Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, trường THPT Quang Trung – một trường ở huyện ngoại thành Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng có tới 44/50 học sinh trong một lớp đạt 9 điểm môn Văn trở lên.
Người truyền cảm hứng và trao cho các em những phương pháp học văn đầy sáng tạo, để các em có thể lĩnh hội được ý nghĩa, giá trị nhân văn của bộ môn Văn học là cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu, tổ trưởng tổ Văn- Sử- Địa của trường.
Giờ ngoại khóa môn Ngữ văn của học sinh trường THPT Quang Trung (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) luôn được học sinh đón chờ. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu, các em học sinh hứng thú với hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học, thậm chí hóa thân thành các nhân vật hay thành chính tác giả để nói về tác phẩm.
Rất nhiều hình thức dạy học sáng tạo đã được cô Hoài Thu vận dụng trong các giờ dạy văn của mình, như: “Phương pháp đóng vai”, “Hỏi chuyên gia”, phương pháp “Dạy học theo dự án”…Trong các tiết dạy, cô Thu thường hướng dẫn các em kỹ thuật “Lược đồ tư duy” để ghi nhớ, nắm chắc các luận điểm, luận cứ của bài; từ đó, với kỹ thuật “Viết tích cực”, các em được khuyến khích bày tỏ quan điểm, cảm nhận, đồng thời rèn luyện ngôn từ của bản thân.
- .https://kinhtehaiphong.vn/lanh-dao-quan-ngo-quyen-tham-tang-qua-cac-nha-giao-nhan-ky-niem-40-nam-ngay-nha-giao-viet-nam/
- .https://kinhtehaiphong.vn/mot-truong-thpt-o-hai-phong-dua-boi-loi-tro-thanh-mon-hoc-chinh-thuc/
“Mỗi buổi tối trước khi lên lớp bao giờ tôi phải tìm ra là với bài dạy này, tôi phải làm thế nào để có thể giúp học sinh phát triển được năng lực, bằng cách sử dụng phương pháp dạy học nào và sử dụng kỹ thuật dạy học nào. Nhiều khi cũng biết rằng nếu đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy học, học sinh và thầy cô cũng rất vất vả nhưng làm như thế được, học sinh rất hào hứng, không phải đi vào lối mòn là cô cứ đọc, cô cứ giảng và cho học sinh cứ viết và chép, mà đây là dịp học sinh được làm việc”, cô Thu chia sẻ.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu luôn trăn trở để đổi mới phương pháp giáo dục, làm mới mình mỗi ngày và làm mới quan điểm học văn của học sinh. Những phương pháp, kỹ thuật dạy văn sáng tạo đều được cô tìm tòi và đúc rút từ quá trình tự nghiên cứu. Để có phương pháp “Sơ đồ tư duy” truyền đạt cho học sinh, cô Thu đã từng “khăn gói quả mướp” từ Hải Phòng lên Hà Nội để theo học một khóa học về vẽ sơ đồ tư duy và sáng tạo phù hợp với môn dạy và học trò của mình.
Những tiết dạy của cô Thu đã vượt qua những bài giảng đơn thuần, dạy cho các em cách tư duy và bồi đắp tâm hồn, cảm xúc. Đứng trước một tác phẩm văn học, cô luôn đặt ra câu hỏi: “Thông qua tác phẩm, nhà văn muốn chuyển tải thông điệp gì?”. Gọi tên được những thông điệp trong mỗi tác phẩm giúp các em học sinh nhận thức rõ hơn về giá trị, ý nghĩa của môn Văn học, từ đó hào hứng với mỗi tác phẩm cũng như bài giảng mới.
Em Đoàn Thùy Dương, học sinh lớp 11B11 trường THPT Quang Trung cảm nhận về những giờ dạy văn của cô Thu: “Em được học cô từ năm lớp 10; trước đó, em cảm thấy môn văn là môn học thuộc và khó nhưng từ khi gặp cô Thu thì em bắt đầu có niềm cảm hứng và thích học văn. Cô dạy bọn em cách khai triển ý trong bài và cách phân tích thơ, dựa trên cảm nhận và ý kiến của bản thân về bài thơ đó để viết văn”.
Còn em Hoàng Văn Hiệp, lớp 12C8 trường THPT Quang Trung cho biết, mặc dù mới học cô 3 tháng nhưng cô mang lại cho em nhiều kiến thức. “Cô rất vui tính trong các giờ học, tạo sự thoải mái cho bọn em và bớt căng thẳng, tiếp thu bài nhanh hơn”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu cũng là người “chắp cánh ước mơ” cho nhiều thế hệ học trò của trường THPT Quang Trung, một ngôi trường xa trung tâm thành phố Hải Phòng, điều kiện kinh tế của người dân địa phương còn nhiều khó khăn. Nhiều học sinh cô đã giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi văn các cấp. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tất cả 50 học sinh lớp 12C4 do cô Thu giảng dạy đều đạt điểm 8 môn Văn trở lên; trong đó, 44/50 học sinh đạt 9 điểm trở lên, điểm trung bình môn Văn của lớp là 9,17 điểm.
Cô Thu cũng nhiều lần được Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng mời chia sẻ với giáo viên môn Văn trên địa bàn thành phố về phương pháp dạy học và ôn thi cho học sinh.
Thầy giáo Ngô Văn Tuyến, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Quang Trung cho biết, bộ môn văn là bộ môn nổi bật nhất, sử dụng nhiều phương pháp mới của giáo dục để mang lại hiệu quả như vậy. Các bộ môn khác, như: Toán, Hóa, Sinh…,các thầy cô cũng luôn sử dụng phương pháp mới để hiện thực hóa kiến thức, áp dụng thực tiễn của học sinh để truyền cảm hứng cho học sinh.
“Về thành tích giáo dục mũi nhọn, chúng tôi luôn được rất nhiều giải nhất nhì, đứng trong top đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố. Về thi tốt nghiệp THP, 10 năm nay, chúng tôi luôn đứng đầu huyện Thủy Nguyên”, thầy Tuyến nói.
Năm học vừa qua, Hải Phòng cũng là địa phương đứng đầu toàn quốc về kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Đó là kết quả của những nỗ lực trong đổi mới phương pháp dạy học và tâm huyết của những giáo viên như cô Nguyễn Thị Hoài Thu, là công sức, “trái ngọt” của các thầy cô đang từng ngày “làm mới mình” với tất cả tình yêu đối với học trò./.