Hạt hạnh nhân giúp tăng cường sức khỏe đường ruột

Ngoài giàu chất xơ và giúp hạn chế cơn thèm ăn, hạnh nhân còn có thể tăng cường sức khỏe đường ruột bằng cách tăng sản xuất axit béo chuỗi ngắn.

Ăn hạnh nhân dưới mọi hình thức giúp cải thiện sức khỏe đường ruột. Ảnh: Scitechdaily.

Theo Healthline, ăn một nắm hạnh nhân mỗi ngày có thể cải thiện đáng kể sức khỏe đường ruột của chúng ta.

Theo nghiên cứu mới được tài trợ bởi Ủy ban Hạnh nhân California và công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ, khi chúng ta tiêu hóa hạnh nhân, nó sẽ làm tăng sản xuất axit béo chuỗi ngắn được gọi là butyrate.

Butyrate cung cấp nhiên liệu cho các tế bào trong niêm mạc ruột kết. Điều này thúc đẩy sức khỏe đường ruột.

Tiến sĩ Kevin Whelan, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư, trưởng khoa Khoa học dinh dưỡng tại King’s College London, cho biết trong thông cáo báo chí rằng ngoài việc cung cấp năng lượng cho các tế bào trong ruột kết, butyrate còn điều chỉnh sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác trong ruột và giúp cân bằng hệ thống miễn dịch.

Ông nói: “Những phát hiện này cho thấy tiêu thụ hạnh nhân có lợi cho sự trao đổi chất của vi khuẩn theo hướng có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

Những lợi ích sức khỏe của hạnh nhân

Các nhà nghiên cứu xem xét những lợi ích của việc ăn hạnh nhân trong 4 tuần ở 87 người có độ tuổi 18-45. Những người tham gia ăn ít chất xơ hơn lượng khuyến nghị hàng ngày và ăn vặt thiếu dinh dưỡng như khoai tây chiên hoặc bánh nướng xốp khoảng 2 lần/ngày.

Các nhà nghiên cứu chia những người tham gia nghiên cứu thành 3 nhóm ăn nhẹ:

– Nhóm 1: Ăn 56 g hạnh nhân nguyên hạt mỗi ngày.

– Nhóm 2: Ăn hạnh nhân xay 56 g mỗi ngày.

– Nhóm đối chứng: Ăn 2 bánh muffin (bánh ngọt có nhân) mỗi ngày.

Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng ăn hạnh nhân dưới mọi hình thức giúp cải thiện sức khỏe đường ruột của mọi người do sự gia tăng các chất dinh dưỡng quan trọng so với nhóm đối chứng.

Sự cải thiện được tìm thấy ở mức độ axit béo không bão hòa đơn, chất xơ và kali. Họ lưu ý hạnh nhân cũng là nguồn cung cấp niacin hoặc vitamin B, axit folic, magiê, kẽm và đồng.

Nhận xét của chuyên gia về hạnh nhân

Các chuyên gia dinh dưỡng đồng ý ăn hạnh nhân là lựa chọn thông minh để cải thiện sức khỏe đường ruột vì nó chứa chất xơ.

Tiến sĩ Amy Sapola, huấn luyện viên chăm sóc sức khỏe, giải thích chất xơ hòa tan trong hạnh nhân bắt đầu quá trình tăng butyrate và các phân tử nuôi dưỡng đường ruột tương tự.

Bà nói với Healthline: “Khi vi khuẩn tiêu hóa chất xơ hòa tan, chúng tạo ra các hợp chất có lợi được gọi là axit béo chuỗi ngắn (như butyrate), giúp cung cấp năng lượng cho tế bào liên kết trong ruột già và hỗ trợ sức khỏe miễn dịch”.

hat hanh nhan anh 1
Chất xơ trong hạnh nhân giúp cơ thể cảm thấy no lâu hơn, do đó ít thèm ăn hơn. Ảnh: Almonds.

Colette Heimowitz, Phó chủ tịch truyền thông và giáo dục dinh dưỡng tại Atkins, cho biết hàm lượng chất xơ trong hạnh nhân mang lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe từ việc kiểm soát sự thèm ăn đến điều chỉnh lượng đường trong máu để giúp hệ tiêu hóa.

Bà Heimowitz nói: “Chất xơ cũng giúp cơ thể cảm thấy no lâu hơn, do đó ít thèm ăn hơn”. Bà cho biết thêm ít thèm ăn hơn có thể giúp chúng ta dễ dàng tránh những món ăn vặt thiếu dinh dưỡng và thường xuyên chọn những món lành mạnh hơn.

Ngăn ngừa các biến chứng với sức khỏe đường ruột

Theo tiến sĩ Sapola, cải thiện sức khỏe đường ruột là nền tảng cho sức khỏe tổng thể vì nếu hệ tiêu hóa hoạt động không bình thường, chúng ta sẽ không hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Hệ tiêu hóa hoạt động tốt sẽ phân hủy thức ăn thành các thành phần mà cơ thể có thể hấp thụ được. Sau đó, nó sẽ sử dụng các thành phần đó để thực hiện nhiều chức năng trao đổi chất, bao gồm tăng trưởng và sửa chữa tế bào.

Tiến sĩ Sapola cho biết khi quá trình tiêu hóa không đạt mức tối ưu, nó có thể ảnh hưởng đến mọi tế bào trong cơ thể, thường dẫn đến viêm, thiếu chất dinh dưỡng cần thiết, mệt mỏi, sương mù não, phiền muộn và lo lắng.

Mất bao lâu để thấy lợi ích của hạnh nhân cho sức khỏe đường ruột?

Nếu bạn tò mò về việc ăn hạt hạnh nhân đối với sức khỏe đường ruột, bạn cần biết rằng một số tác dụng có thể cảm nhận được ngay lập tức nhưng cũng có thể mất vài tuần đến vài tháng.

Tiến sĩ Sapola và bà Heimowitz đều đồng ý thời gian cần thiết để thấy kết quả phụ thuộc vào mức độ thay đổi sức khỏe của mỗi người. Một số người có thể cảm thấy có nhiều năng lượng hơn, tâm trạng tốt hơn và ít đầy hơi hơn.

Bà Heimowitz nói thêm: “Hầu hết mọi người sẽ cảm nhận được lợi ích trong vài tuần đầu tiên. Việc cải thiện xét nghiệm máu có thể mất từ ​​6 tháng đến một năm miễn là bạn phù hợp với thói quen ăn uống lành mạnh của mình”.

Tiến sĩ Sapola lưu ý: “Những tác động lâu dài hơn như cải thiện huyết áp hoặc cholesterol có thể mất vài tuần đến vài tháng. Mặc dù thay đổi lối sống không phải lúc nào cũng nhanh nhất để thấy hiệu quả, chúng là cách hiệu quả để cải thiện sức khỏe lâu dài”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục