Hải Phòng lập thành phố Thủy Nguyên: Không nên vội…

Bộ Xây dựng ủng hộ kiến nghị của Hải Phòng lập thành phố Thủy Nguyên, các đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc, không nên vội.

Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng về việc đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho phép Hải Phòng hình thành một số quận mới và thành phố Thủy Nguyên – Trung tâm đô thị Bắc Sông Cấm như thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM. Trong văn bản trả lời, Bộ Xây dựng cho biết đề xuất theo kiến nghị của cử tri Hải Phòng là phù hợp quy định của pháp luật…

Hải Phòng lập thành phố Thủy Nguyên: Không nên vội... - 1
Hải Phòng muốn thành lập thành phố Thủy Nguyên. Ảnh: TP Hải Phòng

Tuy nhiên, từ góc nhìn của đại biểu Quốc hội, ông Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) lại cho rằng cần cân nhắc thận trọng.

Vị đại biểu cho biết, tại kỳ họp Quốc hội thứ 10, khóa XIV vừa qua đã thông qua Nghị quyết thí điểm về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Đây là mô hình mới và mới được Quốc hội thống nhất thực hiện thí điểm, vì vậy, nên để TP.HCM thực hiện và có đánh giá cụ thể mới triển khai tiếp.

“Cần phải có báo cáo, đánh giá những mặt được và chưa được từ mô hình của TP.HCM xem có phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam không mới thực hiện tiếp.

Không nên vội vàng chạy theo phong trào, thấy TP.HCM xin được thì Hải Phòng cũng xin. Trong khi chưa có những đánh giá, tiêu chuẩn cụ thể mà đã chạy đua xin làm sẽ dễ gây ra những lộn xộn trong cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương, gây ảnh hưởng tới tâm lý trong nhân dân, cũng như những chồng chéo trong nhiệm vụ, chức năng điều hành, quản lý”, ông Nhường nói.

Nói thêm về thí điểm mô hình chính quyền đô thị, ông Nhường cho biết hiện có 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng xin thực hiện thí điểm mô hình này, đó là 3 thành phố lớn, có vị trí kinh tế – chính trị và yêu cầu của thực tiễn, cải cách là cơ sở để các thành phố này phát triển.

Nhất là với TP.HCM, một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo đồng hạng như một chính quyền nông thôn, do đó, việc tạo một cơ chế thuận lợi cho các siêu thành phố phát triển là rất phù hợp.

Tuy nhiên, như đã nói, đây mới là thí điểm, do đó, cần phải chờ đợi thêm khoảng 5-7 năm nữa để những ưu điểm và hạn chế được bộc lộ rõ hơn, lúc đó có nhân rộng triển khai cũng chưa muộn.

Riêng với Hải Phòng, ông Nhường đưa ra lời khuyên không nên vội vàng chạy theo.

Mặt khác, khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị nghĩa là mô hình tổ chức quản lý cũ đã không còn phù hợp, bị lỗi thời, kìm nén sự phát triển của địa phương thì mới cần một mô hình thay thế.

Tuy nhiên, Hải Phòng hiện nay vẫn đang ghi nhận có những tăng trưởng, phát triển tốt.

Cụ thể, theo báo cáo của Hải Phòng, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội luôn đạt mục tiêu khá của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm tăng 14,02%, gấp hai lần giai đoạn 2010 – 2015 và gấp 2,1 lần tốc độ tăng chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 5.863 USD, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV đề ra gấp 1,95 lần bình quân chung cả nước. Tỷ trọng GRDP trong GDP cả nước từ 3,5% năm 2015 đã tăng lên 5,1% năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 408 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 5 năm đạt 120 nghìn tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2010 – 2015.

Trong khi đó, tốc độ công nghiệp hóa vẫn đang trên đà phát triển tốt.

“Từ kết quả nói trên thì chưa nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy cơ chế đang kìm hãm sự phát triển của địa phương, vì thế, không nên nóng vội thay đổi mô hình quản lý mới”, ông Nhường nói thêm.

Cùng trả lời về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội phải tổng kết thực tiễn, đánh giá cho nghiêm cẩn mô hình này. Từ đó, có phân loại các địa phương trong 63 tỉnh, thành để nhóm địa phương có cùng tính chất, có cùng các đặc điểm phân hóa thành các nhóm cụ thể để áp dụng những chính sách điều hành cho phù hợp, tránh tình trạng mỗi địa phương một văn bản riêng rẽ, đặc thù.

Từ những đánh giá, tổng kết trên, ông Vân cho biết sẽ tiến tới quy phạm hóa nó thành những chương, mục cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chứ không phải ban hành nghị quyết riêng nữa.

Trước đó, HĐND thành phố Hải Phòng đã xác định xây dựng Thủy Nguyên theo mô hình thành phố trực thuộc thành phố. Huyện này hiện là đơn vị hành chính nông thôn, trong khi mô hình quản lý chính quyền nông thôn không còn phù hợp và không đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Do vậy, lãnh đạo Hải Phòng cho rằng việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên là yêu cầu khách quan và cấp thiết.

Mới đây, vào cuối tháng 11, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên như đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục