Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Việt Nam có rất nhiều nữ anh hùng nổi tiếng bất khuất, trung dũng và kiên cường. Một trong số đó phải kể đến nữ tướng Lê Chân, người đã có công lớn trong cuộc chiến đấu chống lại quân Tô Định và quân Mã Viện. Đồng thời, bà là người khai khẩn, lập nên vùng đất ven sông Cấm ở đầu nguồn, còn trang An Biên (phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng).
Nữ tướng Lê Chân sinh ra tại ngôi làng nhỏ An Biên, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Cha là thầy thuốc Lê Đạo, sống rất nhân từ, đức độ, lại có tấm lòng rộng lượng, sẵn lòng che chở cứu giúp người nghèo, được dân chúng xa gần mến phục. Mẹ của bà là Trần Thị Châu nổi tiếng là người hiền thục và nhân đức.
Mùa xuân năm Kiến Vũ thứ 16 tức tháng ba năm 40 đầu công nguyên, quân Đông Hán xâm lược nước ta. Sắc đẹp mê hồn của nàng Lê Chân lại là một nguyên cớ gây cho gia đình tai biến không ngờ. Lúc bấy giờ, bà Lê Chân nổi tiếng sắc nước nghiêng thành, khiến quan thái thú Tô Định trong chuyến kinh lý qua đây, nghe danh bèn ép dâng Lê Chân làm tì thiếp. Bị cự tuyệt, Tô Định đã giết chết bố mẹ Lê Chân, vốn đã căm hận giặc Hán từ trước, nay mang nợ nước thù nhà, bà bèn tìm thầy học binh thư, võ nghệ.
- https://kinhtehaiphong.vn/walt-disney-ga-khong-lo-nganh-phim-hoat-hinh/
- https://kinhtehaiphong.vn/thai-phien-nha-cach-mang-tai-ba-trong-lich-su-viet-nam/
Khi đã thành tài, Lê Chân rời bỏ xứ Đông, xuôi thuyền hướng ra biển, thấy một vùng bãi bồi bèn dừng lại chiêu dân lập ấp, mở mang điền trạch, đặt theo tên tục quê cũ là làng Vẻn, trang An Biên. Bấy giờ được tin ở xứ Đoài, Hai Bà Trưng đã dựng cờ khởi nghĩa, Lê Chân cũng chiêu binh ứng theo, được Trưng Vương phong làm Trấn Đông đại tướng quân, thống lĩnh đạo Nam Hải. Nhà Hán sai tướng Mã Viện làm Phục Ba Tướng quân, thống suất đạo thủy binh tiến theo đường biển sang dẹp khởi nghĩa, Lê Chân bèn sai lập phòng tuyến ngăn địch, đặt tên là Hải Tần Phòng Thủ, được coi chính là tên Hải Phòng (rút gọn) ngày nay.
Trước thế giặc quá mạnh, nữ tướng Lê Chân phải lui về căn cứ Kim Khê ở chân dãy núi Ba Vì. Khi Hai Bà Trưng thất thủ, Lê Chân tiếp tục đem quân về vùng núi Lạt Sơn (nay thuộc Kim Bảng – Hà Nam). Quân Mã Viện tiến đánh, bà rút lên núi Giát Dâu rồi gieo mình tự vẫn, quyết không để sa vào tay giặc. Ngay nay tại Lạt Sơn vẫn còn nhiều địa danh cổ, tương truyền có từ thời Lê Chân như thung Mộc Bài, thung Bể, thung Đội Nhất, Đội Nhị, thung Trống, đồi Dốc Voi Trượt, đồi Điểm Quân, đồi ông Tượng… Cũng tại núi Giát Dâu, dân chúng nhớ ơn lập đền thờ bà, tôn là Tiên động Thánh Chân.
Ghi nhớ công ơn của nữ tướng Lê Chân, đặc biệt công khai phá và lập ra làng An Biên xưa – nay là Hải Phòng, người dân Hải phòng đã xây dựng đền Nghè thờ bà Lê Chân trên phố Mê Linh. Lê Chân được coi là Thành hoàng của Hải Phòng. Đền Nghè được xếp hạng là Di tích Quốc gia và được nhân gian coi là chốn linh thiêng. Nhân dân Hải phòng và các tỉnh lân cận như: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương thường đến lễ viếng và tham quan, nhất là những ngày mồng Một và ngày rằm hàng tháng, người dân đến lễ rất đông.
Hàng năm vào dịp 25 tháng Chạp, thành phố Hải Phòng thường tổ chức lễ hội dâng hương tưởng niệm ngày mất của Bà – Vị nữ tường anh hùng – Người có công xây dựng và bảo vệ quê hương.
Hiện nay, đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân đang được Nhà nước cấp kinh phí để tu sửa, tôn tạo và mở rộng để thực sự xứng với công lao to lớn của Bà. Bên cạnh đó, Hải Phòng đặt tên một quận mang tên Bà và dựng tượng Bà trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố Hải Phòng, đồng thời, tên của bà được đặt tên cho giải thưởng “Nữ tướng Lê Chân” để trao cho những phụ nữ có thành tích xuất sắc của đất Cảng.