Ngang nhiên bán đề, đáp án chứng chỉ ngoại ngữ thách thức cơ quan quản lý

Không chỉ APTIS mà IELTS và hàng loạt các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác đang được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Nhiều cò mồi nhiệt tình đưa ra những lời mời chào hấp dẫn với đủ các mức giá, chỉ từ vài trăm nghìn đến gần trăm triệu đồng, tùy theo nguyện vọng, mong muốn của khách hàng.

Rao bán công khai đề thi IELTS

Lớp học “bao đỗ” kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh tại Trung tâm APTIS G-EASY. Ảnh: PV.

Trong bài viết “Thâm nhập lò ôn thi bao đỗ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam“, phóng viên Báo Lao Động đã chỉ ra thực trạng không cần học kiến thức, chỉ cần học thuộc đáp án được cho trước của lò ôn thi là có thể có chứng chỉ tiếng Anh Aptis, quy đổi ra các mức từ B1 đến B2 dùng cho việc đảm bảo đầu vào, đầu ra các trình độ đại học đến thạc sĩ.

Sau thời gian dài ghi nhận, chúng tôi cũng phát hiện không chỉ Aptis mà IELTS và hàng loạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác cũng đang được rao bán đáp án, đề thi, được quảng cáo theo hướng là “bao đỗ“.

Lớp ôn thi chứng chỉ tiếng Anh với chiêu thức cho trước đáp án để học thuộc của Trung tâm APTIS G-EASY. Ảnh: PV.

Theo khảo sát, đề thi được các đối tượng, trung tâm rao bán chia làm 2 loại là “dự đoán”, tổng hợp nhiều đề gửi trước ngày thi, có khả năng trúng nhưng không đảm bảo và “gói VIP” bao trúng 100%, cung cấp vài tiếng trước giờ thi. Giá của mỗi gói từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng, tùy theo mức độ “bao trúng“.

Trên mạng xã hội, các đối tượng quảng cáo “gói VIP” bao trúng 100%. Ảnh: Chụp màn hình.

Liên hệ với một trang rao bán đề thi IELTS trên Facebook có tên R.X.I, chúng tôi được tư vấn nhiệt tình từ các gói thường đến gói vip. Đối với gói “dự đoán đề theo quý” có giá rẻ nhất là 699.000 đồng/1 bộ 4 kỹ năng nghe, đọc, nói, viết, ôn thi bằng 100% đề thi gốc, quảng cáo được lấy trực tiếp từ ngân hàng đề thi của Hội đồng Anh. Gói này áp dụng cho cả hai hình thức thi máy và giấy.

Gói “Diamond” có giá 5 triệu đồng là gói dự đoán theo ngày thi. Gói này áp dụng cho hình thức thi trên giấy, không hỗ trợ dự đoán cho máy, gói dự đoán gồm 8 đề, sẽ giao đủ trước thi 1-3 ngày. Người bán khẳng định, nếu không trúng sẽ được hoàn phí 4,3 triệu đồng.

Đối với những “gói vip” sẽ có giá từ 25-60 triệu đồng tuỳ vào thời gian biết trước đề (đề có trước 5-12 tiếng tùy gói). Người bán tuyên bố sẽ làm việc trực tiếp với người mua tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để trao đổi và ký hợp đồng, đồng thời khẳng định, chỉ cần học một đề thi duy nhất, nếu không trúng sẽ hoàn tiền 100%. Để tăng thêm độ uy tín, người bán còn gửi những phản hồi “trúng đề thật” của khách hàng đã sử dụng trước đó.

Người bán cung cấp phản hồi của những khách hàng “trúng đề thật”. Ảnh: Chụp màn hình.

Tiếp tục khảo sát ở nền tảng Zalo, giá rao bán đề thi IELTS cũng dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng, các gói vip giá từ 36 triệu đến 90 triệu đồng.

Bảng giá đề “VIP”, trong đó có gói lên đến 90 triệu đồng. Ảnh: Chụp màn hình.
Người bán còn đảm bảo bằng “Hợp đồng học tập”. Ảnh: Chụp màn hình.

“Bao đỗ” đủ loại chứng chỉ tiếng Anh

Phải sử dụng từ “rầm rộ” mới phần nào miêu tả được thị trường mua bán chứng chỉ tiếng Anh hiện nay. Không cần tạo những nhóm kín, người bán sẵn sàng đăng lên trang cá nhân, nhóm công khai với lời chào mời “hỗ trợ thi bao đỗ”, “hỗ trợ trọn gói không cần thi chỉ cần nộp hồ sơ”…

Liên hệ với một tài khoản Facebook có tên U.T.V để được tư vấn, người bán “hét” giá chứng chỉ tiếng Anh VSTEP bậc 1 gồm lệ phí thi và phí bao đỗ là 11 triệu đồng; bậc 2 (tương đương trình độ B2) là 50 triệu đồng.

Theo đó, giá cả sẽ có sự chênh lệch, phụ thuộc vào tên trường. Đặc biệt, người bán đảm bảo: “Đều là phôi chứng chỉ tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cấp“.

Người bán “hét giá” nếu muốn có chứng chỉ tiếng Anh trình độ B2. Ảnh: Chụp màn hình.

Người này cũng giới thiệu thêm dịch vụ “bao đỗ” chứng chỉ tiếng Anh TOEIC. Mức giá sẽ tùy thuộc vào thang điểm, ví dụ với 600 điểm TOEIC người mua sẽ phải trả số tiền 65 triệu đồng với lời hứa hẹn “bao đỗ, nhận bằng nhanh“.

Và hợp đồng cho những giao dịch này được kí kết bằng niềm tin, với những lời quảng cáo: “Làm việc với biết bao học viên rồi” hay “chưa làm ai thất vọng“…

Đua nhau “học giả” để kiếm chứng chỉ thật

Trong quá trình thâm nhập các trung tâm luyện thi tiếng Anh để ghi nhận thị trường buôn bán khóa học “cấp tốc, bao đậu”, chúng tôi đã tiếp xúc và trao đổi với sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau.

Nhiều sinh viên hào hứng cho biết, đã đạt yêu cầu đầu ra, thậm chí cao hơn dự kiến khi tham gia các khóa học “cấp tốc, bao đậu” bài thi lấy chứng chỉ tiếng Anh Aptis. Cứ như vậy, người đi trước giới thiệu cho người đến sau, người học đua nhau “học giả” để kiếm chứng chỉ thật.

Các học viên từ nhiều tỉnh tham gia các lớp học, thi chứng chỉ tiếng Anh “bao đỗ”. Ảnh: PV.

May mắn đạt mức điểm APTIS tương đương trình độ B2 vào tháng 11.2022 dù chỉ đăng ký “bao đỗ” B1, N.Đ.M cho biết, bản thân mất gốc tiếng Anh và không có vốn từ vựng, chỉ học vẹt đáp án được phát trước giờ thi 3 tiếng.

Trước khi thi, trung tâm tập trung học viên của lớp, phát đáp án và ngồi học thuộc trong vòng 2 tiếng. Trong quá trình này không được ghi hình, ghi âm hay lưu giữ lại giấy tờ được phát.

Trung tâm cho học đáp án nghe đọc, còn phần viết học 4 chủ đề, khi thi ra 1 trong 4. Phải trúng đến 95%, chỉ cần cố học thuộc là đỗ”, M kể.

Tờ đáp án được người có tên là Quách Chí Dũng (Trung tâm APTIS G-EASY) phát cho học viên học thuộc vào ngày 11.12, chỉ trước vài giờ khi kỳ thi chứng chỉ APTIS do Hội đồng Anh và một số đơn vị liên kết tổ chức diễn ra. Ảnh: PV.

Nhiều người còn ôm mộng mua “đề thật” IELTS để phục vụ việc học thạc sĩ, tiến sĩ, đi làm hay có thêm điểm cộng ưu tiên khi xét tuyển đại học. Cũng vì vậy, các trang nhóm trên mạng xã hội tràn lan những bài viết “tìm nguồn mua đề uy tín“.

Rất nhiều người có nhu cầu mua đề thi kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh với mục đích khác nhau. Ảnh: Chụp màn hình.

Sau thời gian tạm hoãn các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ tại Việt Nam như IELTS, APTIS, đến nay, nhiều đơn vị đã được Bộ GDĐT phê duyệt liên kết tổ chức. Dù đã “siết” chất lượng thi chứng chỉ ngoại ngữ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học, nhưng ngay khi vừa được tổ chức thi trở lại, các hình thức gian lận vẫn ngang nhiên diễn ra.

Loạt bài “Bát nháo thi chứng chỉ ngoại ngữ tại Việt Nam” của Báo Lao Động khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng của các loại chứng chỉ, quan ngại về tình trạng đua nhau “học giả” kiếm chứng chỉ tiếng Anh thật.

Nguồn: Báo Lao Động

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục