Trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao, cần có giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Sáng 29/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn Hải Phòng”.
TS Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, TS Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng cho biết, tại Hải Phòng có 44 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (19 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp) và 25 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tại các quận, huyện, 11 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, cả số lượng và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tỉ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở thành phố đạt khoảng gần 40%. Đây là con số khá khiêm tốn.
Bên cạnh đó, trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao. Vì vậy, cần có giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong bối cảnh mới.
PGS.TS Lê Quốc Tiến, Trưởng ban Văn hóa, Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu tại hội thảo
- .https://kinhtehaiphong.vn/ngang-nhien-gian-lan-thi-chung-chi-ngoai-ngu-trach-nhiem-thuoc-ve-ai/
- .https://kinhtehaiphong.vn/go-kho-thieu-hut-giao-vien-va-co-so-vat-chat/
PGS.TS Lê Quốc Tiến, Trưởng ban Văn hóa, Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng cho rằng, thành phố còn thiếu lao động kỹ thuật lành nghề, thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành để phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Một số ngành nghề doanh nghiệp có nhu cầu song thành phố chưa có cơ sở đào tạo hoặc chưa có chương trình đào tạo.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào các nội dung thảo luận liên quan đến thực trạng đào tạo nghề và đề xuất một số cơ chế, chính sách. Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào các nội dung như: cơ sở vật chất của các đơn vị đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học. Chương trình giảng dạy tại các trường còn thụ động, nhiều trường cùng giảng dạy một chuyên ngành và không bắt kịp nhu cầu của doanh nghiệp. Quan trọng nhất là tư duy “học đại học là con đường duy nhất” còn rất phổ biến hiện nay trong các gia đình.
Các đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo
Các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề như tiếp tục tuyên truyền, hướng nghiệp để nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, doanh nghiệp về vai trò, thế mạnh của lao động học nghề.
Cần tập trung đầu tư, chuẩn hóa các điều kiện để nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quan trọng hơn cả là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để tăng cường gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề và giải quyết việc làm cho người học.
Theo bà Phạm Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng, với mục tiêu nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, đào tạo, cung cấp lao động có tay nghề cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp và các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố và đất nước, ngành Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng đề xuất các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về đào tạo nghề. Đây vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu góp phần giải quyết việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Quang cảnh hội thảo
Cùng với đó, cần giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để phát huy tối đa năng lực, nguồn lực trong công tác đào tạo nghề nghiệp. Xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn Giao dịch việc làm của thành phố để cập nhật thông tin về nhu cầu cung cầu lao động, làm cơ sở định hướng đào tạo nghề nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm theo nhu cầu thị trường.
Nguồn: Tri Thức & Cuộc Sống