Hành trình từ khởi nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Nếu bạn đã sẵn ở vạch đích thì đó là sự may mắn, ngoài ra, không có gì hết, bạn cần nỗ lực và chiến đấu mỗi ngày. Điều đó thực sự đúng và đối với Phạm Nhật Vượng, đó có thể là điều mà ông luôn tâm niệm trong cuộc đời. Ông Phạm Nhật Vượng sinh tháng 8/1968 trong một gia đình nghèo cùng với 3 người anh em nữa. Cha ông từng là sỹ quan phòng không miền Bắc còn mẹ bán hàng rong. Phạm Nhật Vượng được xem là vị tỷ phú đô la Mỹ đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7 tháng 3 năm 2011 với giá trị tổng tài sản lên đến khoảng 21.200 tỷ đồng Việt Nam tương đương 1 tỷ đô la Mỹ tại thời điểm đó.

Phạm Nhật Vượng được tạp chí Forbes vinh danh lần đầu vào năm 2013 ở vị trí 974 thế giới với tổng tài sản 1,5 tỷ đô la Mỹ, cho đến tháng 3 năm 2014 là 1,6 tỷ USD. Ông cũng là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes, đồng thời có trong top 20 gương mặt mới nổi bật của Forbes năm 2013.

Tuy nhiên, để đạt được thành công như hôm nay, người giàu nhất Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, các công việc khác nhau.Theo đó, năm 1987, nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông Vượng đã giành được một suất học bổng du học tại Matxcơva. Tại đây, ông học về chuyên ngành kinh tế và địa chất ở Học viện địa chất Matxcơva.

Ông khởi nghiệp với việc mở một cửa hàng ăn tại nhà số 5, cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990. Sau khi kết hôn, ông chuyển tới thành phố Kharkov, tiếp tục vay 10.000 USD và đến Kiev, mở một cửa hàng ăn khác lấy tên Việt Nam Thăng Long. Đến ngày 8/8/1993, ông lập thương hiệu Mivina và bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền sau khi vay 10.000 USD từ những người bạn Việt Nam và tiếp tục vay Ngân hàng châu Âu để mở rộng sản xuất sang các sản phẩm khác như rau thơm khô đóng gói, bột khoai tây, soup,… Sự xuất hiện của mỳ “Mivina” vào năm 1995 rất đúng thời điểm nên nhanh chóng trở nên phổ biến ở đất nước Ukraine.

Chỉ trong vòng một năm, Phạm Nhật Vượng đã bán được 1 triệu gói mỳ. Đến năm 2004, mức tiêu thụ mỳ Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này. Thương hiệu Mivina sau đó trở thành tên gọi chung cho tất cả đồ ăn nhanh ở Ukraine. Năm 2010, tập đoàn Nestle của Thụy Sỹ đã chi 150 triệu USD để mua lại công ty Technocom – một công ty hàng đầu trong lĩnh vực đồ ăn nhanh của Ukraine do ông Phạm Nhật Vượng thành lập năm 1993.

Thời điểm này, Technocom có hai nhà máy ở Kharkov với doanh thu lên tới 100 triệu USD/năm. Technocom có 1.900 nhân viên, sản phẩm của công ty này được xuất sang 20 quốc gia, trong đó có Nga, các nước Baltic, Đức, Hungary, Israel, Ba Lan và Romania. Những năm 1997 – 1998, ông Vượng chia sẻ chỉ nghĩ kiếm được 2 triệu USD sẽ ngừng kinh doanh về hưu, nhưng không dừng ở đó, ông quyết định về nước làm ăn.

Năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở Ukraine, ông Vượng mở 2 công ty tại Việt Nam. Ông bắt đầu thu lợi nhuận từ các doanh nghiệp Ukraine đầu tư bất động sản ở Việt Nam sau khi thành lập Vinpearl năm 2000 và Vingroup vào năm 2002. Năm 2007, Vingroup niêm yết trên sàn chứng khoán và hiện là một trong 5 công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo đánh giá của tờ Forbes, tài sản của ông vào tháng 8/2015 đạt 1,65 tỷ USD, số vốn hóa công ty Vingroup đạt 3 tỷ USD. Ông trở thành tỷ phú USD đầu tiên ở Việt Nam và liên tục nằm trong danh sách các tỷ phú do Forbes bình chọn. Hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng đang đầu tư vào các dự án giáo dục, làm từ thiện, xây dựng các tổ hợp công viên như Công viên trung tâm ở New York, xây dựng các tòa nhà chọc trời, khu du lịch trên đảo Phú Quốc, xây dựng 100 siêu thị và hàng 1000 cửa hàng, dự án e-commerce, đầu tư trong nông nghiệp, thực phẩm sạch… Và mỗi khi kinh doanh trong một lĩnh vực mới, ông cũng như Vingroup như thêm một lần khởi nghiệp, và đó chính là lý do tại sao ngay trên trang chủ của website bạn có thể thấy: “Vingroup – mãi mãi tinh thần Khởi nghiệp”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục