Nhiều thiết bị tiết kiệm điện: Chưa được kiểm chứng chất lượng

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, ngày 28/5, lần đầu tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh do thời tiết nắng nóng gay gắt, oi bức. Nhu cầu sử dụng điện lên cao, lợi dụng tâm lý tiết kiệm điện năng, các thiết bị tiết kiệm điện chỉ từ vài chục nghìn đồng đến gần 1 triệu đồng được bày bán tràn lan trên mạng xã hội trong khi hiệu quả tiết kiệm chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng.

Chỉ mới vào đầu mùa nắng nóng nhưng từ đầu tháng 4/2024 nhưng ngày nào gia đình anh Trần Văn Kiên, ở phố Tô Vũ, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) cũng phải sử dụng điều hòa nhiệt độ gần như 24/24 vì gia đình có con nhỏ. Ngoài điều hòa nhiệt độ, các thiết bị như quạt điện, tủ lạnh… cũng được sử dụng liên tục. Lo ngại chỉ số tiêu thụ điện tăng cao, khó khăn trong cân đối chi phí sinh hoạt trong gia đình, anh Kiên tìm hiểu thông tin về các thiết bị tiết kiệm điện. Tìm kiếm trên Google với từ khóa “thiết bị điện”, anh thấy có hàng nghìn kết quả về loại thiết bị này trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo… Các sản phẩm này có mức giá từ vài chục đến hơn 500 nghìn đồng với lời quảng cáo tiết kiệm từ 30 đến 50 % điện năng tiêu thụ. Anh Kiên tìm hiểu 1 thiết bị trên sàn thương mại Shopee với tên sản phẩm là Onewsun 90V250V 15kW với mức giá 139 nghìn đồng. Anh Kiên nửa tin nửa ngờ nội dung quảng cáo sản phẩm nhưng vẫn đặt mua 1 thiết bị trên. Tuy vậy, khi sử dụng, anh thấy chỉ số sử dụng điện năng không giảm mà còn tăng.

Khách hàng lựa chọn các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm điện của Bộ Công Thương tại Siêu thị điện máy Media Mart (quận Ngô Quyền).

Không chỉ trên các trang mạng, sản phẩm này còn được bày bán tại nhiều cửa hàng bán thiết bị điện trên một số tuyến phố như Lạch Tray (quận Ngô Quyền), Quán Nam, Ngô Gia Tự (quận Hải An), Quang Trung (quận Hồng Bàng)… Tại phố 1 cửa hàng bán đồ điện trên phố Quán Nam, phường Kênh Dương (quận Lê Chân), phóng viên dễ dàng tìm mua được thiết bị này với giá 340 nghìn đồng. Theo lời người bán, loại có công suất 5.000W dùng cho gia đình có nhiều thiết bị điện như điều hòa, tủ lạnh, máy nóng lạnh… Gia đình ít thiết bị thì dùng bộ thiết bị có công suất 4.000W. Thiết bị này sẽ giúp tiết kiệm được từ 20% đến 40% điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên, trên các sản phẩm này đều là chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt. Khi hỏi nguồn gốc sản phẩm, người bán chỉ trả lời chung chung là hàng nhập từ hệ thống bán buôn…

Theo TS Phạm Hồng Khoa, Trưởng khoa Điện-Cơ, Trường Đại học Hải Phòng, về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm nguồn và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn nhưng không thể làm giảm tới 30 đến 40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo. Có thể nói đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, lợi dụng tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Ngoài ra, với giá rẻ, các sản phẩm này có thể sử dụng nguyên vật liệu chất lượng kém, tiềm ẩn nguy cơ độc hại khi tiếp xúc, thậm chí có thể cháy nổ.

Trước đó, trên trang thông tin điện tử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đưa ra cảnh báo về việc quảng cáo sai sự thật của những thiết bị tiết kiệm điện nêu trên. Theo đó, các thiết bị này hoàn toàn không được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo. Người dùng cần cẩn trọng trước những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, công dụng và chưa được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, các loại thiết bị có khả năng can thiệp trực tiếp, làm công tơ điện chạy chậm lại đồng nghĩa với việc đang thực hiện hành vi trộm cắp điện, vi phạm quy định sử dụng điện, có thể vẫn bị truy thu tiền điện, đồng thời bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, để thực sự tiết kiệm điện, người dân cần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện do các cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện khuyến cáo, như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, dùng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công thương kiểm định, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…), khi bật điều hòa làm mát, chỉ đặt ở mức 26 đến 27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp… Việc tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng cực điểm chỉ có thể thực hiện từ việc quản lý thói quen sử dụng một cách hợp lý các thiết bị điện trong gia đình.

Nguồn: Báo Hải Phòng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục