Lê Hồng Phong là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, một chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Ông cũng là vị Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhân kỉ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2023), hãy cùng tìm hiểu về Tổng Bí Thư Lê Hồng Phong qua bài viết sau đây nhé.
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, ông sinh ngày 6/9/1902, trong một gia đình thuần nông ở làng Đông Thôn, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng. Từ khi còn đi học, ông đã rèn cho mình một ý chí quyết tâm lớn lên sẽ trở thành một nhà cách mạng.
Năm 1923, sau khi học hết bậc Sơ học yếu lược, Lê Hồng Phong cùng Phạm Hồng Thái bí mật sang Thái Lan, rồi Quảng Châu – Trung Quốc để tìm con đường làm cách mạng và được gia nhập tổ chức Tâm Tâm Xã. Đến năm 1924, Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện về chính trị do nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc phụ trách, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mac-Lenin khi vừa tròn 22 tuổi.
Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Lê Hồng Phong đã chủ trì công việc của Đảng ở giai đoạn cách mạng bị địch khủng bố ác liệt và tham gia soạn thảo, triển khai “Chương trình hành động của Đảng” tạo bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam.
Từ năm 1932 – 1933, bằng năng lực, trí tuệ sáng suốt và quyết tâm phi thường, đồng chí Lê Hồng Phong đã bước đầu hoàn thành trọng trách mà Quốc tế Cộng sản giao, ông đã xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước, khôi phục các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, với cách mạng.
Vào tháng 03/1934, dưới sự chủ trì của Lê Hồng Phong, Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được tiến hành. Với việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài, mà vai trò như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, có tác động to lớn đối với phong trào cách mạng trong nước. Hoạt động này đã duy trì niềm tin của quần chúng đối với Đảng, đồng thời, khẳng định sức sống mãnh liệt và vị trí lãnh đạo quan trọng của Đảng.
Tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản năm 1935, Đảng ta được công nhận là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Khi đó, Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng thành công, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ông chính thức trở thành Tổng Bí thư thứ 2 của Đảng Cộng sản Việt Nam sau, kế nhiệm đồng chí Trần Phú.
Lê Hồng Phong còn là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp cách mạng, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong không chỉ là người lãnh đạo kiên định và tài năng của Đảng, mà còn là tấm gương người cộng sản kiên cường: “sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam. Ngày 23/12/1939 sau khi kết thúc đợt giam, chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà ở Nghệ An. Ngày 20/1/1940, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và giam tại khám Lớn, Sài Gòn. Cuối năm 1940, chúng đày Lê Hồng Phong ra Côn Đảo. Tại đây, biết ông là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn và hành hạ một cách dã man. Sức khỏe suy kiệt dần vì những trận tra tấn và bệnh tật, đồng chí đã mất vào trưa 6/9/1942 sau khi đã nhắn lại “Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng.”
“Bốn mươi tuổi đời, gần hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, tên tuổi của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, trọn đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.”, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương ca ngợi sự hy sinh, cống hiến của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, đất nước ta ghi nhớ công ơn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong bằng cách đặt tên cho các đường phố tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước bằng tên của ông như: đường Lê Hồng Phong ở Hà Nội (nối Đội Cấn với Điện Biên Phủ và nối Tô Hiệu với Lê Lợi quận Hà Đông), Thành phố Hồ Chí Minh (nối Hoàng Dư Khương với Trần Hưng Đạo), Hải Phòng (nối đường Đà Nẵng với sân bay Cát Bi), TP. Nha Trang (nối đường 23 tháng 10 với đường Phước Long), Vinh (nối đường Nguyễn Thái Học với đường Phong Định Cảng, tiếp giáp với đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Uông Bí (từ đường Nguyễn Văn Cừ tới giáp đường sắt phường Vàng Danh), TP. Vũng Tàu (nối Lê Lợi với Thùy Vân),Tp Pleiku (Nối Đường Lý Thái Tổ Với Hoàng Văn Thụ)…