Hải Phòng lên phương án ngăn dịch đậu mùa khỉ xâm nhập

Ngay khi TP HCM có ca đậu mùa khỉ đầu tiên, TP Hải Phòng đã yêu cầu các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, xử lý triệt để ổ dịch.

UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn khẩn trương tăng cường giám sát và ngăn ngừa dịch bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập ngay khi TP Hồ Chí Minh ghi nhận ca mắc đầu tiên.

Việc giám sát chặt chẽ nơi cửa khẩu đối với Hải Phòng chủ yếu từ hệ thống cảng biển khi các chuyến tàu từ nước ngoài về cảng. Cùng với đó là Cảng hàng không quốc tế hay khu vực giáp ranh địa bàn Quảng Ninh nơi có đường biên với Trung Quốc.

Theo đó, thành phố giao Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, xử lý triệt để ổ dịch.

Hải Phòng tăng cường giám sát các cửa khẩu, ngăn dịch đậu mùa khỉ xâm nhập.

Hải Phòng tăng cường giám sát các cửa khẩu, ngăn dịch đậu mùa khỉ xâm nhập.

Thành phố Hải Phòng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải đẩy mạnh việc thực hiện giám sát tại địa phương, dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí.

Việc tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến cần đẩy nhanh, xây dựng kịch bản đáp ứng tình hình dịch khi xảy ra theo từng cấp độ và tổ chức diễn tập.

Khi ghi nhận trường hợp bệnh, cần điều tra kỹ những trường hợp tiếp xúc với ca dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Trao đổi về dấu hiệu nhận biết cũng như kỹ năng ngăn ngừa dịch bệnh đậu mùa khỉ, Tiến sĩ Ngô Anh Thế – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng cho biết: “Bệnh đậu mùa khỉ có 3 con đường lây nhiễm chính là:

Lây nhiễm thông qua vết xước, vết cắn mà động vật cắn đã nhiễm virus;
Người ăn thịt động vật và động vật bị ăn thịt đó đang nhiễm bệnh;
Người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Nếu bạn bị sốt, đau đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, đau lưng, ớn lạnh, cơ thể mệt mỏi. Phát ban với mụn nước xuất hiện trên mặt, miệng, tay, ngực, hậu môn, cơ quan sinh dục, bàn chân… nghi ngờ có triệu chứng mắc bệnh đậu mùa khỉ, bạn cần đến các bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ”.

Hiện tại phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ đang được sử dụng biện pháp cách ly đồng thời là tiến hành vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên khi nhiễm bệnh mọi người nên khám và sử dụng thuốc chống virus theo chỉ định bác sĩ để ngăn chặn mối nguy tiềm ẩn do bệnh đậu mùa khỉ gây ra.

Từ tháng 5/2022 đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh.

Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.

Đến ngày 26/9/2022, thế giới nghi nhận 64.561 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 105 nước trên thế giới. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (132), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1). Đặc biệt, ngày 03/10/2022 Việt Nam đã xuất hiện ca mắc đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục