Chúng ta đang sống giữa thời đại mà xã hội có nhiều đổi mới, sự tác động từ văn hóa ngoại lai khiến con người ta dần lột bỏ những thứ cũ kỹ và thay vào đó là những xu hướng phát triển văn minh, sẵn sàng hội nhập. Một trong những thay đổi rõ nét nhất là cách người ta đón Tết, “ăn” Tết.
Nhiều người trưởng thành than rằng, Tết bây giờ “nhạt” lắm, chẳng còn háo hức và mong ngóng như ngày còn bé. Tết đến kéo theo cả núi việc phải làm, khiến nhiều người sợ Tết. Thực ra, Tết không hề nhạt đi, chỉ là chúng ta đã lớn lên, phải suy nghĩ, lo toan nhiều hơn nên cảm thấy “chán Tết”. Những ngày cuối năm này, hãy ngồi ngắm lại những hình ảnh thú vị, ấm áp của Tết xưa để cảm thấy yêu Tết cổ truyền hơn nhé.
Chợ Tết là một nét đẹp Truyền thống của Tết xưa. Hình ảnh người người, nhà nhà tấp nập đi sắm Tết mang lại một không khí tươi vui, rộn ràng, báo hiệu một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc. Chắc chắn rằng ai trong số chúng ta cũng đã từng “bám đuôi” bố mẹ đi chợ Tết để được sắm một bộ quần áo mới hay mua một món đồ mà mình ao ước từ lâu.
Gói bánh chưng ngày Tết từ lâu đã trở thành một phong tục truyền thống của người dân Việt Nam ta. Hình vuông của bánh chưng tượng trưng cho đất, được bao bọc trong lá dong hoặc lá chuối, thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Trong tâm thức người Việt, bánh chưng không còn là một món ăn đơn thuần mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh.
Ngày bé, ai chẳng thích cảm giác ấm áp khi ngồi trông nồi bánh chưng, chờ giao thừa tới. Nhiều khi vừa trông vừa ngủ quên đến tận lúc giao thừa nhưng vẫn rất vui. Ngày nay, mọi người có thể mua bánh chưng bán sẵn nên nét đẹp này đã dần bị mai một. Tuy nhiên, đây vẫn là kỉ niệm in sâu trong tiềm thức của các thế hệ 8X, 9X và 2K đời đầu.
Mâm cỗ Tết cổ truyền ở Việt Nam mang một nét đặc trưng với giò lụa, bánh chưng, thịt đông, dưa hành và một bát canh nấu. Một gia đình dù kinh tế có khó khăn đến đâu thì ngày Tết cũng luôn cố gắng sắm sửa một mâm cỗ đầy đủ, tươm tất với các món ăn trên. Nhiều người con xa quê, chỉ cần nhìn thấy mâm cỗ Tết là lại muốn trở về với vòng tay ấm áp của gia đình, ăn bữa cơm đoàn viên. Ngày nay, nhiều người chọn order đồ ăn, nấu các món Tây, nên mâm cỗ Tết không còn giữ được nét truyền thống cũ. Tuy nhiên, để có một cái Tết trọn vẹn và ý nghĩa hơn, bạn vẫn nên tự tay nấu các món ăn truyền thống cho những người thân yêu của mình.
Hạt dưa đỏ, hộp mứt tết, kẹo ngô và bánh kem xốp…là các loại bánh kẹo xuất hiện nhiều nhất trong ngày Tết vào những năm đầu 2000. Đây cũng là những món ăn tuổi thơ của biết bao thế hệ. Ngày nay, ta hiếm thấy sự xuất hiện của các loại bánh kẹo này, thay vào đó là các loại bánh mứt với thiết kế hình dáng và màu sắc bắt mắt hơn. Nhưng không thể phủ nhận hình ảnh của hạt dưa, mứt tết…vẫn luôn là những kỉ niệm không thể phai nhòa trong kí ức mỗi người.
- https://kinhtehaiphong.vn/mien-bac-don-dot-ret-dam-truoc-tet-nguyen-dan-2023/
- https://kinhtehaiphong.vn/vuon-hoa-cay-canh-tai-hai-phong-tat-bat-phuc-vu-thi-truong-tet-2023/
Tết xưa, hình ảnh một ông Đồ mặc áo dài, đội khăn xếp, tay đang cầm bút, uốn lượn những nét chữ trên tờ giấy hoặc tấm lụa đỏ là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu. Nhà nhà, người người đều háo hức và mong muốn nhận được chữ thư pháp do chính ông Đồ viết tặng với nhiều ý nghĩa giá trị và nhân văn, cầu chúc cho năm mới gặp nhiều may mắn và bình an.
Trẻ con, ai chẳng thích áo mới. Ngày xưa, vào mỗi dịp Tết, được mẹ mua cho một bộ quần áo mới là vui vẻ, cười tươi suốt cả ngày, chạy khắp xóm để khoe và mong thật nhanh đến giao thừa để được diện áo mới đi chúc Tết ông bà. Ngày nay, trẻ em được mua quần áo mới suốt quanh năm nên nhiều bé chẳng còn hứng thú với quần áo mới ngày Tết. Nhưng đối với những người thuộc thế hệ trước, một bộ quần áo mới tinh vào dịp Tết vẫn là một kỉ niệm khó quên mỗi khi nhắc lại.
Tết là dịp được mong đợi nhất năm, là lúc mọi người được trở về, quây quần với gia đình, được ôn lại những kỉ niệm cũ, cùng nhau đón phút giây giao thừa thiêng liêng. Tết ngày nay không hề nhạt, chỉ là bạn chưa biết cách tìm niềm vui cho chính mình. Tết này, hãy trở về nhà, cùng gia đình nấu một nồi bánh chưng, một mâm cỗ Tết truyền thống, đi một phiên chợ Tết hay sắm cho con trẻ một bộ quần áo mới, bạn sẽ cảm thấy Tết vô cùng ấm áp và hạnh phúc.