Với mức giá trần vừa được Liên minh châu Âu thông qua, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thị trường khí đốt năm tới sẽ diễn biến khá phức tạp. Các nhà phân tích cũng cảnh báo các kho dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong 2 tháng đỉnh điểm của mùa đông.
Sau nhiều tuần nỗ lực để đạt được thỏa thuận về hạn chế giá khí đốt tự nhiên, chiều tối 19/12, các quốc gia Liên minh châu Âu cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận chung về chính sách năng lượng. Đây được coi là một bước tiến đặc biệt quan trọng trong thời điểm vô cùng khó khăn của EU.
Các quốc gia EU đã thống nhất về các thông số giảm giá khí đốt khẩn cấp trong trường hợp giá xăng tăng đáng kể theo đề xuất của Cộng hòa Séc, nước đang là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu. Đề xuất của Cộng hòa Séc được đại đa số các quốc gia ủng hộ, bao gồm cả Đức – quốc gia trước đó đã phản đối đề xuất này trong một thời gian dài với quan ngại EU đang can thiệp quá sâu vào thị trường năng lượng. Giải pháp cuối cùng được tất cả các quốc gia ủng hộ ngoại trừ Hungary, trong khi đó Hà Lan và Áo đã bỏ phiếu trắng.
(Ảnh minh họa)
Với thỏa thuận vừa đạt được, các nước EU có thể bắt đầu áp dụng các hạn chế từ ngày 15/2 năm tới. Theo đó, giá trần sẽ tự động được kích hoạt nếu giá gas trên thị trường vượt quá 180 euro mỗi megawatt giờ trong ba ngày liên tiếp. Đồng thời, chênh lệch của nó so với giá khí tự nhiên hóa lỏng trung bình trên thế giới ít nhất phải là 35 euro.
Với cương vị là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, đại diện Cộng hòa Séc nhấn mạnh đó không phải là mức giới hạn cố định mà giới hạn động, vì giá có khả năng vượt quá giới hạn nếu giá trên thị trường Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vượt quá một mức nhất định.
Tái khẳng định ủng hộ quan điểm này, bà Kadri Simson, ủy viên châu Âu về năng lượng cho biết đây là một công cụ để ngăn chặn các đợt tăng giá khí đốt quá mức nhưng không phản ánh đúng giá thị trường thế giới. Ví dụ cho điều này là vào tháng 8/2022, giá xăng tăng đột biến lên hơn 300 euro mỗi megawatt giờ. Mặt khác, việc giá khí đốt cao và biến động lớn đang gây tổn hại cho nền kinh tế của các quốc gia thành viên cũng như gây thiệt hại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Vì vậy, quyết định này có vai trò quan trọng nhằm loại bỏ các mức phí, chênh lệch so với giá Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu.
- .https://kinhtehaiphong.vn/trung-quoc-mo-cua-tro-lai-co-the-khien-lam-phat-toan-cau-gia-tang/
- .https://kinhtehaiphong.vn/niem-vui-chien-thang-cua-cdv-argentina-khap-the-gioi/
Vai trò của Cộng hòa Séc
Để đi đến thỏa thuận về trần giá khí đốt, không thể bỏ qua vai trò điều tiết của Cộng hòa Séc trên cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu. Bên cạnh các hoạt động vận động các quốc gia ủng hộ một thỏa thuận chung, Cộng hòa Séc đã linh hoạt đề xuất mức giá được cho là phù hợp nhất đối với tất cả các thành viên. Rõ ràng, mức trần giá khí đốt mà các nước vừa đạt được thấp hơn nhiều so với mức đề xuất ban đầu do Ủy ban châu Âu đưa ra.
Từ thời điểm ban đầu khi lên kế hoạch này, Ủy ban châu Âu (EC) đã tính phương án ràng buộc giá khí đốt kỳ hạn chuẩn của châu Âu với giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên thị trường giao ngay với 2 điều kiện. Một là “giá trần an toàn” sẽ được kích hoạt tự động, khi giá thanh toán phái sinh trên nền tảng giao dịch TTF tháng trước vượt quá 275 euro trong hai tuần. Hai là khi giá TTF cao hơn 58 euro so với giá tham chiếu LNG trong 10 ngày giao dịch liên tiếp trong vòng hai tuần. Cả hai điều kiện này đều gây lo lắng cho các nhà kinh doanh năng lượng. Bởi ngay cả một can thiệp nhỏ cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn và không thể xử lý được sau khi làm tổn hại niềm tin của thị trường năng lượng.
Trên thực tế, có tới 15 quốc gia EU bao gồm Tây Ban Nha và Hy Lạp đã thúc đẩy trong nhiều tháng để Brussels đưa ra mức trần với hy vọng giữ giá thấp cho người tiêu dùng trong mùa đông và ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội. Trong khi đó, Đức, Hà Lan và Đan Mạch lại nằm trong số các quốc gia thành viên vẫn hoài nghi về việc can thiệp sâu vào thị trường, cho rằng giá thấp hơn sẽ dẫn đến việc sử dụng khí đốt tăng lên và khiến các nhà cung cấp năng lượng sẽ bán khí đốt đi nơi khác.
Nếu không thể dung hòa được sự bất đồng này, các biện pháp liên quan tới năng lượng sẽ phải để lại tới năm sau. Điều này cũng đồng nghĩa là một thất bại trong nhiệm kỳ của Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, việc giải quyết được vấn đề này trước khi nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên kết thúc đã tạo một bước tiến không nhỏ đối với Séc và các quốc gia thành viên. Ngoài việc giảm giá trần xuống mức tất cả các bên chấp nhận được, Cộng hòa Séc cũng củng cố các quy tắc về việc tự động chấm dứt cơ chế này cũng như sẽ được kích hoạt nếu mức tiêu thụ khí đốt tăng, tình huống khẩn cấp ở một quốc gia EU hoặc việc nhập khẩu Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vào châu Âu bị gián đoạn.
Châu Âu vẫn phải đối mặt với nguy cơ thiếu khí đốt?
Việc châu Âu xem xét hạ giá trần khí đốt vào thời điểm khá nhạy cảm khi kho dự trữ khí đốt của nhiều quốc gia trong khối đã hao hụt trong mùa đông đặt ra nhiều rủi ro với thị trường của khu vực.
Nhu cầu khí đốt ở châu Âu, bao gồm cả Anh, trong tuần trước đã tăng khoảng 44% so với giữa tháng 11. Đặc biệt, trong vài ngày trở lại đây, một số quốc gia châu Âu ghi nhận nền nhiệt giảm xuống dưới -10 độ C ở một số khu vực. Đối với các nhà hoạch định chính sách, đợt lạnh sâu này đã đặt ra thử thách với các hệ thống năng lượng của châu Âu, cũng như cách người dân ứng phó với diễn biến khí hậu bất thường và biện pháp tiết kiệm năng lượng trong mùa đông của các chính phủ.
Mặc dù đa số các quốc gia châu Âu cơ bản đã lấp đầy tới hơn 90% các kho dự trữ sau khi trải qua mùa thu ấm áp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên với diễn biến phức tạp của thời tiết hiện tại nguy cơ thiếu hụt trong mùa đông năm nay có thể xảy ra. Các nhà phân tích cũng cảnh báo các kho dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong 2 tháng đỉnh điểm của mùa đông, trong khi nguồn cung LNG hiện nay chủ yếu chỉ mang tính tạm thời, nghĩa là với diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay và không có giải pháp phù hợp của chính phủ các nước thì có thể đến đầu tháng 2 năm sau châu Âu sẽ rơi vào thiếu hụt trầm trọng về năng lượng. Theo dự báo, Châu Âu có thể thiếu khoảng 70 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023 nếu nhu cầu không giảm, thậm chí kể cả khi tối đa hóa công suất nhập LNG.
Trước nguy cơ đợt lạnh có thể kéo dài trong những ngày tiếp theo, các quốc gia châu Âu đang tiến tới các phương án tiết kiệm điện tối đa cho mùa đông này bằng việc giảm nhiệt độ công cộng, khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị, hệ thống sưởi khác. Thậm chí, chính phủ các nước có thể áp đặt các hạn chế tiêu thụ bằng phương án phân bổ theo định mức, sử dụng điện luân phiên nếu nguồn cung không được đáp ứng đủ. Ngoài ra, chính phủ các nước cần có phương án đảm bảo cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất và người dân cùng vượt qua mùa đông năm nay.
Với mức giá trần vừa được thông qua, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thị trường khí đốt năm tới sẽ diễn biến khá phức tạp. Thị trường Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm 2023 sẽ là điểm nóng cạnh tranh giữa các khu vực, bởi nguồn cung LNG sẽ ít hơn, nhưng nhu cầu sẽ tăng lên, đặc biệt từ Trung Quốc, quốc gia đã nới lỏng các biện pháp hạn chế dịch bệnh và nhiều khả năng cần nguồn cung khí đốt lớn hơn để khôi phục nền kinh tế. Như vậy, mặc dù EU đã ký các thỏa thuận LNG với Mỹ, Qatar và các nước khác trong năm nay để giảm phụ thuộc khí đốt Nga tuy nhiên điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động dự trữ khí đốt của châu Âu trong thời gian tới.
Hiện tại, các nhà lãnh đạo EU cũng đã đi đến thống nhất tiếp tục hoàn thiện các đề xuất về quy định mới nhằm tăng cường đoàn kết năng lượng, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo. Đồng thời, EU khuyến nghị các quốc gia thành viên tăng cường phối hợp với nhau trong việc đẩy nhanh các hoạt động liên kết mua bán khí đốt và trao đổi với các đối tác tin cậy để có hợp đồng cung cấp dài hạn, đảm bảo việc tích trữ một cách hiệu quả vào các kho lưu trữ và giám sát các kế hoạch tích trữ này cũng như tiết giảm nhu cầu sử dụng năng lượng trong giai đoạn khó khăn này./.
Nguồn: VOV