Chỉ với 3 người, một công ty CNTT Việt Nam đã dám “ra khơi” khi thành lập chi nhánh tại Nhật Bản và hiện mở rộng với hơn 2,000 nhân viên sau gần 17 năm hoạt động.
PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cùng ông Đỗ Văn Khắc – CEO FPT Japan Holdings về những hành trình gian nan ghi dấu ấn trên xứ sở “mặt trời mọc”.
– Xin chào ông, trước hết xin được chúc mừng ông cùng sự phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn FPT. Theo số liệu kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của FPT vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt. Ông có thể tiết lộ những chiến lược đúng đắn nào của FPT?
Trước hết, xin được cảm ơn và giới thiệu một chút về chúng tôi, Tập đoàn FPT hiện là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và trong khu vực với 179 văn phòng tại 27 quốc gia cùng 37.180 nhân sự. Các thị trường trọng điểm của chúng tôi hiện tại bao gồm: Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Singapore…
Chúng tôi, trong năm 2021 đã đạt mức doanh thu 35.657 tỷ đồng (1,6 tỷ USD), tăng 19,5%; và lợi nhuận trước thuế 6.337 tỷ đồng (270 triệu USD). Nếu chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của chúng tôi đã đạt 30,975 tỷ đồng, tăng 24,1% và lợi nhuận trước thuế 5,665 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Mục tiêu trong năm 2022 của chúng tôi tiếp tục là sự tăng trưởng doanh thu của các mảng, lĩnh vực như dịch vụ CNTT nước ngoài, doanh thu chuyển đổi số tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics, Blockchain,…
Hiện, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn của tập đoàn bao gồm: công nghệ – viễn thông – giáo dục. Chiến lược phát triển của FPT trong tương lai sẽ là việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu Top 50 Công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi số, đầu tư cho M&A để cải thiện năng lực và nâng cao vị thế cùng với đó là việc hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu nhằm gia tăng khả năng quản trị, nâng cao năng lực, hiệu quả.
– Thưa ông, được biết FPT thành lập công ty tại Nhật Bản từ ngày 13/11/2005, vào ngày 13/11 tới là sinh nhật tròn 17 tuổi, ông có thể chia sẻ một chút về hành trình “đem chuông đi đánh xứ người” của công ty?
FPT Software là công ty IT Việt Nam đầu tiên đầu tư thành công vào thị trường Nhật Bản, và FPT Japan là công ty Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản. Năm 2021, FPT Software đã đạt mức doanh thu 632 triệu USD, trong đó mức đóng góp của FPT Japan ở vào mức 38% doanh thu của toàn FPT Software. Hiện tại, số lượng văn phòng tại Nhật Bản của chúng tôi là 13 cùng với đó là số nhân viên lên đến 2.000.
Trên thực tế, khách hàng Nhật Bản là những người khó tính nhất trên thế giới, người Nhật lại ngại giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhưng, bằng sự kiên trì nỗ lực học hỏi không ngừng, nhân viên của FPT Japan từng bước chinh phục ngôn ngữ và văn hoá Nhật Bản. Đến nay, tất cả nhân viên tại FPT Japan có trình độ tiếng Nhật N2 trở lên.
Năm 2011, khi Nhật Bản phải hứng chịu thảm hoạ kép động đất, sóng thần, rất nhiều người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đã rời khỏi, nhưng FPT Japan coi trọng tinh thần nỗ lực vượt khó, đồng hành cùng với khách hàng trong những giai đoạn khó khăn đã ngay lập tức có những hoạt động trợ giúp nhân viên và khách hàng tại Nhật Bản. Nhờ đó nhân viên của FPT tại Nhật Bản vững tin, kiên trì và nỗ lực bám trụ.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã thành lập trường Nhật Ngữ FPT tại Tokyo để tăng cường đào tạo kỹ năng tiếng Nhật cho kỹ sư IT của FPT Software vào năm 2019. Cũng trong năm đó, FPT Japan đã hợp tác cùng LTS để thành lập công ty FPT Consulting Japan.
– Nhắc đến LTS, mới đây nhất, FPT Japan đã đầu tư chiến lược vào công ty này, một công ty thuộc top 20 công ty tư vấn và dịch vụ chuyển đổi số tại Nhật Bản, xin ông cho biết điều gì đã khiến FPT Japan và LTS tìm thấy nhau?
Trên thực tế, FPT Japan Holdings và LTS đã cùng hợp tác thành lập FCJ từ tháng 7/2019. Trước đó, chúng tôi là bên chủ động đi tìm kiếm đối tác, nhằm đưa công ty trở thành nhà cung cấp dịch vụ IT hàng đầu của Nhật.
Song, để đi đến quyết định hợp tác, hai công ty đã cùng tìm hiểu và thấy LTS – FPT có rất nhiều điểm chung như nhân sự, năng lực vượt trội trong lãnh vực của mình và cùng một mục tiêu đưa công ty trở thành một nhà cung cấp dịch vụ tư vấn hàng đầu cho các tổ chức doanh nghiệp.
Kết quả là, sau 2 năm hoạt động, FCJ đã đạt doanh thu hơn 19 triệu USD, và đóng góp vào các dự án khác mang về 60 triệu USD, tương đương 1/3 doanh thu của thị trường Nhật. Kết quả kinh doanh khởi sắc này đã tạo động lực để lãnh đạo 2 công ty quyết định sẽ đi những bước tiếp theo trên con đường hợp tác chiến lược toàn diện.
– Với xấp xỉ 700 triệu USD doanh thu ký mới trong 9 tháng đầu năm, thị trường nước ngoài liệu có tiếp tục là đòn bẩy kéo tăng trưởng của FPT trong tương lai, thưa ông?
Trên thực tế, mức tăng trưởng kép hàng năm (CARG) trong khoảng thời gian từ 2022 – 2024 của thị trường chuyển đổi số trên thế giới lên tới 16% và sẽ đạt mức 2.400 tỷ USD vào năm 2024. Trong đó, có đến 70% tổ chức và doanh nghiệp toàn cầu đã đầu tư, tăng tốc chuyển đổi số. Đó là một con số tiềm năng rất lớn.
FPT hiện đang có đà tăng trưởng doanh thu tại mọi thị trường, đặc biệt tại Mỹ (42.4%) và APAC (56.4%). Trong khi thị trường Nhật cũng chứng kiến sự phục hồi tốt với mức tăng trưởng đạt 12%. Bên cạnh đó, doanh thu chuyển đổi số trong 9 tháng 2022 đạt 5,294 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, chúng tôi đã ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, trong đó có 18 dự án với quy mô trên 5 triệu USD, doanh thu mới đạt 16,799 tỷ đồng (tăng trưởng 42.6%), hướng tới cột mốc tỷ USD vào cuối năm nay. Chính vì vậy, thị trường nước ngoài vẫn sẽ là đòn bẩy, kéo sự tăng trưởng của FPT trong tương lai.
– Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước gần đây “lãi cũng lớn nhưng lỗ cũng nhiều”, là một doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, ông có thể chia sẻ những khó khăn và thách thức khi “đánh bắt xa bờ”?
Khó khăn thách thức nhất của chúng tôi là rào cản về ngôn ngữ. Về cơ bản, người Nhật ngại giao tiếp bằng tiếng Anh, do đó công ty bắt buộc phải chuẩn bị nhân sự biết tiếng Nhật. Điều đó đã biến tất cả nhân viên của FPT Japan có trình độ tiếng Nhật từ N2 trở lên (Cao nhất là N1).
Bên cạnh đó, những thách thức về kiến thức nghiệp vụ cũng là những rào cản của chúng tôi trong việc thâm nhập và phát triển tại Nhật. Có một thực tế, các kỹ sư trẻ Việt Nam, tiếp thu nhanh, có nền tảng kỹ thuật tốt, nhưng thiếu kiến thức nghiệp vụ, nên khó trong việc cung cấp các dịch vụ End 2 End (chuỗi cung ứng đầu-cuối).
Ngoài ra, việc người Nhật khá bảo thủ, họ thường ưu tiên các đối tác truyền thống cũng là một trong những thách thức lớn cho chúng tôi. Việc xây dựng lòng tin của khách hàng mới là một điều rất khó, trong khi đây mới là một yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững.