hoặc biến nó thành một số từ cụ thể… tùy theo ý muốn của bạn.
5. Dịch bài viết sang nhiều ngôn ngữ khác nhau
Giống như bất kỳ công cụ dịch thuật hỗ trợ AI nào khác, ChatGPT cũng có tính năng dịch thuật. Phóng viên có thể yêu cầu ChatGPT dịch một bài báo sang một ngôn ngữ nào đó tùy nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, có thể sẽ xuất hiện những câu hơi ngây ngô hoặc không có nghĩa. Nếu bạn muốn có được một văn bản hoàn hảo, chính xác hơn một chút, bạn có thể nhờ người giỏi ngoại ngữ chỉnh sửa lại giúp mình.
6. Viết email
Viết email là một việc mà ChatGPT có thể thực hiện tương đối tốt. Mặc dù bạn sẽ vẫn phải chỉnh sửa cho đến khi cảm thấy hài lòng. ChatGPT có thể tăng tốc quá trình gửi email cho các đối tác hoặc đồng nghiệp của bạn. AI sẽ giúp bạn soạn thảo một bản thư mẫu và bạn chỉ cần điền thông tin, sau đó gửi nó đi. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian.
7. Tạo các bài đăng trên mạng xã hội
Đăng bài trên mạng xã hội là một việc làm rất hữu ích nhưng lại rất tốn thời gian. Để khắc phục điều này, bạn có thể yêu cầu ChatGPT viết một tweet hoặc đăng một bài trên LinkedIn về một chủ đề chung chung. Việc nhờ ChatGPT hỗ trợ giúp bạn có thời gian để suy nghĩ và tập trung cho những chủ đề quan trọng khác.
8. Cung cấp ngữ cảnh cho bài viết
Những người làm báo có thể yêu cầu ChatGPT cung cấp bối cảnh về một câu chuyện thời sự. Chẳng hạn như: “Tại sao đường sắt Vương quốc Anh đình công trong năm nay” và ChatGPT có thể tìm thấy thông tin khá chính xác cho bạn. Tuy nhiên, bạn luôn phải kiểm tra lại thông tin mà ChatGPT viết ra một cách kỹ càng, tránh trường hợp sử dụng thông tin sai lệch gây mất uy tín.