6 tháng đầu năm dệt may “thắng lớn” với đơn hàng dồi dào nhưng tình thế xấu đi nhanh chóng ở nửa cuối năm, đánh bay lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.
“Một năm bất thường chưa từng có. 25 năm trong ngành, chưa bao giờ tôi thấy chỉ trong một tháng mọi tín hiệu thị trường ‘xoay chiều’, khác biệt đến thế”, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường nói, khi nhận xét về năm 2022.
Nửa đầu năm, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may dồi dào, giá tăng sau thời gian dài các thị trường xuất khẩu chủ lực bị ảnh hưởng bởi dịch.
Xuất khẩu dệt may đạt 22,3 tỷ USD, tăng gần 18% và xuất siêu gần 8,9 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2021. Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may, tăng trưởng xuất khẩu tới 20% trong 9 tháng.
Sau gần 2 năm giãn cách xã hội, người tiêu dùng nhiều quốc gia xuất hiện tâm lý “quá mua”, tức mua nhiều hơn thông thường. Phía các nhà phân phối do lo sợ tình trạng giao hàng chậm vì tắc nghẽn chuỗi cung ứng khi thời điểm diễn ra dịch bệnh đã tăng đặt hàng, số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu đang tăng rất cao của các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Nhưng tình trạng “quá mua” không kéo dài lâu sau những bất ổn địa chính trị, xung đột Nga – Ukraine khiến kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào lạm phát. Người dân các nước, nhất là tại các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, châu Âu… siết chặt hầu bao với các sản phẩm không thiết yếu như dệt may.
Cuối tháng 6, nhiều nhãn hiệu thời trang có lượng hàng tồn tăng tới 50%, thậm chí cao hơn thời điểm dịch bệnh diễn ra. Từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu và tháng 9 dệt may đổi chiều đi xuống. Những tháng đầu quý IV, thị trường sợi gần như không có thanh khoản, đơn hàng may giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các doanh nghiệp liên tục được công bố, đặc biệt là các đơn vị sợi.
Khó khăn bủa vây, nhiều ông lãnh đạo doanh nghiệp dệt may bất ngờ do thị trường lao dốc quá nhanh theo chiều thẳng đứng. “Sắc thái của ngành dệt may 6 tháng đầu năm và cuối năm hoàn toàn trái ngược”, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Vinatex nhận xét.
Công nhân làm việc trong nhà máy may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: An Phương
- .https://kinhtehaiphong.vn/man-nhan-voi-cay-canh-tet-hang-khung-gia-tu-chuc-trieu-toi-vai-ty-dong/
- .https://kinhtehaiphong.vn/tet-ban-gi-kiem-tien-loi-nhat-25-mat-hang-ban-chay-hot-bac-dip-tet-2022/
Quý IV thường là cao điểm sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, nhưng năm nay thị trường lao dốc, đơn hàng giảm sâu, buộc các doanh nghiệp chấp nhận làm những mặt hàng trước nay chưa từng làm, nỗ lực tìm kiếm đơn hàng.
Giám đốc một doanh nghiệp may với 1.200 lao động tại huyện Bình Chánh, TP HCM chia sẻ, nửa đầu năm doanh nghiệp dồi dào đơn hàng, liên tục phải tăng ca để kịp giao hàng, tới cuối năm tình thế đột ngột thay đổi.
“Chúng tôi buộc phải giảm lao động thời vụ, công nhân nghỉ luân phiên và dừng một số dây chuyền vì không có đơn hàng”, ông bộc bạch.
Thị trường xoay chiều, ảm đạm, đơn hàng ít và giá hạ sâu tạo ra lượng hàng tồn kho lớn. Các nhà mua (buyer) thay vì đặt đơn hàng số lượng lớn hàng nghìn sản phẩm, họ chỉ đặt theo sức mua của người tiêu dùng, lượng hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh để toàn chuỗi không bị tăng tồn kho.
Để có việc cho công nhân, tránh sa thải hàng loạt, các doanh nghiệp dệt may vì thế cũng phải thích ứng, nhận các đơn hàng nhỏ, giảm giá đơn hàng và cơ cấu lại sản xuất từ hàng dệt kim sang dệt thoi và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Sản xuất chững lại 3 tháng cuối năm nhưng nhờ mức tăng trưởng cao trong 3 quý trước đó, ngành dệt may vẫn cán đích xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD, tăng 10% so với 2021. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nói đây là “nỗ lực tuyệt vời” trong bối cảnh thị trường đảo chiều. Mỹ vẫn là nước nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, với hơn 18 tỷ USD. Kế đến là Hàn Quốc 4,2 tỷ USD, Nhật Bản và Trung Quốc gần 4 tỷ USD…
Tình thế thị trường thay đổi đột ngột nhưng vẫn có những doanh nghiệp ghi nhận mức lãi nghìn tỷ. Năm nay Vinatex cán đích với lợi nhuận hợp nhất 1.090 tỷ đồng. Nhờ kết quả kinh doanh tốt, tập đoàn này vẫn duy trì thưởng Tết 1,5-2 tháng, cá biệt có đơn vị làm ăn tốt thưởng 3 tháng lương Tết Nguyên đán 2023.
Dù vậy, vẫn còn những mối lo khi ngành dệt may chịu nhiều áp lực lớn. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, đơn hàng từ cuối năm nay tới quý I/2023 giảm 25-27% do sức mua của toàn cầu giảm. Doanh nghiệp làm hàng gia công chịu áp lực lớn hơn đơn vị làm FOB (tự chủ nguyên liệu) do không chủ động được thị trường, đầu vào nguyên nhiên liệu…
Nhiều doanh nghiệp hiện chỉ nhận được đơn hàng bằng 70-80% năng lực sản xuất. “Cầu về sản phẩm may mặc năm sau vẫn yếu, ít nhất quý đầu năm 2023 chưa khả quan”, ông Lê Tiến Trường nhận xét.
Ứng phó với tình huống khó khăn, theo ông, không có đơn thuốc chung với tất cả, mà phụ thuộc vào sự thích ứng linh hoạt, chủ động của từng doanh nghiệp.
Hiện, các nhà mua hàng không đặt đơn hàng dài hạn, hàng chục nghìn sản phẩm như trước, họ chỉ đặt các đơn hàng ngắn, vài trăm sản phẩm. Vì thế, ông Vũ Đức Giang cho rằng, các doanh nghiệp có thể chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng giá trị thấp hơn. Nhìn nhận bài học trong năm 2022, theo ông Giang, doanh nghiệp nào đa dạng hóa thị trường, mặt hàng… thì vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng.
Để có việc làm cho hơn 5.000 lao động, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty Dệt may Thành Công cho biết, công ty chấp nhận những đơn hàng giá gia công thấp, thậm chí lỗ để duy trì khách hàng. Tuy vậy, doanh nghiệp dự báo kế hoạch quý I năm sau vẫn giảm 7%.
Hay với May 10, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May chia sẻ, để sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi, doanh nghiệp này cũng triển khai nhiều giải pháp để giữ chân 12.000 lao động tại 18 nhà máy. “Doanh nghiệp ‘chuyển mình’ khi chấp nhận đơn hàng thời trang đòi hỏi chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn, thời gian giao hàng ngắn hơn…”, ông chia sẻ.
Với Vinatex, Chủ tịch Lê Tiến Trường cho hay, nhu cầu dệt may trên thế giới giảm nhưng mức độ không đều, khi có hiện tượng đơn vị đã thiếu thì thiếu kiệt quệ, đơn vị có đơn hàng thì vẫn kín cả năm.
“Nhu cầu có thể quay lại nhanh hoặc chậm, nhưng đã quay lại thì phải làm sao để mình có thể là người quay lại đầu tiên, để sóng phục hồi đến với mình trước tiên”, ông Trường nói.
Vì thế, tập đoàn này chọn chiến lược hy sinh lợi ích ngắn hạn để tạo ổn định cao hơn trong dài hạn; củng cố chuỗi cung ứng khép kín nội bộ từ sợi – dệt nhuộm- may mặc hoàn chỉnh và tìm cách giữ vị trí của mình trong chuỗi sản xuất bằng cách nhận làm cả một số đơn hàng thấp. Bởi, “nếu không nhận, các nhà mua hàng sẽ thuê đơn vị khác, và sau này muốn hợp tác lại cũng không dễ”.
“Xu thế hiện nay là khách hàng muốn tiếp xúc với những đối tác có thể làm từ đầu đến cuối, cắt đi khâu trung gian. Doanh nghiệp dệt may xây dựng được chuỗi cung ứng nội bộ khép kín, tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu thì mức độ bấp bênh, sụt giảm trước những biến động của thị trường sẽ thấp hơn”, ông Trường giải thích.
Năm 2023, ngành này đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD.
“Trong bối cảnh bất định và khó dự báo dài hạn, không ai dám nói năm tới sẽ thế nào. Việc xác định rõ những khó khăn trước mắt sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn, không còn hoang mang và sẵn sàng ứng phó với điều kiện kinh doanh không tích cực”, Chủ tịch Vinatex chốt lại.
Nguồn: vnexpress