Trước sự phát triển mạnh mẽ của các kênh bán lẻ trên nền tảng kỹ thuật số làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại chợ truyền thống. Để tồn tại và phát triển, các hộ buôn bán tại chợ truyền thống xoay sở thay đổi cách thức phục vụ, tìm kiếm khách hàng.
Lên mạng tìm khách mới
Những ngày này, dạo một vòng chợ Ga (quận Ngô Quyền), một địa chỉ mua sắm nổi tiếng, dễ nhận thấy không khí vắng vẻ, ảm đạm bao trùm hầu hết các quầy sạp. Nhiều chủ quầy ngồi lướt điện thoại hay tụm lại tán chuyện với nhau cho hết ngày. Khá nhiều quầy đóng cửa và treo biển “cần chuyển nhượng”. Tương tự, nhiều khu chợ nổi tiếng của Hải Phòng như chợ Sắt tạm (quận Kiến An), chợ Cát Bi (quận Ngô Quyền), chợ Minh Kha (huyện An Dương)… cùng chung cảnh ngộ. Đã quá 12 giờ trưa ngày 15/3, chị Lê Nhi, chủ một quầy bán quần áo trong chợ Ga vẫn say sưa livestream (bán hàng trực tiếp qua mạng internet) chiếc váy mới nhập về trước màn hình điện thoại thông minh. Chị cho biết, tranh thủ tầm trưa hằng ngày, livestream bán hàng hoặc đăng ảnh Facebook, Zalo giới thiệu hàng mới có nhiều tương tác và chốt đơn, do mọi người tranh thủ giờ nghỉ trưa để lướt web. Hơn 2 năm qua, doanh thu từ kênh bán hàng trực tuyến trở thành nguồn thu chủ lực (chiếm 80% doanh thu) tại quầy hàng của chị.
“Lúc mới bắt đầu chỉ có 3-5 người xem, tôi rất nản nhưng vẫn động viên bản thân phải cố gắng. Lâu dần, người xem tăng và đến nay duy trì ổn định ở mức khoảng 700-800 người xem trong một buổi livestream. Nhiều khách sau khi xem trên mạng xã hội đến tận sạp hàng để mua với số lượng nhiều. Việc livestream bán hàng cho khách thấy được sự chân thật của mình và mẫu mã mới, giúp khách dễ chọn mua hàng hơn”, chị Nhi nói.
Không chỉ chị Nhi, nhiều hộ kinh doanh tại chợ Ga cũng thích ứng dần với xu thế bán hàng mới. Nhiều chủ sạp lớn tuổi không nhanh nhạy trong livestream cũng tìm cách kết bạn với các khách hàng “ruột” qua Zalo để giới thiệu mặt hàng mới tới bạn hàng, việc chốt đơn và gửi hàng chỉ qua chiếc điện thoại thông minh. Nhiều người bán hàng thừa nhận việc mua sắm qua kênh thương mại điện tử ngày càng thuận tiện vì thế hoạt động mua bán truyền thống tại các chợ sẽ bị thu hẹp.
Thực tế, với sự phổ cập của các thiết bị điện tử thông minh, người tiêu dùng chuyển thói quen mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến. Chị Nguyễn Thị Liên, 30 tuổi, phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) cho biết: Từ lâu rồi, chị hiếm khi đi chợ truyền thống mà hay đi siêu thị hoặc đặt mua hàng qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. “Hàng hóa bán ở chợ truyền thống phần lớn không niêm yết giá, không rõ nguồn gốc. Mua thực phẩm tại siêu thị, giá không chênh lệch so với chợ truyền thống quá nhiều lại tiện lợi, sạch sẽ. Còn đồ dùng, thiết bị, quần áo… tôi sẽ đặt qua các sàn thương mại điện tử vào những thời điểm khuyến mại có khi vừa được giảm giá lại miễn phí vận chuyển, tính ra rẻ và tiện hơn đi siêu thị nhiều”, chị Liên cho biết.
- .https://kinhtehaiphong.vn/mo-dich-vu-nghien-nat-anh-cuoi-sau-ly-hon/
- .https://kinhtehaiphong.vn/nong-dan-thu-nhap-gap-10-lan-neu-san-xuat-tom-lua-quy-mo-lon/
Thay đổi để thích ứng
Theo Quyết định số 1516/QĐTTg ngày 02/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” thì đến năm 2030, Hải Phòng có 156 chợ, 41 siêu thị, 35 trung tâm thương mại và 3 hội chợ triển lãm. Như vậy mạng lưới chợ truyền thống vẫn chiếm chủ đạo trong hạ tầng thương mại của thành phố. Hệ thống này cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân thành phố cũng như khách du lịch đến với Hải Phòng.
Theo Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Hải Phòng Chu Minh Cương: Để chợ truyền thống có sức hút trở lại, đòi hỏi cần có sự thay đổi từ diện mạo, hàng hóa, cách bán hàng… Do đó, người kinh doanh bán lẻ truyền thống cần thay đổi cách kinh doanh để đem lại hiệu quả. Người bán hàng tại các chợ truyền thống nói chung có sẵn kỹ năng giao tiếp tốt, có sự am hiểu sâu về sản phẩm. Vì vậy, nếu chuyển sang bán hàng online chỉ thiếu yếu tố kỹ thuật. Việc học kỹ thuật livestream hay bán online rất dễ, đã nhiều người thành công. Đối với người kinh doanh tại chợ truyền thống, việc thích ứng nhanh với công nghệ, chuyển đổi số kịp thời chính là lối ra duy nhất trong bối cảnh sức mua sụt giảm; đồng thời cũng cần chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, niêm yết giá bán… mới có thể tồn tại. Để xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh mới theo hướng bền vững, chuyên nghiệp hơn, phù hợp xu hướng hiện nay cần có sự tổ chức bài bản. Ông Cương cho biết: “Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các chương trình đào tạo do Hội doanh nhân trẻ Hải Phòng tổ chức, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Chúng tôi muốn xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành livestream bán hàng. Tôi tin đây sẽ là tương lai của ngành bán lẻ hiện đại”.
Bên cạnh việc hỗ trợ các hộ kinh doanh đổi mới phương thức bán hàng, ban quản lý các chợ và cơ quan quản lý Nhà nước có thể hỗ trợ nâng cấp chợ truyền thống khang trang, trở thành điểm đến mua sắm lý tưởng của khách hàng. Chỉ khi đáp ứng được những tiêu chí trên, chợ truyền thống mới “sống” tốt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Các chợ truyền thống cần hướng đến mô hình chợ văn minh, hiện đại, thực sự trở thành điểm đến đáng tin cậy của người mua hàng, du khách trong và ngoài nước.
Nguồn: Báo Hải Phòng