Đi tìm những tên phố, tên công viên bị lãng quên

Có những tên phố, công viên được chính quyền thành phố đặt ra theo qui định của pháp luật, nhưng sau những biến đổi của thời gian, vì nhiều lý do, đã không còn được nhắc tới nữa. Bên cạnh đó lại có những tên phố đã bị Hội đồng nhân dân thành phố ra quyết định xóa bỏ nhưng hiện nay vẫn được treo biển…

Đi tìm những tên phố, tên công viên bị lãng quên
Toàn văn Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 22/1/1981 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng

Cách đây hơn 43 năm, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Đoàn Duy Thành đã ký Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 22/1/1981 “Về việc đặt tên mới và sửa đổi tên cũ không phù hợp của một số vườn hoa, đường phố và việc chia cắt xã Chấn Hưng (Tiên Lãng)”. Nghị quyết này hiện nay vẫn được đăng tải toàn văn, trong đó có nội dung:

“b) Về đường phố:

– Đường từ chùa Vẽ đến đảo Đình Vũ, mới xây dựng, chưa có tên, nay đặt tên là đường Trần Hưng Đạo, phố Trần Hưng Đạo hiện nay (từ Nhà hát thành phố đến cảng) nối liền với phố Quang Trung nay gọi là phố Quang Trung.

– Đoạn đường (cả 2 bên) trạm bán xăng chưa có tên, nối liền với phố Lê Đại Hành nên thuộc đường phố Lê Đại Hành.

– Phố Thất Khên (?), nay xóa bỏ vì đường phố đó nay đã thành đường nội bộ của cảng.”

Nhưng đáng tiếc, cuốn Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng do Hội đồng Lịch sử thành phố Hải Phòng phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội biên soạn (NXB Hải Phòng, 1998), lại không cập nhật văn bản quan trọng này, do vậy vẫn đưa những thông tin cũ về đường phố, đơn vị hành chính của thành phố, đơn cử như những dòng giới thiệu về phố Lê Đại Hành: “Phố, thuộc quận Hồng Bàng, dài 730m, rộng 6m, từ điểm tiếp giáp phố Trần Hưng Đạo đến đầu phố Nguyễn Tri Phương. Thuộc địa bàn xã Gia Viên cũ. Phố hình thành cùng với đại lộ Pôn Be (Boulervard Paul Bert), phố Hăngri Rivie (Rue Henri Rivère), đại lộ Đô đốc Cuôcbê (Boulevard Amiral Courbert)… mà “Tiểu chí thành phố Hải Phòng” xuất bản ở Pari năm 1891) đã nhắc đến. Lúc mới mở, gọi là phố Acmăng (Rue Harmand). Sau 1945, đổi gọi đại lộ Phan Chu Trinh. Từ năm 1954, mang tên phố Lê Đại Hành.”

          Thông tin này có mấy điểm không chuẩn xác như sau:

– Thứ nhất, theo Nghị quyết trên, phố Lê Đại Hành từ năm 1981 đã nhập thêm đoạn đường (cả 2 bên) của trạm bán xăng dầu trung tâm vào, kéo dài tới tận phố Nguyễn Đức Cảnh chứ không chỉ kết thúc ở phố Trần Hưng Đạo cũ.

– Thứ hai: phố Trần Hưng Đạo cũ (từ Nhà hát thành phố đến cảng) do nối liền với phố Quang Trung nên từ năm 1981 đã đổi gọi là phố Quang Trung.

Còn thông tin: “Phố Thất Khên (?), nay xóa bỏ vì đường phố đó nay đã thành đường nội bộ của cảng.”, ở đây văn bản chắc là bị đánh máy chữ sai, vì khu vực gần cảng Hải Phòng chỉ có phố Thất Khê được chính quyền thành phố đặt từ năm 1955 theo tên một địa danh ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, nơi quân xâm lược Pháp phải thua chạy trước thế tấn công của quân đội ta trong chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950. Theo Nghị quyết nói trên, tên phố này bị xóa bỏ từ năm 1981, nhưng Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng đã không cập nhật, còn trên thực địa, hiện nay đi qua khu vực này mọi người vẫn thấy biển tên phố Thất Khê tồn tại.

Đi tìm những tên phố, tên công viên bị lãng quên
Trụ sở BHXH thành phố nằm trên con phố Thất Khê – một tên phố đã bị xóa bỏ theo Nghị quyết số 21 của HĐND thành phố từ năm 1981

 a) Về vườn hoa:

– Vườn hoa trước cửa nhà Triển lãm thành phố, đã có tên là vườn hoa An Biên. Nay đổi tên là vườn hoa Nguyễn Bỉnh Khiêm.

– Vườn hoa trước nhà Thông tin thành phố chưa có tên, nay đặt tên là vườn hoa Lê Quý Đôn.

– Vườn hoa trước của trụ sở Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh chưa có tên, nay đặt là vườn hoa Đoàn Thị Điểm.

– Vườn hoa cạnh đường Lạch Tray hiện nay, chưa có tên, nay đặt tên là vườn hoa An Biên.”

Riêng về tên vườn hoa thì Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng đã cập nhật Nghị quyết này nên ghi: “Vườn hoa Lê Quý Đôn ở sau Quán Hoa, giáp đường Hoàng Văn Thụ” (trang 257), nhưng lại có chút nhầm lẫn khi chép: “Công viên An Biên trên địa bàn phường An Biên, nằm cạnh phố Trần Quốc Toản (Lạch Tray). Phía sau là hồ An Biên (…). Năm 1995, vào dịp Quốc khánh, đã khánh thành Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.” (trang 14). Thực ra công viên này nằm ở phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, ngày nay nhiều phương tiện truyền thông khi đưa tin các đoàn lãnh đạo đến dâng hương ở đây không thấy nhắc đến công viên An Biên nữa mà chỉ nhắc về Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ thành phố trong công viên này.

Còn các vườn hoa nhỏ ở dải vườn hoa trung tâm thành phố như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm, v.v tuy vẫn hiện hữu nhưng ngày nay không thấy được gắn biển tên, do đó không mấy ai biết tên của nó nữa.

Đi tìm những tên phố, tên công viên bị lãng quên
Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 22/1/1981 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng vẫn đang còn hiệu lực

Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 22 tháng 01 năm 1981 được đăng tải trên trang Cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật và suốt 43 năm qua vẫn còn hiệu lực, vậy đề nghị chính quyền thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, thực hiện cho đúng: Khôi phục đúng tên đường phố tự dưng biến mất, gỡ bỏ tên đường phố đã bị HĐND thành phố xóa tên như Thất Khê, Phù Đổng, Lý Nam Đế… nhưng nay vẫn được treo biển (riêng phố Lý Nam Đế hiện nay treo biển “Ngõ Lý Nam Đế”, trong khi Nghị quyết đã xóa tên này, đồng thời hạ phố xuống thành ngõ và qui định gọi theo số nhà đầu ngõ). Còn về dải vườn hoa xuyên qua lòng thành phố gồm nhiều vườn hoa nhỏ hợp lại như: Tố Hữu, Kim Đồng, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm, Tam Bạc, theo ý kiến chúng tôi không nên chia nhỏ thành nhiều vườn hoa như vậy, nên ghép lại và lấy chung một tên là “Dải vườn hoa trung tâm thành phố”, còn những tên này để dành đặt cho các đường phố, công trình công cộng khác. 

Tên mới biến thành tên cũ và ngược lại

Theo Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng: “Trần Quốc Toản (còn gọi phố Lạch Tray): phố thuộc quận Ngô Quyền, dài 2.820m, từ ngã tư Thành Đội đến cầu Rào, có ý nghĩa lớn về giao thông và quân sự ở thành phố. Nối với đường 14 đến bán đảo Đồ Sơn, qua sân bay Cát Bi. Phố thuộc đất các xã cũ An Biên, Nam Pháp, Phụng Pháp, Hành Kênh, An Khê. Thời Pháp thuộc, nội thành lấy giới hạn ở ngã tư quán Bà Mau nên đường Lạch Tray (Route de Lach Tray) cũng chỉ đến ngã tư nói trên. Năm 1946, đoạn ngã tư Thành Đội đến quán Bà Mau đổi là phố Trưng Trắc. Năm 1954, đường Lạch Tray đổi là phố Trần Quốc Toản, không tính đoạn quán Bà Mau đến cầu Rào. Sau năm 1955, vẫn giữ tên cũ là Trần Quốc Toản (dân quen gọi là Lạch Tray).”

Tìm hiểu các giấy tờ giao dịch của Nhân dân sinh sống ở khu vực này mấy chục năm về trước thấy rằng, người dân vẫn ghi địa chỉ nhà đất của họ theo đường Trần Quốc Toản và chú thích thêm “Lạch Tray cũ” ở bên cạnh. Nhưng hiện nay tên Lạch Tray được gọi từ thời Pháp thuộc lại hiện hữu trên biển tên phố, đẩy tên gọi Trần Quốc Toản vào dĩ vãng.

Tuy nhiên, tên Trần Quốc Toản mới là tên phố chính thức, bảo đảm tính pháp lý và có ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Còn phố Lạch Tray là tên tự phát, không rõ nghĩa, có thể là phát âm sai từ “lạch trai” – con lạch có nhiều trai, hến ở khu vực này ngày xưa.

Đi tìm những tên phố, tên công viên bị lãng quên
Trần Quốc Toản mới là tên gọi chính xác của phố Lạch Tray hiện nay (Lạch Tray là tên gọi cũ từ năm 1954 trở về trước)

Đâu rồi phố Hàm Nghi?

Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng giới thiệu về phố Cát Cụt là phố thuộc quận Lê Chân, dài 495m, xuất phát từ điểm tiếp giáp phố Tô Hiệu kéo dài đến phố Nguyễn Đức Cảnh thì kết thúc và: “Theo bản đồ làng An Biên năm 1872, có một con đường nhỏ đắp đất phủ cát chạy từ ven làng đến thẳng lạch (ngòi) Liêm Khê thì chấm dứt (cụt). Tên Cát Cụt có từ đó và tồn tại đến ngày nay (…) Năm 1954 mang tên phố Hàm Nghi”.

Như vậy chính quyền thành phố đã đặt tên phố này là Hàm Nghi – một vị vua yêu nước của nhà Nguyễn, nhưng lâu nay nó lại được gắn biển là Cát Cụt theo tên dân dã.

Đi tìm những tên phố, tên công viên bị lãng quên
Một quán ăn ở phố Hàm Nghi, nay con phố này vẫn được treo biển tên Cát Cụt là một tên gọi tự phát

Cùng thuộc khu Đường Cát ngày xưa, ngoài con đường Cát Cụt còn có con đường mà Nhân dân gọi là Cát Dài (đường trục chính của xã An Biên cũ). Vào cuối thế kỷ XIX, chính quyền thực dân Pháp xây dựng đường Cát Dài thành đường Ô – đăng – đan (Avenue O’ d’Endhal). Sau năm 1945, nước ta giành được độc lập, đổi gọi là phố Hoàng Văn Thụ, đến năm 1954, đổi tiếp là đại lộ Hai Bà Trưng còn xưa nay Nhân dân vẫn quen gọi là Cát Dài.

Hai con phố này có điểm chung là cùng được chính quyền cách mạng lấy tên danh nhân đặt cho từ năm 1954 nhưng Phố Hai Bà Trưng cho đến ngày nay vẫn được gắn biển đúng, còn phố Hàm Nghi bị treo biển Cát Cụt theo tên tự phát, tên không chính thức, do vậy không đảm bảo tính pháp lý.

Những tên phố không còn theo thời gian

Theo sự thay đổi của đô thị Hải Phòng, tên một số tuyến phố gắn với danh nhân đã bị biến mất do phố được quy hoạch lại, đặt tên mới hoặc phố cũ đã trở thành đường nội bộ hoặc khuôn viên của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như phố Tô Hiến Thành là “tên cũ phố Chi Lăng, Lê Lai hiện nay”, phố Tăng Bạt Hổ nay không còn vì “nằm trong khu vực trụ sở UBND thành phố”, Ngõ 81 phố Đà Nẵng, còn gọi ngõ Lạc Xuân Đài, “năm 1954, gọi là phố Từ Đạo Hạnh”, còn đường Lạc Long Quân xưa “nay là đoạn phố Đà Nẵng từ Ngã Năm đến Cầu Tre” v.v.. (Theo Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng ). Trong bối cảnh không gian đô thị ngày càng mở rộng, quỹ tên đường phố, công trình công cộng thành phố ngày càng hạn hẹp, chúng tôi đề nghị chính quyền thành phố nên tái sử dụng những tên danh nhân như Lạc Long Quân, Lý Nam Đế, Tô Hiến Thành, Từ Đạo Hạnh, Tăng Bạt Hổ v.v.. hay những tên phố là địa danh văn hóa, lịch sử đã bị xóa bỏ như Thất Khê, Phù Đổng, để đặt cho các đường, phố, công trình công cộng mới khác của thành phố đang mọc lên từng ngày.

Đi tìm những tên phố, tên công viên bị lãng quên
Cổng vào vườn hoa Kim Đồng hiện nay không thấy biển tên

Nguồn: ANHP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục