Mạng xã hội dần thay thế thói quen sinh hoạt của con người, thậm chí, thay đổi cách nhìn – ứng xử của con người với xã hội.
Nhìn lại vụ dẫm đạp dẫn đến cái chết của gần 160 con người tại Seoul (Hàn Quốc) đêm 29/10 mới thấy thật sự kinh hoàng. Nhưng kinh hoàng hơn là ngay ở hiện trường, bên cạnh những xác chết không hồn, hàng trăm thanh niên khác vẫn tiếp tục nhún nhảy theo điệu nhạc, trong ánh sáng quay cuồng của đèn lase và đèn xe cấp cứu.
Có người nói rằng, rất khó để diễn tả cảm giác này, và cũng thực sự khó hiểu về điều này. Đây không phải là sự lạnh lùng, vô cảm thuần tuý. Nó xuất phát, âm ỉ và bùng phát từ chính những thói quen sinh hoạt, cách nhìn – ứng xử với cuộc sống của thế hệ trẻ ngày nay kể từ khi có cái… smartphone ra đời.
Chắc hẳn nhiều người chưa quên vụ án mạng mới đây ở Hải Phòng. Khi đến thăm nhà con trai vào chiều 24/10, bà T.H. bàng hoàng phát hiện thi thể một người phụ nữ chết trên giường ở phòng ngủ tầng hai, có thương tích vùng đầu và máu chảy nhiều ra khu vực gần thi thể.
Nạn nhân là một cô gái trẻ, 29 tuổi, chết trong tư thế nằm úp trên giường, có nhiều vết máu xung quanh. Cơ quan chức năng bước đầu nhận định là do bị người tình (con trai bà T.H) bắn chết.
Nhưng, nhấn mạnh rằng, khi sự việc mới xảy ra và được phát hiện, có một clip đã được đưa lên mạng xã hội ghi lại toàn bộ hình ảnh này. Đặc biệt, trong clip ấy có tiếng kêu “ôi con ơi” của một người. Người quay clip và đưa lên mạng là người quen của nạn nhân, nhưng hình ảnh không rung, không hề có dấu hiệu mất bình tĩnh, thậm chí rất sắc nét. Từ đó cho thấy, người đó đang nhìn hiện trường vụ án mạng chỉ là thuần tuý qua chiếc điện thoại, chứ không có cảm giác như đang nhìn trực tiếp.
Tháng trước, có một vụ án khác ở Hải Dương, một thanh niên đã đâm chết bạn gái và tự đâm mình tại một cửa hiệu mặt đường. Khi anh ta nằm ôm cái xác của bạn gái và cầm con dao tự đâm mình trong vũng máu, rất nhiều người đứng ngoài cửa vừa quay clip vừa bàn tán, lạnh lùng bình tĩnh như đang xem một đoạn phim trên mạng xã hội.
Hoặc ở Bắc Ninh gần đây, 2 tiếng trước khi chém chết người yêu cũ, một thanh niên đã đăng status kể chi tiết nguồn cơn và ý định thực hiện vụ sát nhân. Rất nhiều người đã để lại bình luận, khuyên nhủ, hỏi han. Nhưng không có ai nhìn nhận đây là một dấu hiệu cần ngăn chặn, cần báo công an. Và, vụ án đã xảy ra đúng như những gì kẻ sát nhân đã báo trước.
Nhìn lại, người viết bài này chợt nhận ra điểm chung là những cái điện thoại. Nó được sử dụng ở hầu hết những sự việc nêu trên, như một công cụ giúp con người có “cái gì đó” để… đăng lên mạng.
Nếu như chúng ta đã quen nhìn các vụ án mạng, các thảm kịch qua các đoạn video clip, đánh giá, bàn luận qua những hình ảnh đó hàng ngày. Chúng ta sẽ quen với việc nhìn cái chết của đồng loại bằng tâm thế “thưởng thức thông tin”.
Những sự việc man rợ, thảm thương đối với chúng ta dần dần, từng bước một, sẽ chỉ còn là những câu chuyện, những hình ảnh được chia sẻ. Cảm giác của chúng ta dần sẽ bị lẫn lộn giữa thực và ảo, và có xu hướng tin những gì nhìn thấy trên màn hình là thật, hơn là những thứ đang chứng kiến tận mắt.
Những người trực tiếp chứng kiến và quay clip các vụ án mạng thậm chí còn bình tĩnh và không cảm thấy sợ hãi bằng những người xem clip đó trên mạng.
Như Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa đã nói, trong những vụ án xảy ra thời gian gần đây, dù chứng kiến hành vi bạo lực, giết người dã man, song nhiều người vẫn thờ ơ, quay clip, chụp ảnh đăng tải lên mạng xã hội là hết sức vô cảm. Hành động này cũng xuất phát từ chính tâm lý “vô can, né tránh” hoặc sợ hãi của con người. Giá như có sự can thiệp sớm hơn, có lẽ vụ việc đã không thương tâm đến vậy và cũng giảm được sự kích động về mặt tinh thần của đối tượng, hoặc ít ra nạn nhân sẽ không cảm thấy mình quá cô đơn đến tuyệt vọng khi trong hoàn cảnh nguy hiểm và không nhận được sự can thiệp, giúp đỡ của bất kỳ ai.
Có khi nào phản ứng cảm xúc của chúng ta đã bị tê liệt với thực tế đang diễn ra, để rồi chỉ nhìn thế giới thực tại qua “lăng kính” điện thoại?