Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí hơn 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 vốn nước ngoài cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng…
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí hơn 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 vốn nước ngoài cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 vốn nước ngoài cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo chủ trương cho phép chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 63 ngày 16/6/2022 với giá trị hơn 7.036,6 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền dùng để hoàn trả vốn gốc khoản vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc là hơn 4.699,6 tỷ đồng và hoàn trả vốn gốc khoản vay Ngân hàng Tái thiết Đức là 2.337 tỷ đồng.
Giá trị nêu trên được tính toán theo tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 63/2022/QH15 và sẽ được chuẩn xác tại thời điểm hạch toán chi phí vốn đầu tư đã thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thủ tục đề xuất kế hoạch trung hạn cho dự án trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công (hiện dự án này mới có trong danh mục dự án trong nước trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công).
Thông tin từ Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI) cho thấy năm 2021 của các trạm thu phí trên tuyến cao tốc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đạt hơn 1.200 tỷ đồng.
Trong đó, trạm Đình Vũ có doanh thu cao nhất, với hơn 237 tỷ đồng. Tiếp đó là trạm đầu tuyến cao tốc với hơn 485 tỷ đồng và trạm QL10 có doanh thu hơn 194 tỷ đồng.
Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài 105,5 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100 m, mặt đường rộng từ 32,5 – 35 m. Ngoài ra, dự án có hơn 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương.
Dọc tuyến đường cao tốc có 9 nút giao liên thông khác mức, 1 nút giao bằng tại Đình Vũ, 39 vị trí giao cắt trục thông khác mức, 105 cầu chui dân sinh cùng hệ thống đường gom tổng chiều dài 164,8 km.
Triển khai xây dựng tuyến cao tốc này, các đơn vị thi công đã huy động gần 70 triệu m3 đắp nền, gần 14 triệu m2 vải địa kỹ thuật. Một khối lượng công trình rất lớn đã được hoàn thành như: 9 cầu lớn vượt sông tổng chiều dài trên 4.500 m; 55 cầu trung, cầu vượt tại các nút giao tổng chiều dài gần 9.000m.
Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2015.