Khơi dậy tình yêu công chúng với nghệ thuật sân khấu

Trong những ngày này, nhạc kịch ‘Bỉ vỏ’ đang được công diễn tại Nhà hát thành phố Hải Phòng. Việc Hội đồng nghệ thuật lựa chọn ‘Bỉ vỏ’ để chuyển thể thành nhạc kịch nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức các tác phẩm sân khấu của công chúng ngày càng cao…

Nhạc kịch “Bỉ vỏ” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng, do biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Múa Việt Nam biên tập, dàn dựng. Vở diễn do tập thể nghệ sỹ, diễn viên của Đoàn Ca múa Hải Phòng và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện.

Nhạc kịch “Bỉ vỏ” có kết cấu 3 hồi, 8 cảnh với tổng thời lượng 75 phút.

Một cảnh trong nhạc kịch Bỉ vỏ đang được công diễn tại TP Hải Phòng.
Một cảnh trong nhạc kịch Bỉ vỏ đang được công diễn tại TP Hải Phòng.

Âm nhạc vẽ nên thành phố Hải Phòng, một hải cảng giao thương sầm uất bậc nhất của Đông Dương thời bấy giờ với đầy đủ mọi thành phần xã hội, với những “anh chị có số má,” hung tợn, liều lĩnh nhưng cũng rất tay chơi, nghĩa hiệp. Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật được khắc họa trên sân khấu nhạc kịch “Bỉ vỏ”. Các nghệ sỹ, diễn viên cùng với hiệu ứng sân khấu, âm nhạc sẽ thể hiện tư tưởng tác phẩm, dù xã hội có những bất công, ngang trái song vẫn bừng sáng tình thương yêu, đùm bọc giữa người với người…

Theo báo cáo của Sở VH&TT Hải Phòng, nhạc kịch “Bỉ vỏ” là 1 trong 6 chương trình, vở diễn từ đầu năm 2024 đến nay, thuộc Đề án sân khấu truyền hình Hải Phòng. Toàn bộ các vở diễn trên đều được dàn dựng, đầu tư công phu về cảnh trí, đạo cụ, trang phục, hòa âm phối khí, âm thanh, ánh sáng. Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở VH&TT Hải Phòng đã chỉ đạo các đoàn nghệ thuật chủ động, linh hoạt trong việc dàn dựng và truyền hình trực tiếp các chương trình vở diễn tại các địa điểm phù hợp làm tăng hiệu quả tuyên truyền của Đề án. Việc tổ chức biểu diễn miễn phí phục vụ nhân dân tại Nhà hát thành phố đã tạo được ấn tượng sâu sắc, tạo nên điểm hẹn văn hóa với du khách, nhân dân. Công nhân, người lao động được thụ hưởng các chương trình nghệ thuật hàn lâm khi không có điều kiện được xem tại đơn vị.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VH&TT Hải Phòng khẳng định Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng chính là cú hích, nền tảng, đòn bẩy cho sự phát triển vượt bậc về trình độ chuyên môn cho các nghệ sĩ diễn viên của thành phố. Ở tất cả các loại hình nghệ thuật sân khấu, Hải Phòng đều có những lứa diễn viên có trình độ, đẳng cấp, đóng vai trò nòng cốt, chủ công trong việc đảm bảo chất lượng của từng tác phẩm. Minh chứng là thời gian gần đây, Hải Phòng luôn có nhiều tác phẩm đạt giải cao tại các kỳ liên hoan…

Phát biểu tại hội nghị sơ kết Đề án sân khấu truyền hình Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, NSND Trịnh Thúy Mùi khẳng định việc duy trì và phát triển mạnh mẽ Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng chính là cách để địa phương duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị của các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống. Đồng thời nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của người dân, đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Chính nỗ lực của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành văn hóa và hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên đã đánh thức tình yêu công chúng với nghệ thuật sân khấu.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án còn có những tồn tại, hạn chế, như tổ chức lưu diễn phục vụ công nhân, thanh niên tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đạt theo tiến độ. Kinh phí cho hoạt động lưu diễn còn hạn chế, huy động xã hội hóa từ cơ sở khó khăn. Bên cạnh đó nguồn kịch bản sân khấu chưa phong phú, chất lượng kịch bản còn hạn chế, chủ yếu mới có kịch bản văn học nên không có nhiều sự lựa chọn.

Theo đó, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đề xuất, Hải Phòng có thể xem xét truyền hình trực tiếp các vở diễn tại các địa điểm khác ngoài Nhà hát lớn thành phố như khu công nghiệp, khu kinh tế hoặc hải đảo… để chương trình sân khấu phát huy được hiệu quả hơn, lan tỏa hơn đến với công chúng…

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam khẳng định thành phố sẽ dành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cao nhất để Đề án sân khấu truyền hình có thể đạt được những thành công hơn nữa. Tuy nhiên, ngoài việc phát triển chuyên môn, Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý ngành văn hóa Hải Phòng cần đẩy mạnh việc huy động xã hội hóa và khắc phục những tồn tại về trang thiết bị, chủ động đặt hàng các kịch bản cho chương trình sân khấu truyền hình năm 2025.

Nguồn: CAND

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục