Dù cố gắng thế nào, thức ăn thừa vẫn thường xuất hiện sau những buổi tiệc đầu năm và bạn không phải cứ thế “nhét” hết vào tủ lạnh là xong.
Hầu như chúng ta đều bối rối chẳng biết phải làm gì trước hàng tá thức ăn thừa còn sót lại sau bữa tiệc mừng năm mới. Sau đây là gợi ý hữu ích về cách giữ thực phẩm lâu nhất có thể.
Tin tốt là hầu hết các món ăn đều dễ dàng giữ trong tủ lạnh trong vài ngày và thậm chí lâu hơn bằng tủ đông. Nhiệt độ thấp giúp làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn, giúp thực phẩm tươi và an toàn.
Nguyên tắc chung
Lưu ý khi cất giữ, luôn ghi nhãn tên món ăn, ngày nấu để tránh nhầm lẫn. Đồng thời cố gắng giảm nhiệt độ thực phẩm càng nhanh càng tốt trong vòng hai giờ sau khi nấu, và dùng hết trong vòng hai ngày tiếp theo. Cũng cần tránh để thức ăn nóng vào tủ lạnh, hoặc dùng hộp đựng kim loại.
Giữ nhiệt độ tủ lạnh ngày Tết từ 5 o C trở xuống. Dù tủ có màn hình hiển thị nhiệt độ kỹ thuật số, bạn vẫn nên kiểm tra mức chính xác bằng nhiệt kế dùng trong nấu ăn. Làm sạch và kiểm tra tủ lạnh thường xuyên để tủ luôn chạy tốt, đảm bảo vệ sinh, tránh mùi hôi.
Bánh chưng, bánh tét
Đối với bánh chưng, bánh tét, ăn đến đâu, bạn hãy cắt bánh đến đó, phần còn lại giữ nguyên trong lá. Nên bảo quản phần bánh thừa trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5-10 o C. Nhiều trường hợp bánh có hiện tượng lại nếp do hạt gạo gặp lạnh bị tách nước, gây sượng khó ăn, bạn nên hấp lại trước khi dùng.
Bánh dùng tốt nhất trong hai ngày sau khi mở lá và để lạnh, nếu bánh xuất hiện mốc, bạn có thể cắt bỏ phần diện tích mốc, rửa sạch bề mặt bánh rồi hấp hoặc chiên lại. Lưu ý chỉ áp dụng đối với bánh để lạnh, vì nếu bánh mốc ở nhiệt độ phòng, rất có thể bào tử và chất độc đã ngấm sâu vào bên trong.
Thịt gà luộc
Đầu tiên bạn cần gỡ bỏ hết xương, sau đó cất vào hộp rồi trữ lạnh. Nếu hoàn thành sớm ngay sau khi nấu, thịt gà xé có thể giữ 3-4 ngày trong tủ lạnh hoặc thậm chí là 3 tháng trong tủ đông.
Giò chả, giăm-bông
Tương tự như bánh chưng, bạn chỉ nên cắt giò chả vừa đủ ăn. Các loại giò lụa làm từ thịt nạc có thể bảo quản ngoài trời trong hai ngày ở nơi khô thoáng, mát mẻ; hoặc tốt nhất đặt vào ngăn mát tủ lạnh và sử dụng hết trong 4-5 ngày. Nên dùng màng bọc thực phẩm bao kỹ phần giò lụa thừa để tránh bị khô, thâm.
Ngược lại, giò thủ, giò bê do có phần gelatin kết dính nên phải luôn bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Khi các loại giò chả bị ôi thiu, lên mốc và có mùi chua, không nên cố rửa rồi trụng nước sôi lại để ăn, vì hương vị mất ngon và rất dễ ngộ độc.
Tôm và hải sản
Muốn giữ tôm được lâu, bạn nên lột vỏ, cho vào hộp rồi cất vào tủ lạnh hoặc tủ đông. Bạn cũng có thể gói sẵn tôm trong bánh tráng rồi chiên nhanh qua dầu khi dùng làm món ăn nhẹ.
Nếu nhiệt độ tủ đông đạt mức từ -18 o C trở xuống, các hải sản nhiều chất béo như cá hồi, cá đối có thể dùng tốt từ 3-4 tháng và hải sản nạc như tôm, cá, tôm hùm, sò điệp có thể giữ đến tận nửa năm. Ngược lại, thịt cá tươi sau khi chế biến chỉ nên bảo quản từ 3-4 ngày.
Bánh ngọt
Bạn có thể giữ ổ bánh kem mừng năm mới trong tủ lạnh nhiều ngày liền mà không bị hư, lớp kem phủ sẽ giúp giữ độ ẩm cho phần bánh bông lan ở giữa. Do đó nếu muốn phần bánh ở mặt cắt không bị khô, bạn có thể “hy sinh” hai miếng sandwich áp vào.
Các loại bánh mứt như bánh phục linh, bánh quy, bánh tart mứt thơm có thể giữ trong lọ thủy tinh hoặc hũ nhựa ở nhiệt độ bình thường trong ba tuần.
Rượu
Đối với rượu vang (vang trắng, vang bọt, vang hồng), nên đậy nút bần, cất vào tủ lạnh ngay sau khi khui nắp để ngăn chặn quá trình oxy hóa. Ngược lại, vang đỏ có thể an toàn ở nhiệt độ phòng khi đậy nắp. Những loại rượu mạnh như vodka, gin, rum, whisky cũng nên cất trong tủ lạnh hoặc nơi thoáng, tối, mát mẻ; việc trữ lạnh còn giúp rượu ngon hơn khi pha chế.