TP Hải Phòng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp tài liệu, số liệu để cho các doanh nghiệp Đan Mạch đến nghiên cứu về năng lượng điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tại chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư giữa Đan Mạch và TP Hải Phòng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Nhu cầu tất yếu
Phát triển năng lượng tái tạo hiện đang là xu hướng tất yếu, yêu cầu bắt buộc của ngành năng lượng tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua mà Việt Nam cam kết mạnh mẽ cũng đã xác định mục tiêu đạt phát thải ròng (lượng khí thải độc hại phát thải vào môi trường) bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Trong đó, năng lượng gió ngoài khơi và sử dụng năng lượng hiệu quả đóng vai trò quan trọng hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Tại Hải Phòng, với vị trí địa lý thuận lợi, có bờ biển dài trên 125 km, mặt biển trải rộng, cùng với sự phát triển đồng bộ của các hệ thống giao thông, hạ tầng cảng biển, các ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ, Hải Phòng là một địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển trong nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng gió ngoài khơi. Việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi phù hợp với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam cũng như TP Hải Phòng về ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời, giúp TP Hải Phòng giải quyết vấn đề điện năng, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “Về điện gió , TP Hải Phòng là một khu vực giáp biển và với diện tích biển rất lớn. Qua như khảo sát của Việt Nam, gió tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ rất ổn định và có thể phát triển được điện gió. Chính vì vậy, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP Hải Phòng vào đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ có định hướng cho Hải Phòng phát triển điện gió”.
UBND thành phố Hải Phòng và chính quyền thành phố Esbjerg (Đan Mạch) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi
Nói về thế mạnh của TP Hải Phòng phục vụ phát triển dự án điện gió ngoài khơi, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cảng biển Hải Phòng có lịch sử hình thành và phát triển hơn 130 năm, có vị trí chiến lược quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, bờ biển Hải Phòng dài trên 126 km, vùng đồi cát ven biển rộng, thấp và khá bằng phẳng. Vùng biển Hải Phòng có diện tích khoảng 4.000km2, gấp 2,6 lần diện tích đất liền của thành phố. Hải Phòng giáp vịnh Bắc Bộ, một vịnh lớn nhưng kín lại có nhiều lớp đảo che chắn nên tiềm năng sóng gió tuy lớn nhưng không lớn như vùng biển Trung Bộ.
“Là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng cũng nhận thấy tính cấp thiết của việc sử dụng năng lượng sạch”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, với chủ trương, định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước, TP Hải Phòng cũng xác định đây là nhiệm vụ cần được xúc tiến triển khai trong thời gian tới. Vì vậy, TP Hải Phòng ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào các lĩnh vực như: Các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, thân thiện môi trường, quản trị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên…
Mới đây, tại chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư giữa Đan Mạch và TP Hải Phòng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: Với định hướng phát triển trở thành thành phố “có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững”, TP Hải Phòng rất mong muốn tìm ra nhiều hơn nữa các giải pháp về năng lượng bền vững để đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.
“Cũng vào thời điểm đầu năm, sau khi Thủ tướng Chính phủ có định hướng phát triển điện gió tại Hải Phòng, một số tập đoàn đã đến Hải Phòng nghiên cứu về nội dung này. Tuy nhiên, đối với Đan Mạch là một quốc gia mạnh về điện gió, tôi rất hy vọng các nhà đầu tư của Đan Mạch sẽ đầu tư vào Hải Phòng. TP Hải Phòng rất mong sau buổi thảo luận này, các doanh nghiệp của Đan Mạch tiếp tục có những nghiên cứu về phát triển điện gió. Trong quá trình nghiên cứu, TP Hải Phòng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp các tài liệu, số liệu để cho các doanh nghiệp Đan Mạch nghiên cứu”, ông Tùng cho biết thêm.
Ông Nicolai Prytz – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, đoàn công tác đến làm việc tại Hải Phòng liên quan đến việc cung cấp trang thiết bị trong lĩnh vực điện gió, các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho các dự án điện gió. Chúng tôi cũng mong muốn tìm kiếm các đối tác trong nước để chúng ta có thể cùng nhau phát triển trong tương lai.
Được biết, liên quan đến kế hoạch năng lượng của TP Hải Phòng, địa phương này tập trung ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và điện gió ngoài khơi gắn với việc triển khai chiến lược kinh tế biển Việt Nam. Theo đó, TP Hải Phòng sẽ tập trung phát triển điện gió tại các khu vực có tiềm năng như: khu vực huyện đảo Bạch Long Vĩ, khu vực phía bắc Thủy Nguyên (khu vực núi Sơn Đào) và khu vực ven biển Bàng La, quận Đồ Sơn…
Cũng liên quan đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng, trước đó, TP Hải Phòng đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán Đan Mạch về phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại thành phố Hải Phòng của liên doanh nhà đầu tư Công ty CP Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted Đan Mạch.
Theo đó, Dự án điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng do liên doanh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted Đan Mạch thực hiện. Dự án dự kiến có tổng công suất là 3.900 MW chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 1.300 MW, vận hành vào các năm 2029, 2035 và 2037. Tổng mức đầu tư mỗi giai đoạn khoảng 3,95 – 4,5 tỷ USD, mức đầu tư toàn dự án lên tới 11,9- 13,6 tỷ USD. Vị trí dự kiến nghiên cứu là vùng biển ngoài khơi phía Đông Nam, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 14 km; phía Tây Bắc cách quần đảo Long Châu khoảng 36 km; cách đảo Cát Bà 88 km; cách huyện Tiên Lãng 76 km; cách huyện Kiến Thụy 74 km; cách quận Đồ Sơn 70 km. Diện tích dự kiến phát triển dự án khoảng 870 km2.
Nguồn: Cafef.vn