Cao Xuân Tuyến “Tuấn Cá Sấu”, ông chủ bảo tàng tư nhân tại Hải Phòng mê văn hoá hơn xe sang

Ông chủ bảo tàng tư nhân tại Hải Phòng: Tôi nghĩ về văn hóa nhiều hơn Bentley, Rolls Royce

Đó là nhận xét của Nhà sử học Dương Trung Quốc về Bảo tàng Văn hóa- Nghệ thuật Đông Dương của “Tuấn cá sấu” tại Tp.Hải Phòng.

“Có đổi 3 dãy nhà mặt phố tôi cũng từ chối”

Câu nói này được nhiều người dân đất Cảng tin là sự thật bởi được phát ra từ miệng của vị đại gia sở hữu một trong những trang trại nuôi cá sấu lớn nhất miền Bắc, người được biết đến với biệt danh “Tuấn cá sấu” hơn là cái tên được ghi trong giấy khai sinh: Cao Xuân Tuyến.

Cây đàn piano của hoàng hậu Nam Phương được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa- Nghệ thuật Đông Dương.

Sự “áy náy” khi lựa chọn đóng cửa nhà hàng Nam Phương Queen của anh Tuyến được xoa dịu ít nhiều khi anh có cơ duyên được sở hữu cây đàn piano xưa kia thuộc về vị hoàng hậu nổi tiếng triều Nguyễn với sắc đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành”. Trải qua thời gian, tuy phần gỗ của cây đàn bị hỏng phải tiến hành phục chế, nhưng phần âm thanh vẫn còn nguyên vẹn. Nhất là những phím đàn được làm bằng ngà voi xưa kia hoàng hậu Nam Phương từng lướt những ngón tay ngọc ngà để tạo nên những giai điệu du dương, trầm bổng.

Cùng với cây đàn piano của hoàng hậu Nam Phương, anh Tuyến rất tâm đắc với đôi câu đối từng được đặt tại đền thờ Đức vương Ngô Quyền do gia tộc họ Ngô cúng tiến. Đôi câu đối này được anh mua tại một cửa hàng kinh doanh đồ cổ ở Hà Nội, nổi bật ở nét chữ rắn rỏi, vững chắc. Để có đủ tiền mua đôi câu đối này, anh Tuyến phải “nghiến răng” bán lô đất mặt phố đúng trong thời kỳ “sốt đất”.

Lựa chọn “phi lợi nhuận”

Để có hơn 15.000 cổ vật, anh “Tuấn cá sấu” phải nhiều phen lao tâm khổ tứ. Có những cổ vật được bạn bè tặng. Nhiều cổ vật phải lặn lội trong Nam, ngoài Bắc cả tuần trời. Có cổ vật mua chỉ vài trăm nghìn đồng. Nhiều cổ vật phải bán một vài lô đất mặt phố mới đủ tiền mua.

Vì thế, với riêng anh Tuyến cũng như nhiều bạn bè đam mê sưu tầm cổ vật, Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương “giá trị hơn cả 3 dãy nhà mặt phố” (lời của anh “Tuấn cá sấu”) mặc dù suốt thời gian qua và dự kiến sau này, bảo tàng không đem lại cho anh bất cứ khoản lợi nhuận về kinh tế nào.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tặng anh Cao Xuân Tuyến cuốn sách quý.

Anh Tuyến cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, bảo tàng đón khoảng 18-20 nghìn lượt khách thăm quan. Nếu nhân với giá vé chừng 50 nghìn đồng/lượt khách, bảo tàng có thể thu đến cả tỷ đồng. Tuy nhiên, anh lựa chọn phương án “phi lợi nhuận” khi miễn phí vé thăm quan bảo tàng.

“Tất nhiên, tiền kiếm được chính đáng chẳng ai chê cả, nhưng tôi lựa chọn văn hóa. Tôi nghĩ về văn hóa nhiều hơn nghĩ về 1 bữa nhậu, về con tôm hùm, về con xe Range Rover hay con xe Bentley, Rolls Royce. Càng không nghĩ đến tòa biệt thự xây hoành tráng được dát vàng. Đam mê văn hóa cũng là cách tôi được hưởng thụ”, anh Tuyến chia sẻ.

Ở tuổi ngoài 60, anh Tuyến mong muốn cậu con trai sau khi đi du học về tiếp quản và quản lý Bảo tàng Văn hóa- Nghệ thuật Đông Dương thay mình. Nhưng con trai anh từ chối bởi “giá trị văn hóa của bảo tàng lớn quá, con không quản lý được”. Vì thế, anh đề xuất chuyển tặng Hội Nhà văn Việt Nam quản lý. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ước nguyện này của anh đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng chủ nhân Bảo tàng Văn hóa- Nghệ thuật Đông Dương chiêm ngưỡng những cổ vật quý hiếm.

Trao đổi với phóng viên về Bảo tàng Văn hóa- Nghệ thuật Đông Dương của anh Cao Xuân Tuyến, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Tôi quá biết về chủ nhân của bảo tàng. Tôi biết đây là bộ sưu tập của cả đời yêu quý, tích cóp văn hóa. Bảo tàng là chứng tích của niềm đam mê của một con người. Câu chuyện về sự hình thành của bảo tàng có giá trị không kém các hiện vật. Nó làm cho mọi người thấy mình cũng có thể trở thành nhà sưu tập, mình cũng có thể sở hữu bảo tàng. Điều đó làm phong phú thêm đời sống văn hóa”.

Nguồn : Người đưa tin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục