Hasu – ứng dụng chăm sóc tinh thần, thể chất dành cho những người từ 50 tuổi được Ngô Thùy Anh thành lập tháng 3/2020. Mô hình kinh doanh này hỗ trợ những người cao tuổi vượt qua những nỗi sợ: sợ bị lãng quên, sợ bệnh tật, sợ là gánh nặng… để sống vui vẻ và hạnh phúc. Năm 2022, cô được Forbes Việt Nam vinh danh vì những đóng góp cho xã hội của mình.
Từ ý tưởng đến một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi Hasu là 1 quá trình như thế nào?
Ý tưởng làm về hệ sinh thái người già của tôi không bắt nguồn từ một thời điểm mà là một hành trình xuyên suốt.
Từ khi còn nhỏ, tôi sống cùng với ông bà và quan sát thấy rất nhiều thứ ở những người cao tuổi. Ông tôi là một cựu chiến binh, có bệnh trong người, nhưng ông luôn im lặng chịu đựng mọi thứ một mình.
Đến lúc cả nhà phát hiện ra ông bị ung thư thì khối u trong phổi đã to bằng nắm tay. Bác sĩ nói rằng người bị như vậy thì rất đau. Trước đó, không một ai biết ông đã phải chịu đau đớn như thế nào.
Trong gia đình, tôi là người gần ông nhất và cũng là người thường xuyên cùng ông nói chuyện, tâm sự. Một ngày nọ, tôi đề nghị cùng viết 1 cuốn sách về cuộc đời của ông. Hai ông cháu cùng thực hiện và trong khoảng 3 tháng thì hoàn thiện. Ngày cuốn sách được phát hành thì cũng là ngày ông tôi qua đời.
Trải nghiệm đó vừa có sự tích cực, vừa có sự tiêu cực, và vô vàn cảm xúc khác trong tôi. Từ đó, tôi luôn ấp ủ làm điều gì đó cho ông bà bố mẹ mình và cho gia đình mình sau này nhưng chưa đủ lực.
Khi đại dịch COVID-19 ập đến năm 2020, tôi nhận thấy người cao tuổi chịu nhiều thiệt thòi quá. Người trẻ có thể thích ứng nhanh, nhưng những người cao tuổi thì rất khó – Họ phải chịu sự thiếu hụt sự chăm sóc sức khỏe thể chất và cả tinh thần.
Hasu là 1 platform chăm sóc sức khỏe toàn diện về thể chất, tinh thần và có tính chủ động. Chúng tôi tin tưởng rằng người cao tuổi cần phải chăm sóc sức khỏe chủ động chứ không được đợi đến khi có bệnh rồi mới chú ý đến việc chăm sóc. Bởi khi đó thì đã không chữa được nữa rồi.
Khi bắt đầu, chị đã thuyết phục các đối tác tham gia dự án như thế nào?
Trước đó, tôi đã tham gia giảng dạy offline rất nhiều lớp, tổ chức liên quan đến sức khỏe, công nghệ cho người cao tuổi. Khi nhận thấy nhu cầu của cộng đồng lớn, tôi và cộng sự mới suy nghĩ tới việc lần lượt ra đời các sản phẩm, dịch vụ, tạo ra một hệ sinh thái để chăm sóc cho người cao tuổi.
Ngày trước, việc tìm kiếm đối tác khá vất vả và tốn công sức do chúng tôi phải lên kế hoạch rồi đặt vấn đề, giữa dịch Covid nên việc gặp mặt trực tiếp hoặc triển khai hợp tác khá khó khăn.
Tuy nhiên, khi đối tác quan sát và đã hiểu chúng tôi rồi thì việc hợp tác lại trở nên nhanh chóng. Nhiều đối tác chia sẻ rằng họ cảm thấy hào hứng khi cùng chúng tôi xây dựng một tương lai mà chính bản thân họ mong muốn sống trong đó.
Với vai trò là ngọn cờ đầu, HASU cảm thấy việc thu hút sự quan tâm của các tổ chức, nhãn hàng đến người cao tuổi là trách nhiệm của mình. Đến giai đoạn hiện tại, khi đã có danh tiếng nhất định trong thị trường rồi, chúng tôi không cần thuyết phục nữa mà rất nhiều các đối tác tự tìm đến.
Thành lập ngay giữa dịch COVID, Hasu đã đối mặt với những khó khăn gì?
Tôi và đội ngũ của Hasu đi đến ngày hôm nay cũng là nhờ sự quyết tâm mãnh liệt và mong muốn người cao tuổi sẽ được quan tâm.
Ban đầu, để làm việc được với những người cao tuổi rất khó khăn vì họ luôn nghi ngờ, lo sợ sẽ bị lợi dụng, lừa đảo. Tôi thấy thương lắm, và hiểu tâm lý đó nên trước hết bản thân tôi và đội ngũ phải thực tâm, chân thành. Nếu có hợp tác HASU cũng chỉ hợp tác với những đối tác lớn nhất, uy tín nhất để đem lại những điều tốt nhất, thì các cụ sẽ tin tưởng và mở lòng hơn.
Khi đã có được sự tin tưởng, tôi lại dễ vượt qua những rào cản khác. Những đối tác khác cũng quan tâm ủng hộ chúng tôi bởi HASU có cả một cộng đồng người cao tuổi lớn mạnh, tích cực lan truyền và mời bạn bè cùng tham gia.
Theo nghiên cứu, qua thời gian, số lượng người cao tuổi sử dụng smartphone đang ngày càng tăng nhanh đáng kể, vì thế nên là lượng khách hàng của HASU cũng phát triển rất nhanh.
HASU hiện nay đang hoạt động như thế nào và hiệu quả kinh doanh từ dự án này ra sao?
Hiện tại, Hasu có một platform về công nghệ, đó là ứng dụng giúp người cao tuổi kết nối với cộng đồng của mình, có thể luyện tập online ở nhà, tham gia các lớp học kỹ năng theo sở thích…
Song hành với đó chúng tôi cũng xây dựng một cộng đồng offline kết hợp với online, với hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm dịch vụ để có thể đồng hành với người cao tuổi trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Ví dụ như dịch vụ Viết hồi ký, nhật ký cho người cao tuổi giúp ghi lại và tổng hợp lại những hành trình của cuộc đời. Cuốn sách hồi ký được ra đời sẽ trở thành vật gia bảo, kết nối và chia sẻ những giá trị gia đình qua từng thế hệ. Chúng tôi hướng đến không chỉ người cao tuổi mà những người trẻ tuổi cũng sẽ được nhận nhiều giá trị và từ đó có sự chia sẻ, gắn bó sâu sắc hơn với gia đình.
Các dự án khởi nghiệp của chị đều là DNXH, vì sao một cô gái trẻ chưa đến 30 tuổi lại lựa chọn con đường khởi nghiệp xã hội?
Từng làm rất nhiều công việc để kiếm tiền, đến một thời điểm tôi nhận ra, nếu cứ làm việc như thế thì ngoài tiền tôi sẽ không nhận lại được điều gì cả.
Tôi từng nhận được 1 offer công việc rất hấp dẫn bên Mỹ nhưng cho đến bây giờ, điều tôi cảm thấy đúng đắn nhất đó là quyết định trở về Việt Nam.
Tôi nghĩ ai từng trải qua biến cố đều sẽ hiểu, tôi không muốn trở thành một con người hay một cỗ máy kiếm tiền đơn thuần, để rồi sau 10 năm thì nuối tiếc nhận ra mình không tạo ra được một thứ gì thực sự có ích cho xã hội và cho gia đình, cho những người thân yêu.
Tôi không muốn mãi chỉ chạy theo những mục tiêu trống rỗng mà đánh mất đi cơ hội tìm thấy được những giá trị thực sự của chính bản thân mình.
Tôi cảm thấy thoải mái khi tham gia những công việc xã hội, vừa tạo ra giá trị nhưng vẫn bền vững về tài chính. Hiện nay cũng có rất nhiều nhà đầu tư như thế. Chính bản thân tôi, bây giờ nếu có nhiều tiền tôi cũng sẽ đi đầu tư vào các doanh nghiệp xã hội tiềm năng.
Cống hiến cho xã hội là mục tiêu, vậy còn mục tiêu doanh thu, kiếm tiền thì sao?
Với tôi, mục tiêu về doanh thu và xã hội phải song hành. Tôi không đặt nặng quá về 1 bên nào, vì phát triển bền vững chính là sự cân bằng giữa việc tạo ra giá trị cho xã hội, môi trường, vừa có nguồn thu bền vững về tài chính.
Nhiều người còn thường bị nhầm lẫn giữa công tác xã hội và làm từ thiện.
Từ thiện là mình đi cho, đi giúp người ta trong một thời điểm nhất định và chỉ ở thời điểm đó thôi. Công tác xã hội là phải tạo ra những nền tảng bền vững, lâu dài cho cộng đồng. Ví dụ như vẫn kinh doanh nhưng lại tạo được những thay đổi đáng kể về mặt nhận thức, hoặc đưa cho người ta công cụ để chính người ta làm cuộc sống của mình và người thân tốt hơn. Để làm được những thứ ấy thì lại quay lại, ta cần phải có mô hình tài chính bền vững.
Bên cạnh đó người tiêu dùng hiện giờ vô cùng thông minh. Nếu không đầu tư cho phát triển bền vững hoặc sản phẩm phải tốt cho xã hội, cho môi trường thì khách hàng không lựa chọn. Mà một khi đã được khách hàng lựa chọn thì lại càng phải phát triển bền vững.
Nhưng khi khởi nghiệp, nhiều người suy nghĩ tới việc làm giàu cho cá nhân trước…?
Cách đây 10 năm, khi mẹ tôi thấy tôi vất vả không ngại hiểm nguy mang vác đồ xuống vùng bị ảnh hưởng bão lũ làm từ thiện, mẹ đã nói một câu mà tôi không bao giờ quên được: “Giúp đỡ mọi người lúc khó khăn là rất tốt, nhưng về lâu dài thay vì con bê từng thùng mì tôm giúp cho một gia đình, con cũng có thể dùng thời gian đó để phát triển bản thân. Rồi 10, 20 năm sau, con có thể ngồi 1 chỗ ký duyệt những quỹ rất lớn có thể giúp cho hàng triệu gia đình khác”.
Tức là mẹ gợi ý cho tôi lựa chọn 1 trong 2 con đường: hy sinh sức của mình cho ngắn hạn hay đầu tư thời gian vào học hành, tạo ra được tiềm lực tài chính và làm giàu, rồi lại giúp cho nhiều người hơn.
Tôi rất ngấm điều ấy, nó đã định hướng được tính cách của tôi sau này. Tôi mong rằng ngày nào mình còn sống trên đời, mình sẽ sống thật ý nghĩa ngày đó.
Với doanh nghiệp của chị thì trách nhiệm ấy sẽ được thể hiện ở những tiêu chí cụ thể nào?
Thứ nhất, sứ mệnh của HASU chính là nâng cao chất lượng cuộc sống dành cho người cao tuổi ở trên tất cả phương diện, từ sức khỏe thể chất đến sức khỏe tinh thần. Giúp kết nối người cao tuổi với những người thân trong gia đình và tạo ra cộng đồng cho họ có thể thoải mái sinh hoạt, tiếp cận đến những nguồn lực khác trong xã hội có thể đem đến giá trị cho họ.
Thứ 2 là kêu gọi những đối tác đồng hành, những công ty và kể cả những đối tác thuần lợi nhuận tham gia HASU có cái nhìn tổng thể hơn và ý thức được trách nhiệm xã hội của mình, đưa ra những giải pháp hỗ trợ người cao tuổi tốt hơn.
Tất cả sẽ nằm trong cùng 1 hệ sinh thái mà chúng tôi đang cùng nhau đưa ra giải pháp để giải quyết những vấn đề đang tồn tại.
Chị dựa vào nguồn lực nào để thực hiện được các mục tiêu đó?
Tất nhiên là sức lực của một cá nhân thì cũng có hạn nên HASU cố gắng tiếp cận với tất cả các nguồn lực sẵn có trong xã hội.
Tôi nghĩ quan trọng nhất là sự quan tâm, dành thời gian và đam mê, sự bền bỉ tác động từ nhận thức của xã hội. HASU đã có được mạng lưới, thiết lập được lòng tin của rất nhiều các đối tác cùng chung sứ mệnh. Tất cả sẽ hỗ trợ nhau và cùng nhau phát triển một cách bền vững.
Gần như HASU không có “đối thủ cạnh tranh”. Bởi trong mảng này bất kỳ ai tạo ra giải pháp hỗ trợ cho người cao tuổi thì đều được chào đón.
Là một người lãnh đạo DNXH, chị thấy yếu tố nào là quan trọng nhất để chèo lái doanh nghiệp của mình?
Tôi nghĩ, tiên phong làm điều gì đó cũng giống như đi cắm cờ ở đỉnh núi, để nhiều người nhìn thấy và tiếp cận được mình nhất. Một cá nhân sẽ không tự làm được gì nhiều nhưng nếu có sự hợp sức của tất cả các bên thì giá trị mà mình tạo ra vô cùng to lớn. Tôi sẽ luôn là người leo lên phía trước để tìm xem tất cả các đối tác của mình đang ở đâu và kết nối các nguồn lực để đạt tới mục tiêu.
Vậy đối với nhân viên, chị là một người sếp như thế nào?
Tôi là một người khá nghiêm khắc, nếu không nói là cực kì nghiêm khắc. Bởi khởi nghiệp thì rất khó, không phải ai cũng làm được.
Với bất kì doanh nghiệp, nguồn lực cốt lõi nhất vẫn là con người. Khi lựa chọn người cộng sự, đầu tiên tôi đánh giá thái độ. Tôi sẽ xem xét người ấy có học hỏi, cầu tiến hay không, có phát triển từng ngày, thậm chí phát triển rất nhiều lần trong một thời gian ngắn hay không. Khi mà chính mình còn không nghiêm khắc với bản thân mình thì làm sao có thể làm được những việc lớn.
Chúng tôi cũng đào tạo ra rất nhiều những người đi “cắm cờ” và tôi cũng không ngại trao quyền khi lựa chọn được nhân tài.
Tuổi trẻ đã giúp chị có được những lợi thế gì khi khởi nghiệp?
Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã nhận thức được thời gian của mình là hữu hạn, thời gian của mình bên cạnh những người thân yêu không nhiều. Tôi luôn mong muốn càng sớm càng tốt có thể trở thành chỗ dựa cho bố mẹ, ông bà hoặc che chở cho những người thân xung quanh mà tôi yêu quý.
Vì vậy tôi đi làm từ rất sớm. Việc vừa đi làm vừa đi học bổ trợ lẫn nhau và giúp tôi phát triển nhanh hơn. Tôi thường dành những khoảng thời gian chỉ để nghĩ là 5, 10 năm tới mình sẽ là gì và đặt ra những mốc thời gian cho các mục tiêu. Tôi luôn vạch ra cho mình những mục tiêu, hoạch định rõ ràng để hành động.
Dự án HASU tại đang hướng đến chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người từ khi sinh ra đến tuổi xế chiều. Chị suy nghĩ thế nào về hạnh phúc của mọi người ở từng lứa tuổi khác nhau?
Tôi rất thích cụm từ “liên thế hệ”. Vậy nên một trong những sứ mệnh của tôi là phải đi tăng cường sợi dây liên kết giữa các thế hệ với nhau. Bởi vì người già và trẻ em đều đi một vòng gần như giống nhau. Khi về già chúng ta lại giống như trẻ em và trẻ em dần lớn lên rồi trở thành người cao tuổi.
Người cao tuổi thì thường tiếc những điều đã trải qua hoặc những điều mà giá như họ biết sớm hơn. Còn người trẻ thì không biết đến khi mình cao tuổi rồi sẽ như thế nào.
Để tăng cường sợi dây ấy, chỉ có một cách là chia sẻ, để giới trẻ cũng hiểu được góc nhìn của người cao tuổi và ngược lại người cao tuổi cũng hiểu và tôn trọng góc nhìn của người trẻ và hỗ trợ họ.
Có một câu hỏi tôi từng nhận được, là: Phải làm thế nào khi có nhiều người cao tuổi rất giàu có nhưng họ không đầu tư cho giới trẻ, và cũng không tin tưởng để đầu tư. Câu hỏi tôi đặt ngược lại là, vậy người trẻ có đang đầu tư và chăm sóc đúng mức cho người cao tuổi không? Bất cứ việc gì cũng phải có hai chiều. Khi sợi dây liên thế hệ được gắn kết, khi giá trị được cả hai bên cùng trao đi, người trẻ và người cao tuổi mới có thể hiểu nhau, tin tưởng nhau, thương yêu và hỗ trợ cho nhau.
Với người trẻ, chị khuyên họ điều gì nếu đang nuôi được khát khao khởi nghiệp?
Một trong những bài học đầu tiên mà chính tôi đã học được khi mới khởi nghiệp là: các bạn trẻ thường làm những điều mà bản thân thích nhưng không nhìn được bức tranh tổng thể về nhu cầu của thị trường, về các đối thủ cạnh tranh… hay tỉnh táo hoạch định rõ ràng khi khởi nghiệp.
Trên thực tế, quy trình đúng của khởi nghiệp phải đi từ vấn đề đang tồn tại của cuộc sống, đi từ nhu cầu của khách hàng và giải pháp nào bạn có thể sử dụng để giải quyết cho nhu cầu đó.
Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!