Chọn kinh doanh thời trang đồ ngủ – điều chưa ai làm ở Việt Nam trong khi chỉ là ‘tay mơ’ trong ngành, Nguyễn Thị Thùy Trang gây bất ngờ khi được 4/5 Shark đề nghị đầu tư trong Shark Tank mùa đầu tiên. Hành trình khởi nghiệp trước và sau Shark Tank của CEO Emwear cũng ấn tượng không kém.
Trước khi khởi nghiệp với Emwear, chị chưa từng đi làm thuê ở công ty nào. Vì sao vậy?
Trong thời gian học đại học, tôi có làm parttime về marketing online cho một công ty của người bạn khoảng vài tuần, và cũng có chút kết quả. Nhưng sau lần đó, tôi nhận ra là 100% mình không thích đi làm thuê. Bạn có thể phải mất rất nhiều thời gian để phát hiện ra niềm đam mê của mình nhưng sẽ phát hiện ngay ra cái mình không thích.
Ngoài ra, môi trường xung quanh tôi ở đại học có nhiều bạn năng động. Nhà trường cũng khuyến khích sinh viên thay vì đi làm công ty, có thể tự làm cái gì đó cho bản thân. Những điều này càng kích thích tôi muốn tự kinh doanh hơn là tìm công việc ở một công ty nào đó.
Dự án kinh doanh đầu tiên của chị là gì?
Cho tới khi học năm thứ 2 đại học, tôi và một số người bạn nữa (trong đó có 2 bạn là thủ khoa đầu vào ở trường khác), cùng mở quán bán chè khúc bạch vì ngành học của tôi cũng là F&B (Food and Beverage Service). Thời đó, chè khúc bạch mới nổi và chúng tôi nằm trong số những người đầu tiên ở TP.HCM đi đầu trào lưu này.
Nhờ đi đầu trend và cũng đúng lúc thị trường hot, chúng tôi khá thành công. Tuy nhiên, việc kinh doanh chè lúc đó của chúng tôi cũng có mục tiêu khá buồn cười. Tôi lúc đó đang ở nhà thuê rất xấu nên muốn lên chung cư ở, một bạn cùng làm thì muốn mua iPhone, còn một bạn muốn đổi xe máy… Thế là khi chúng tôi đều kiếm đủ tiền cho mục tiêu của mình thì cả hội đều cảm thấy không muốn làm nữa (cười).
Tất nhiên, cũng có lý do là sau thời gian cực thịnh thì việc bán chè cũng giảm nhiệt khi vào mùa mưa và quanh nơi chúng tôi thuê mặt bằng cũng mọc lên nhiều quán tương tự. Cộng với việc mọi người đều còn phải lo việc học, chúng tôi quyết định dừng lại.
Sau đó, tại sao chị không tiếp tục với ngành F&B khi đã có kinh nghiệm với chè khúc bạch mà lại chọn khởi nghiệp với một ngành hoàn toàn khác là thời trang (Emwear)?
Thực ra thì sau khi dừng kinh doanh chè khúc bạch, với số tiền mình kiếm được, tôi góp vốn mở nhà hàng với 2 người bạn khác. Tuy nhiên, dự án này thất bại vì 3 người không hợp nhau.
Sau đó, tôi chuyển sang bán quần áo online nhưng cũng thất bại. Dù không thành công nhưng tôi nhận ra là mình thích lĩnh vực này.
Do mải mê kinh doanh, tôi phải tạm dừng việc học vài năm và đó là lý do đến năm 26 tuổi tôi mới tốt nghiệp đại học (cười).
Bán quần áo online không thành công, vì sao chị lại tiếp tục khởi nghiệp với đồ ngủ Emwear – một dự án cần cả thiết kế, sản xuất, marketing, bán hàng… và khó hơn rất nhiều, trong khi cũng chưa có kinh nghiệm về thiết kế, sản xuất đồ ngủ?
Tính tôi rất thích phiêu lưu nên muốn thử một cái mới mà mình thích. Tôi phát hiện ra là khi bạn hướng toàn tâm toàn ý đến điều gì, tự nhiên vũ trụ sẽ mang tới điều đó. Khi bạn thích tìm hiểu về thời trang thì ở đâu bạn cũng thấy nó hết và gặp ai tôi cũng hỏi. Càng hỏi, càng biết thêm, tôi càng thích và càng muốn thử.
Khi làm khóa luận tốt nghiệp, tôi quyết định chọn chủ đề về thời trang và dành 6 tháng để nghiên cứu. Một hôm, tôi ra quán cà phê Starbucks để ngồi làm thì tình cờ gặp một cậu bé đang xem thời trang trên máy tính. Hỏi chuyện thì biết cậu ấy là photographer, mẹ làm thợ may và cũng thích thời trang…
Sau cuộc trò chuyện với cậu bé đó, tôi mới nảy ra ý tưởng là xung quanh mình vẫn có nhiều người có thể hỏi được, giúp mình làm được thời trang… Ý tưởng làm Emwear bắt đầu từ khi đó.
Như vậy là chị không sợ thất bại khi làm Emwear?
Khi nghĩ nhiều quá người ta hay nghĩ đến nỗi sợ. Lúc đó, tôi không có gì hết nên cũng không có gì để sợ và cũng không có gì để thất bại. Chỉ là thử thôi mà, không có gì để mất cả (cười).
Ai đã giúp chị vượt qua những khó khăn ban đầu như thiếu kiến thức, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm… khi khởi nghiệp Emwear?
Lúc bắt đầu, tôi không có kiến thức nên tìm tất cả những người có thể hỏi được và cho lời khuyên trong ngành. Còn về sản phẩm thì do là một trong những người đầu tiên làm thời trang đồ ngủ nữ ở Việt Nam nên tôi không có người để hỏi. Tuy nhiên, tôi thấy bất lợi là người đầu tiên, nhưng lợi thế cũng bởi là người đầu tiên và trong cuộc sống không bao giờ có bất lợi 100%.
Ví dụ: việc bất lợi là không có ai để hỏi nhưng về thương hiệu thì Emwear lại nằm trong Top một cách đương nhiên. Một ví dụ khác là việc tôi tập trung vào bán online mà thời điểm bắt đầu Emwear thì việc mua bán trên Internet chưa phổ biến như bây giờ. Tuy nhiên, điểm thuận lợi là chi phí quảng cáo lại rất thấp, 100.000 đồng ngày đó phải bằng 1 triệu bây giờ.
Vậy làm thế nào chị giải quyết được vấn đề thiết kế, sản xuất, rồi xử lý hàng tồn… mà không bị phá sản khi vừa làm vừa học?
Nếu nhìn vào quy mô sản xuất hàng loạt của các thương hiệu thời trang thì sẽ rất khó giải thích. Nhưng khi bắt đầu, mọi thứ đều rất bé và tôi làm gần như một mình, cùng với một bạn phụ trách việc thiết kế và sản xuất.
Với quy mô rất nhỏ, tôi chỉ dùng một loại vải và sản xuất với số lượng gần như “Just in time” với việc bán hàng nên cũng rất ít hàng tồn. Điều này cũng khiến cho Emwear chỉ có thể phát triển từ từ nhưng dòng tiền lại rất an toàn. Đây là một trong những nguyên nhân giúp tôi có thể tồn tại được trong thời gian đầu vừa làm vừa học.
Thực tế, ngay cả như vậy thì 3 tháng đầu tiên cũng cực kỳ khó khăn vì tôi không thể bán được hàng cho người lạ, mà phải “chai mặt” ra năn nỉ người thân, bạn bè mua giùm và góp ý. Lúc đó, sản phẩm rất mới nên việc không có người mua cũng bình thường, chưa kể thiết kế của mình cũng chưa đẹp và nhiều thứ chưa hoàn thiện nữa. Nhưng tôi cũng phải tìm mọi cách để bán được hàng, còn có tiền quay vòng để tồn tại chứ (cười).
Đến tháng thứ 4, tôi bán được những đơn hàng đầu tiên cho người lạ và từ đó trở đi, Emwear bắt đầu đi lên. Tất nhiên là sau đó cũng nhờ việc điều chỉnh lại nhiều thứ như thiết kế đẹp hơn, ứng dụng hơn, biết cách đổ tiền vào quảng cáo trên Facebook…
Điều gì đã giúp chị vượt qua những khó khăn ban đầu, giúp Emwear sống sót?
May mắn hả? Chắc cũng phải có cố gắng chứ (cười). Có lẽ, chắc nhờ tôi là người chịu thay đổi, phản ứng nhanh chứ không đi theo lối mòn nào hết. Nhờ đó, tôi và Emwear vượt qua được thời gian khó khăn nhất khi mới bắt đầu.
- .https://kinhtehaiphong.vn/co-gai-tre-o-hai-phong-noi-tieng-voi-tai-ve-tranh-tren-banh-quy/
- .https://kinhtehaiphong.vn/ngo-thuy-anh-forbes-under-30-2022-toi-khong-muon-la-mot-co-may-kiem-tien-mai-trong-rong/
Đâu là bước ngoặt đối với sự phát triển của Emwear?
Có lẽ đó là thời điểm Emwear lên Shark Tank. Khi đó, thương hiệu của tôi được biết đến nhiều hơn. Đó là một cú hit về thương hiệu và doanh thu. Mọi người chưa biết có mua đồ ngủ của tôi không nhưng chắc chắn họ sẽ biết Emwear bán đồ ngủ.
Sau Shark Tank, doanh thu của chúng tôi tăng gấp đôi, nhưng con số này chỉ duy trì khoảng 1 tuần, rồi hạ xuống. Tôi cũng tìm mọi cách để giữ được đà từ cú huých nên Emwear cũng đi lên kể từ đó.
Ngoài Shark Tank, việc giữ được đà tăng còn nhờ thị trường đang mở rộng với thời trang đồ ngủ, mọi người cũng chi tiêu rộng rãi hơn. Với phụ nữ, việc mua một bộ đồ ngủ được coi như sự chiều chuộng dành riêng bản. Bên cạnh đó, do có nhiều tiền hơn, tôi cũng có thêm cộng sự tốt về phụ giúp chứ không làm một mình nữa.
Lúc quyết định tham gia Shark Tank, chị đặt mục tiêu để quảng bá hay thực sự muốn gọi vốn đầu tư?
Tôi lên để gọi vốn thật. Bạn nghĩ Shark Tank là chương trình giải trí hả? (cười) Shark Tank là chương trình gọi vốn thật mà hoặc ít nhất là trong cảm nhận của tôi ở mùa 1 là 100% thật. Vì mùa 1 thì trước khi lên sóng có mấy ai biết đâu. Thậm chí, trước đó, tôi cũng chẳng biết các shark là ai, họ sẽ hỏi cái gì nữa.
Thực ra, trước khi tham gia tôi phải đấu tranh tư tưởng khá nhiều vì không biết mình có thuyết trình được hay không, nhỡ người ta hỏi mà không trả lời được thì sao…
Lúc đó, tôi mới làm Emwear được 1 năm và còn mông lung về con đường của mình. Tôi lên Shark Tank một phần để gọi vốn, nhưng một phần để chứng thực có người tin tôi rằng thị trường đồ ngủ vẫn có thể làm được. Khi được sự công nhận của những người có kinh nghiệm dù chưa biết có được đầu tư không, tôi sẽ có tự tin hơn để làm.
Sau đó, Emwear nằm trong số những thương vụ được giải ngân xuất hiện trên truyền hình được anh Vương (Shark Vương) chọn. Các dự án không được rót vốn chủ yếu thất bại ở bước thẩm định doanh nghiệp.
Sau khi lên sóng Shark Tank mùa 1 vài năm, Emwear công bố cán mốc doanh thu 1 triệu USD. Cột mốc này có ý nghĩa ra sao với chị khi mà doanh thu 1 triệu USD ngành thời trang không lớn?
Khi làm Emwear, tôi bắt đầu với 7,5 triệu đồng. Số tiền đó chỉ đủ để mua 1 số vải để người ta may thử một vài sản phẩm đầu tiên. Tôi chạy xe máy từ Bình Thạnh, qua Quận 5 tìm mua vải, rồi vòng về Quận 12 để may, và cuối cùng vòng về Bình Thạnh để giao hàng…
Lúc lên Shark Tank, doanh thu của Emwear chỉ hơn 200 triệu đồng/tháng. Lúc đó, mục tiêu của tôi rất đơn giản là đạt được 1 triệu USD trong vòng 3 đến 5 năm tiếp theo. Đối với tôi, bán được 1,8 tỷ đồng/tháng lúc đó là rất to. Nhưng chỉ 2 năm sau tôi đã đạt tới con số đó rồi.
Đúng là con số đó không lớn nhưng đối với tôi thì rất có ý nghĩa vì nó là một cột mốc tôi đặt ra khi công bố trên Shark Tank – thời điểm tôi cũng chưa biết phải làm như thế nào để đạt được.
Còn hiện giờ, sau 2 năm vật lộn với đại dịch Covid, Emwear kinh doanh ra sao?
Trong Covid, tôi hiểu là thị trường cần những sản phẩm cực kỳ rẻ cùng với chất lượng tương đương và áp dụng thêm nhiều chương trình khuyến mại cho khách hàng nên vẫn bán được. Emwear vẫn sống sót, giữ được team và không lỗ.
Thế nhưng, sau Covid thì khó khăn hơn rất nhiều. Trong Covid thì mọi thứ đều dừng, mình cũng dừng nhưng được hỗ trợ từ chủ nhà, team của mình, đối tác. Nhưng sau Covid thì mọi thứ đều tăng, từ nguyên vật liệu, nhân công, thuê nhà… nhưng khách hàng lại ít tiền hơn, tiêu dùng xuống thấp hơn.
Thành ra, doanh thu có thể bằng trước nhưng chi phí thì tăng lên rất nhiều. Đây là thời gian Emwear phải chuyển đổi. Tôi không nghĩ xa đến việc doanh thu năm nay hay năm sau đạt bao nhiêu triệu đô, mà chỉ nghĩ tháng sau phải có chương trình gì để thúc đẩy bán hàng, ngày mai phải làm như thế nào để đổi mẫu giúp bán được hàng nhanh hơn.
Tôi xác định là tình hình kinh doanh sẽ còn khó hơn trong khoảng 1 năm đến 1 năm rưỡi nữa và Emwear phải sống sót qua giai đoạn này đã, rồi mới tính tiếp.
Vậy chị có chiến lược gì để phát triển Emwear trong dài hạn hay chưa?
Trong ngành thời trang ở Việt Nam, đa phần người ta đo lường thành công bằng số lượng cửa hàng được mở ở các nơi. Tuy nhiên, Emwear lại xác định dựa vào bán online là chủ yếu. Trước đây, tôi bán phần lớn qua Facebook, Instagram. Còn hiện tại, tôi đang chuyển về bán ở website để thu dữ liệu khách hàng.
Emwear chỉ có 2 cửa hàng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngay cả 5 hay 7 năm nữa, chúng tôi vẫn sẽ chỉ duy trì 2 cửa hàng này để định hình thương hiệu. Tuy nhiên, trong phân khúc đồ ngủ, chúng tôi vẫn có thể phát triển. Hiện tại, chúng tôi cũng sản xuất để xuất khẩu và có thể làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
Vậy Emwear thiếu điều gì để có thể phát triển mạnh?
Tôi xác định, Emwear trong ngành thời trang sẽ không thể lớn như các hãng có nhiều dòng sản phẩm bởi chỉ nằm trong một phân khúc ngách. Với quy mô nhỏ, tôi không thể áp dụng nhiều công nghệ trong thiết kế, sản xuất… và đó là lý do cần có sự chuyển đổi. Hiện tại, Emwear vẫn sản xuất theo hướng truyền thống.
Gần đây, chị có chia sẻ trên trang cá nhân về việc “bán hết tài sản cá nhân để quyết thành lập công ty mới” và “được ăn cả, ngã về không, cùng lắm thì làm lại từ đầu”. Kế hoạch là bán Emwear để lập công ty khác hay đơn giản là khởi nghiệp thêm một lần nữa bên cạnh Emwear?
Tôi chưa bán Emwear đâu, đó là dòng tiền nuôi sống mình mà (cười). Chúng tôi đặt mục tiêu trong 1 năm tới có thể đưa Emwear vào một hệ thống lớn hơn để tiếp cận công nghệ tốt hơn. Theo đó, tôi sẽ có khả năng update mẫu mới liên tục.
Trên thế giới, Zara làm theo mùa, họ phân tích trước thị trường để ra sản phẩm. Với hãng SHEIN của Trung Quốc, họ lên 5000 mẫu mới mỗi ngày. Emwear đang hoạt động theo kiểu lên bộ sưu tập theo mùa, mỗi bộ sưu tập sẽ có vài chục mẫu. Sắp tới, chúng tôi sẽ không làm theo bộ sưu tập như vậy nữa, mà chia nhỏ ra để update hàng tuần.
Dự án sắp tới của tôi hướng đến một hệ thống tận dụng được các lợi thế về chuỗi cung ứng và chất xám trẻ tại Việt Nam.
Việc update mẫu mới hằng ngày hay hằng tuần đã có ai làm ở Việt Nam chưa?
Khi làm dự án này, tôi có người đồng hành mà tôi tin tưởng có thể giúp làm được điều đó. Khi cơ hội tới, chúng tôi sẽ thử sức, cũng giống như ngày xưa khi thử bán chè khúc bạch thôi, nhưng ở quy mô lớn hơn.
Là một phụ nữ, khởi nghiệp một mình và trong một ngành cạnh tranh rất khốc liệt như thời trang, chị có cảm thấy áp lực khi gồng gánh Emwear phát triển đến ngày nay hay không?
Hoàn toàn không (cười)! Ngày xưa tôi thấy mình là người thích kiếm tiền nhưng giờ phát hiện ra mình là người thích làm việc. Khi chưa có nhà, chưa có xe, chưa có đồ đẹp… thì tôi nghĩ, khi có tiền mình sẽ mua những cái đó. Nhưng khi có tiền rồi thì tôi lại không mua những thứ như vậy, mà tái đầu tư và làm việc nhiều hơn.
Rồi tôi đang được làm cái mình thích nên cũng có động lực. Tôi tự làm nên tự chủ được thời gian. Tất cả những cái đó dung hoà với nhau nên tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc.
Chỉ có điều tôi cảm thấy chưa dành đủ thời gian cho con mình. Đó là cái làm tôi vẫn cảm thấy áy náy.
Còn việc quá tải và cô đơn khi một mình phải đảm đương có nhiều việc thì sao?
Người ta hay bảo làm khởi nghiệp thì cô đơn cũng đúng thôi. Nhưng thực ra làm cái gì cũng vậy, ai rồi cũng có cái stress riêng của bản thân, mà không thể chia sẻ với người khác được. Tôi rất ít để mình rơi vào tình trạng đó, vì có cái gì tôi cũng chia sẻ với team của mình. Còn có những trách nhiệm, công việc thì ngoài người founder ra người khác cũng không làm được thì phải chấp nhận thôi.
Khi chơi thêm một ‘game’ mới lớn hơn, liệu chị có thể có một cuộc sống cân bằng không?
Tôi thấy mình cũng sống khá cân bằng đấy. Bạn bè làm kinh doanh lấy tiền mua nhà mua xe… Còn tôi làm Emwear, kiếm được tiền tôi đi du lịch rất nhiều (cười). Trong lúc dịch, tôi có gần 6 tháng để nghỉ ngơi rồi (đi Mỹ) và nó đủ dài để tôi có thể chạy vài năm tới (cười).
Còn sự cân bằng hằng ngày thì tự mình phải tìm thôi. Ví dụ ngày hôm qua tôi làm việc cho công ty thứ 2 đến 10h tối và khá mệt. Nhưng chỉ cần được uống ly trà ngon là tôi cảm thấy được an ủi rồi. Ít nhất tôi không phải ngồi một chỗ bị ai chỉ đạo mà được làm thứ mình thích.
Tôi không nghĩ tới kế hoạch nghỉ hưu hoặc cân bằng gì đó trước khi làm được cái mình muốn. Thực tế thì trong cuộc sống không thể có sự cân bằng 100% được.
Vậy thời gian cho bản thân chị thì sao?
Tôi là người rất thích ngủ, được ngủ ngon và đủ giấc là hạnh phúc. Rồi tôi là người sợ xấu nên chỉ cần dậy sớm đi tập gym để giữ dáng là vui rồi. Nói chung, tôi chỉ cần thời gian làm những việc mình thoải mái là ok. Bạn bè cũng nhiều người rủ đi thiền, đi trekking, đi chùa… nhưng tôi không thích nên không làm. Dành thời gian cho bản thân, với tôi chỉ là những việc bình thường mình làm hằng ngày, rất dễ.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!