Trong 2 tháng đầu năm 2024, đã xảy ra 2 vụ tai nạn liên quan tới lối đi tự mở băng qua đường sắt trên địa bàn thành phố Hải Phòng khiến 2 người chết. Thành phố Hải Phòng đang tích cực vào cuộc để ngăn chặn tình trạng trên.
Rào chắn lối đi tự mở “không cánh mà bay”
Trên địa bàn TP Hải Phòng có tới 39 điểm tồn tại lối đi tự mở băng qua đường sắt, các lối đi trên chủ yếu nằm trên địa bàn huyện An Dương. Hiện tại, còn gần 20 lối đi tự mở khiến nguy cơ mất ATGT rất cao.
Trong năm 2023, Hải Phòng xảy ra 4 vụ TNGT liên quan đến đường sắt, làm 3 người chết, 3 người bị thương. Tuy nhiên, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024 xảy ra 2 vụ, làm 2 người chết.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông về các lối đi tự mở trên, được biết Sở GTVT Hải Phòng đã có Quyết định số 867 xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn huyện An Dương. Ngày 2/12/2023, nhà thầu thi công thực hiện quyết định nêu trên và rào 2 bên đường bằng tôn sóng.
Tuy nhiên, người dân tại địa phương đã phản ứng về kế hoạch trên cho rằng đây không phải là lối đi tự mở mà là lối đi dân sinh được người dân của hai xã Lê Thiện và Đại Bản sử dụng từ lâu.
Trước phản ứng của người dân, Sở GTVT lý giải: Vị trí người dân phản ánh là lối đi tự mở (đường bộ giao nhau với đường sắt do tổ chức, cá nhân tự xây dựng và khai thác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Luật Đường sắt 2017). Lối đi này còn nằm ngay trong phạm vi ga Dụ Nghĩa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Bên cạnh đó, do nằm trong phạm vi ga, vị trí này không đủ điều kiện thành lập đường ngang theo quy định tại Thông tư 29/2023/TT-BGTVT ngày 29/9/2023 của Bộ GTVT.
Dù Sở GTVT và các cơ quan chức năng đã làm việc với chính quyền và giải thích cho người dân xã Lê Thiện nhưng chỉ vài ngày sau khi lối đi tự mở tại Km 86+260 được rào lại ít ngày “không cánh mà bay”. Người dân hai xã Đại Bản, Lê Thiện huyện An Dương lại vô tư đi qua lối đi trên.
Được biết, một số người dân phản đối việc rào chắn lối đi tự mở này vì cho rằng họ sẽ bất tiện trong sinh hoạt vì trước đây có thể đi qua lối này băng qua đường sắt để ra QL5, nay họ phải đi thêm một quãng đường để tới lối đi rẽ sang QL5.
Theo tài xế Lê Văn Long ở gần đó cho biết: “Việc người dân đi lại qua lối đi tự mở trên không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ. Tình trạng người dân điều khiển xe máy đi ngược chiều trên QL5 ở điểm mở này diễn ra thường xuyên, đã từng xảy ra TNGT khiến một người chết trên QL5 do va chạm với xe đi ngược chiều.
- .https://kinhtehaiphong.vn/chan-may-2g-khong-hop-chuan-tu-1-3-2024/
- .https://kinhtehaiphong.vn/hai-phong-nhan-lai-do-cung-tien-nu-tuong-le-chan-bang-vang/
Làm sao để xóa lối đi tự mở?
Đánh giá và tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới các vụ TNGT trong thời gian vừa qua tại Hải Phòng trong đó có liên quan tới cả đường sắt, đại diện các sở, ngành và địa phương cho rằng, ngoài ý thức của người dân, việc xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên tuyến chưa được kịp thời. Không chỉ vậy, việc tồn tại nhiều lối đi tự mở qua đường sắt bị khuất tầm nhìn đã dẫn tới tình trạng trên.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban ATGT TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu ngành chức năng và các địa phương xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ, đường sắt để tập trung vật liệu, bán hàng… Chủ tịch UBND thành phố giao lực lượng công an xem xét các điều kiện khởi tố một cá nhân về hành vi tự ý tháo dỡ hàng rào hành lang đường sắt gây hậu quả TNGT nghiêm trọng.
Trong năm 2024, các sở, ngành chức năng và địa phương tập trung nhiệm vụ đóng 17 lối đi tự mở băng qua đường sắt. Trong đó, 8 lối tự mở thuộc thẩm quyền quản lý của Trung ương, Hải Phòng giao ngành chức năng nghiên cứu bố trí kinh phí để lắp đặt cần chắn tự động.
Trên thực tế, Sở GTVT Hải Phòng đã yêu cầu đơn vị thi công triển khai rào chắn các lối đi tự mở theo kế hoạch, trong đó có cả những lối đi đã được rào chắn trước đó nhưng đã bị phá hoại.
Một số người dân xã Lê Thiện, Đại Bản huyện An Dương vẫn giữ thói quen đi qua lối này dù chỉ cần đi vòng khoảng 200m để qua đường sắt một cách an toàn. Thay vào đó, một số người đã lựa chọn cách khiêng phương tiện qua rào chắn để vượt qua đường sắt, càng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đến năm 2025 cả nước phải xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 và UBND thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 13/5/2020 giao Sở GTVT và UBND các quận, huyện có đường sắt đi qua thực hiện các biện pháp kiềm chế phát sinh đồng thời xóa bỏ, giảm dần lối đi tự mở trên toàn địa bàn.
Để hạn chế thấp nhất những nguy cơ tiềm ẩn TNGT liên quan đến lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn huyện An Dương, để đảm bảo việc thông thương và phát triển kinh tế, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế cho người dân, những kế hoạch, giải pháp như phát quang bụi cây để mở rộng tầm nhìn, lập rào chắn, cử người gác tại các lối đi tự mở chỉ mang giải pháp tạm thời.
Muốn xóa bỏ các lối đi tự mở theo đúng lộ trình như trên, cần sớm có đường gom để người dân lưu thông một cách an toàn cũng như những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi hủy hoại tài sản như: Tháo dỡ các tôn sóng được rào chắn tại lối đi tự mở hoặc xử phạt những trường hợp vi phạm luật ATGT đường bộ, đường sắt khi phát hiện vi phạm, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông.
Hiện nay, có tới 70% các vụ tai nạn giao thông đường sắt trên cả nước xảy ra tại lối đi tự mở, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Nguồn: ATGT