Ga Hải Phòng cùng chuyến tàu đặc biệt từ Hà Nội về Hải Phòng

Trải qua 120 năm lịch sử, ga Hải Phòng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính in đậm kiến trúc Pháp. Đặc biệt, nhà ga Hải Phòng là nơi vinh dự được giao nhiệm vụ đón và đưa Bác Hồ trở về Hà Nội an toàn trong ngày 21/10/1946.

Một trong những ga xe lửa đẹp nhất Việt Nam

Ga Hải Phòng (số 75 Lương Khách Thiện, quận Ngô Quyền) là ga tàu hỏa chính của TP Hải Phòng. Đây cũng là ga hành khách cuối cùng trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng.

Ga Hải Phòng xưa và nay. 
                                                                                                                                                      Ga Hải Phòng xưa và nay. 

Ga Hải Phòng được người Pháp xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1902. Đây là 1 trong 4 ga chính của tuyến đường sắt dài 99 km nối Hải Phòng với Hà Nội.

Những cột sắt, đá lát xanh được giữ nguyên như ngày đầu xây dựng.
                                                                                                                Những cột sắt, đá lát xanh được giữ nguyên như ngày đầu xây dựng.

Giống như Nhà hát lớn Hải Phòng, Bảo tàng Hải Phòng hay một số trụ sở hành chính khác ở thành phố Cảng, ga Hải Phòng in đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp. Đây cũng được coi là một trong những nhà ga xe lửa đẹp nhất mà người Pháp để lại ở Việt Nam.

Kiến trúc ga Hải Phòng được thiết kế theo phong cách tân cổ điển dựa trên quy luật đối xứng nghiêm ngặt. Công trình được nhấn mạnh ở trung tâm với hai khối nhô ở hai bên cùng các chi tiết trang trí. Hàng cột sắt với hoa văn mang phong cách cổ điển chống mái hiên, hay đá xanh lát nền có từ những ngày đầu đi vào hoạt động vẫn còn nguyên vẹn. Vỏ đồng hồ có tuổi đời 120 năm, phần ruột đồng hồ cơ khí cũ đã bị hỏng và được thay thế bằng đồng hồ điện tử.

Ga Hải Phòng in đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp.
                                                                                                                          Ga Hải Phòng in đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp.

Đến Ga Hải Phòng, chúng ta gặp lại ký ức một thời bao cấp. Tròn 120 năm tồn tại, ga Hải Phòng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính in đậm kiến trúc Pháp và là một công trình kiến trúc đẹp cùng thời gian ở TP Hải Phòng.

Bà Nguyễn Thị Liên nhớ lại: “Khung cảnh của ga Hải Phòng gần như không thay đổi. Mỗi khi đến đây tôi lại được nhớ lại ký ức thời bao cấp. Ngày nay mọi người di chuyển bằng ô-tô, xe khách, máy bay nhiều hơn thì những nhà ga, những toa tàu, những đường ray đó, dù cũ kỹ và chậm thay đổi theo thời gian, vẫn như là nhân chứng lịch sử nhắc nhở tất cả về một thời hoàng kim của ngành đường sắt. Mỗi sân ga sẽ luôn lưu dấu những ký ức đặc biệt trong cuộc đời của mỗi người hay mỗi sự kiện lịch sử của địa phương, của đất nước. Có lẽ, với người dân Hải Phòng, ga Hải Phòng là một di sản”.

Chuyến tàu ký ức

Người dân Hải Phòng không bao giờ quên được sự kiện Bác Hồ đi chuyến xe lửa đặc biệt từ Hà Nội về Hải Phòng và ngược lại. Sự kiện Bác Hồ đi chuyến xe lửa đặc biệt từ TP Hải Phòng an toàn về tới thủ đô Hà Nội đã có ý nghĩa sâu sắc đối với nhân dân hai bên đường 5. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân mặt trận đường 5 đã làm nên những kì tích lịch sử. Khi hòa bình lập lại, chính Bác Hồ từ Thủ đô Hà Nội về Hải Phòng đã viết bài “Đường số 5 anh dũng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tàu tại ga Hải Phòng năm 1946.
                                                                                                                                   Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tàu tại ga Hải Phòng năm 1946.

Trưởng ga Hải Phòng Đặng Tiến Mạnh chia sẻ: “Để chuẩn bị cho đoàn tàu đưa Bác về Hà Nội lúc bấy giờ, Sở Hỏa xa có 5 quận quản lý. Trong khi đó để hoà hoãn với thực dân Pháp nhằm tranh thủ thời gian chuẩn bị cho kháng chiến theo Hiệp định sơ bộ giữa Chính phủ ta với Pháp nên nhà ga thuộc về chủ người Pháp. Tình hình an ninh trật tự có nhiều phức tạp nhưng công tác an ninh đã được các lực lượng công an và tư vệ chăm lo chu đáo.

Tối ngày 19/10, anh em đã treo đèn, kết hoa và cử đội tự vệ phối hợp với công an xung phong bảo vệ khu vực nhà ga thật nghiêm mật. Anh công nhân lái tàu Nguyễn Thái được Sở Hỏa xa cử về. Anh vốn là một người lái tàu lâu năm, có kỹ thuật cao, kinh nghiệm nhiều. Bản thân anh Nguyễn Thái đã nhiều lần lên tàu kiểm tra, lái thử. Vì một trong những yêu cầu của người lái không những bảo đảm an toàn tuyệt đối cho chuyến tàu mà còn phải đóng phanh, dừng tàu đúng những địa điểm các địa phương ở hai bên đường 5 bố trí đón Bác”.

Khoảng 14 giờ giờ ngày 20/10/1946 chuyến tàu ray cuối cùng đã đến Hải Phòng. Tất cả các đại biểu Trung ương và các địa phương đã tập trung đầy đủ, trong đó có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Tố.

Sau khi dự buổi mít tinh với nhân dân TP Hải Phòng tại vườn hoa Sông Lấp, Bác vẫy tay tạm biệt đồng bào, nhanh nhẹn rời khỏi kỳ đài, đi xe thẳng ra ga trở về Hà Nội. Hầu hết đại biểu Hải Phòng và các tỉnh đều ra ga tiễn Bác. Bác bắt tay từng đại biểu.

Đúng 11 giờ Người lên tàu. Sau ít phút chuẩn bị, tàu kéo một hồi dài và bắt đầu chuyển bánh. Đồng bào Hải Phòng lưu luyến vẫy tay tạm biệt. Bác ra tận cửa đứng vẫy tay chào đáp lại tấm lòng của bà con đất Cảng thân yêu. Tàu chạy đến đâu, Nhân dân tụ tập vẫy tay hoan hô ở đấy.

Ga Hải Phòng được đưa vào sử dụng năm 1902 và là 1 trong 4 ga chính của tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. 
                                                                                       Ga Hải Phòng được đưa vào sử dụng năm 1902 và là 1 trong 4 ga chính của tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng. 

15 giờ 5 phút tàu từ từ tiến vào ga Hà Nội. Chuyến tàu đặc biệt đưa Bác Hồ tới Thủ đô Hà Nội một cách an toàn trong niềm vui sướng dạt dào của đồng bào Thủ đô và đồng bào cả nước.

Về đến Hà Nội, Bác Hồ vẫn nhớ đến Hải Phòng, nhớ đến “cuộc đón tiếp vô cùng nhiệt liệt và thân mến”. Nhân dân các thành phố và các làng lân cận đến chờ đợi hai, ba ngày để đón Bác. Suốt đường Hải Phòng- Hà Nội đông nghịt người. Bác Hồ gửi thư cho các cháu thiếu nhi nói lên niềm xúc động của người “Khi Bác về đến Tổ quốc, từ Hải Phòng đến Hà Nội, có đến hơn 10 vạn cháu thiếu nhi đi đón Bác. Tay cầm cờ đỏ sao vàng, đứng ngập hai bên đường, reo cười, ca hát vui vẻ như một đàn chim”.

Ga Hải Phòng còn là nơi check in của người dân trên cả nước khi đến với TP Hải Phòng. 
                                                                                                Ga Hải Phòng còn là nơi check in của người dân trên cả nước khi đến với TP Hải Phòng. 

Ga Hải Phòng là một trong số ít các nhà ga in đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp còn lại ở Việt Nam, bên cạnh những ga tại Huế (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), Ðà Lạt (Lâm Ðồng). Khi đến đây, nếu nhìn tấm biển đồng treo trước cửa ga, có dòng chữ như “Ngày 21/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xe lửa về Thủ đô Hà Nội, sau khi Người thăm nước Pháp trở về Tổ quốc, dừng chân tại thành phố Hải Phòng…”, ngày 21/10 đó đã trở thành Ngày truyền thống của ngành đường sắt Việt Nam và luôn là niềm tự hào của cán bộ công nhân viên ngành đường sắt.

Ngày nay, cùng với công việc vận chuyển hành khách, hàng hóa thì ga Hải Phòng chính là một trong những địa điểm check-in Hải Phòng nổi tiếng được nhiều bạn trẻ ghé đến tại thành phố Hoa phượng đỏ. Thông thường, du khách khi di chuyển đến Hải Phòng bằng tàu hỏa sẽ check-in ngay tại điểm đến khi vừa xuống tàu. Vì vậy mà phong trào check-in tại ga Hải Phòng cùng trải nghiệm foodtour được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng.

Nguồn: Kinhtedothi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục