Để Nhà hát thành phố Hải Phòng luôn sáng đèn

Thời gian qua, Nhà hát TP Hải Phòng luôn “sáng đèn” mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Các tác phẩm nghệ thuật được công diễn không chỉ thổi luồng sinh khí mới vào sân khấu đương đại mà còn góp phần mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng.

anhbaitren(4).jpg
Vở diễn “Hào kiệt với giang sơn” đón nhận tình cảm tốt đẹp từ phía khán giả. Ảnh: P.T.

Tối 24/2, vở cải lương “Hào kiệt với giang sơn” đã được biểu diễn tại Nhà hát TP Hải Phòng để phục vụ nhân dân. Nhà hát chật cứng chỗ ngồi. Nhiều khán giả chấp nhận đứng cả buổi tối để được thưởng thức trọn vẹn vở cải lương.

Tác phẩm trên được biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 699 năm ngày mất của danh tướng Vũ Chí Thắng. Ông là một vị tướng văn võ song toàn thời nhà Trần, sinh ra tại xã Hàng Kênh, tổng Đông Khê, huyện An Hải, xứ Đông (nay là phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng). Đánh giá chung của công chúng cho thấy, vở diễn đã truyền tải hết sức sáng tạo, mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho người xem dịp đầu xuân mới. Để có được những giây phút quý giá trên sân khấu đó, toàn bộ ê-kíp thực hiện vở cải lương đã nỗ lực trong hơn 1 tháng để diễn cho ra cái “chất” hào kiệt của danh tướng người Hải Phòng.

Không chỉ dàn dựng thành công những đề tài về lịch sử, nhiều tác phẩm kinh điển, nổi tiếng thế giới cũng đang được ngành văn hoá Hải Phòng nỗ lực khởi dựng. Và “Macbeth” của đại thi hào William Shakespeare sẽ sớm xuất hiện trên sân khấu kịch Hải Phòng vào tháng 3 tới. Với vở diễn trên, Đoàn Kịch nói Hải Phòng và các đoàn nghệ thuật trong nước đang nỗ lực để tạo nên cái mới, cái riêng cho sân khấu kịch.

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Bùi Như Lai – đạo diễn vở kịch cho biết: “Năm 2002, “Macbeth” được Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) công diễn lần đầu tiên dưới sự dàn dựng của NSND Lê Hùng. Khi ấy, tôi được phân vai diễn Hoàng thái tử Manco. Thật là hữu duyên, sau 22 năm, tôi được lựa chọn làm đạo diễn cho vở “Macbeth” trên sân khấu truyền hình Hải Phòng. Tác phẩm của Shakespeare đã được dịch sang tiếng Việt cách đây 60 – 70 năm. Ngôn ngữ thời xưa so với hiện tại khác nhau rất nhiều. Do đó, cùng là ý tứ, lời thoại đó nhưng chúng tôi cần phải chuyển ngữ để khán giả đương đại có thể hiểu và tiếp cận dễ dàng. Không chỉ vậy, ê-kíp cũng nỗ lực để đưa những nét đặc trưng trong kiến trúc, trang phục và đạo cụ đúng phong cách thời kỳ Phục Hưng vào vở diễn”.

“Hào kiệt với giang sơn” và “Macbeth” là 2 trong số hàng loạt tác phẩm đặc sắc mà Hải Phòng đã và sẽ tổ chức công diễn vào dịp cuối tuần tại Nhà hát thành phố, bắt đầu từ tháng 7/2023. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố”, thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận của ngành văn hoá khi đưa Hải Phòng trở thành một điểm sáng của cả nước về hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao TP Hải Phòng, với sự đầu tư bài bản, công phu, nhiều vở diễn đã để lại tiếng vang lớn như: Vở kịch nói “Romeo và Juliet” do NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn; Vở chèo “Mưa đỏ” do NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn; Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” do NSƯT Trần Ly Ly, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn là Tổng đạo diễn…

Điểm chung của các tác phẩm trên là đều được biểu diễn tại Nhà hát TP Hải Phòng, một di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc sắc, hấp dẫn bởi giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Nơi vốn chứng kiến những dấu ấn, mốc son của lịch sử của thành phố Cảng nay đã thực sự trở thành một “điểm hẹn văn hoá, du lịch” cho nhân dân, du khách.

Không chỉ phát huy những giá trị vốn có của công trình nghệ thuật Nhà hát lớn, kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố” còn kết nối, sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa có ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của khán giả, góp phần mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng.

Nói về sự lan toả có chiều sâu của kế hoạch, NSND Trịnh Thuý Mùi nhận định: “Ngành văn hoá Hải Phòng đang là điểm sáng của cả nước về hoạt động văn hoá, nghệ thuật vì quan tâm thiết thực đến đời sống người dân. Thông qua nghệ thuật, người dân nhận thức tốt hơn, nâng cao tầm hiểu biết và chất lượng sống. Điều này có lẽ chỉ duy nhất Hải Phòng làm được”.

Cùng chung quan điểm trên, NSƯT Bùi Như Lai nhấn mạnh: “Với kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố”, sân khấu Hải Phòng đang quay trở lại thời kỳ hoàng kim những năm 1980 – 1990 của thế kỷ trước. Ngoài việc nhân dân được thưởng thức nghệ thuật, các nghệ sĩ Hải Phòng cũng hưởng lợi do được tiếp cận với nhiều phong cách đạo diễn khác nhau, học hỏi từ nhiều tư duy nghệ thuật khác nhau”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Trần Thị Hoàng Mai – Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao TP Hải Phòng cho rằng, trước đây, ánh sáng đèn sân khấu có sức hút khá lớn với công chúng. Tuy nhiên, ngày nay, cùng với sự lên ngôi của mạng xã hội, thị hiếu của giới trẻ đã thay đổi. Cái khó nhất của những người làm văn hoá khi triển khai kế hoạch này là làm sao đưa được “rượu mới” vào “bình cũ”, tức là tạo nên sinh khí đương đại trên sân khấu nghệ thuật truyền thống.

Ngoài ra, một khó khăn không thể không nhắc đến là kinh phí để thực hiện kế hoạch. Trong bối cảnh chung các sân khấu đang mất dần khán giả như hiện nay, với nguồn bán vé ít ỏi, nguồn ngân sách chưa thực sự dồi dào, việc xã hội hoá để bổ sung kinh phí duy trì “sáng đèn” Nhà hát thành phố thực sự không đơn giản.

Dự kiến năm 2024, Sở Văn hóa – Thể thao TP Hải Phòng sẽ tiếp tục cho công diễn nhiều vở diễn mới như: Vở chèo “Xuân Hương nữ sĩ”, vở rối “Dế mèn phiêu lưu ký”, đêm nhạc “Ngô Thụy Miên – Người viết tình ca”, vở nhạc kịch “Bỉ vỏ”…

Nguồn: daidoanket.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục