Cách chăm sóc gót chân khô, nứt nẻ trong mùa lạnh

Mùa đông khiến độ ẩm trong không khí xuống thấp, khô hanh có thể khiến da chân, đặc biệt là gót chân sẽ xuất hiện các vết nứt nẻ. Các vết nứt này sẽ rất đau, thậm chí bị nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách.

Nguyên nhân khiến cho gót chân khô, nứt nẻ

Gót chân nứt nẻ, da khô sần sùi xảy ra khi hàng rào bảo vệ da của chúng ta bị phá vỡ. Đây có thể do một tình trạng bệnh lý về da nào đó, như bệnh vẩy nến, bệnh chàm, hoặc do phần gót chân rất khô.

Có nhiều yếu tố gây nên tình trạng này, trong đó có thể do tuổi tác, nếu tuổi càng cao thì da của chúng ta trở nên mỏng hơn, kém đàn hồi hơn.

Ngoài ra, tình trạng da khô là do nguyên nhân của thời tiết hanh, lạnh giá, đây là yếu tố thúc đẩy nẻ gót chân trở nên tệ nhất vào mùa đông.

Giải thích về vấn đề này các nghiên cứu cho thấy, khi mùa đông lạnh thì nhiệt độ trong nhà và ngoài trời có chênh lệch, độ ẩm trong không khí cũng thấp hơn. Việc thiếu độ ẩm sẽ khiến da trở nên khô hơn và điều đó dẫn đến tình trạng da nứt nẻ, bong tróc nhiều hơn.

Trên thực tế cho thấy, các nứt nẻ của da chân nếu không được chăm sóc đúng có thể gây ra vết thương, dễ bị nhiễm trùng. Tình trạng này nặng hơn và có thể gây nhiều biến chứng nếu người bệnh có hệ thống miễn dịch bị tổn thương hoặc mắc bệnh lý đái tháo đường. Ở đối tượng bệnh nhân này có thể xảy ra tình trạng nhiễm trùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

Tình trạng gót chân nứt nẻ, khô bong.

Tình trạng gót chân nứt nẻ, khô bong.

Cách chăm sóc gót chân khô nứt nẻ

Việc chăm sóc gót chân bị khô nứt nẻ rất quan trọng. Khi bị nứt nẻ chúng ta cần thực hiện theo nguyên tắc sau

1. Giữ cho đôi chân luôn sạch sẽ và giữ ẩm

Để thực hiện được nguyên tắc này, trong mùa lạnh hanh khô cần hạn chế tắm lâu, chỉ tắm trong vòng 5 – 10 phút. Tắm quá lâu có thể làm khô da, khiến gót chân khô và nứt nẻ trở nên trầm trọng hơn. Dùng khăn khô thấm nhẹ cho da sau khi tắm.

Cần sử dụng sữa tắm dịu nhẹ không tạo bọt (dạng cream hoặc sữa), không hương liệu. Điều này giúp giữ cho da chân không bị khô thêm và đôi chân vẫn còn ẩm sau mỗi lần tắm.

Cần thoa kem dưỡng ẩm trong vòng 5 phút sau khi tắm, sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa 10 – 25% urê, ceramides, glycerin, bơ hạt mỡ, vitamin E hoặc jojoba… thoa vào gót chân ngay sau khi tắm khi da còn ẩm và bất cứ khi nào gót chân cảm thấy lạnh, cảm thấy khô để khóa độ ẩm.

2. Nên tẩy da chết

Để ngăn ngừa các vết nứt, tẩy da chết cũng là yếu tố quan trọng. Chất tẩy tế bào chết như axit salicylic giúp ngăn ngừa nứt gót chân khi sử dụng thường xuyên 1 – 2 tuần/ lần.

Ngoài ra, có thể sử dụng một số dụng cụ chà giũa gót chân an toàn. Sử dụng giũa chân sau khi tắm có thể là một cách mang lại hiệu quả để tránh những vết chai hoặc vết nứt dày. Tuy nhiên, nên tránh các loại giũa có răng sắc nhọn, vì có thể làm tăng nguy cơ trầy xước. Mục tiêu là loại bỏ lớp da cũ đã chết, nhưng vẫn giữ nguyên lớp da khỏe mạnh để bảo vệ và chống lại nhiễm trùng.

Riêng đối với người bệnh đái tháo đường, người suy giảm miễn dịch không nên tự ý sử dụng phương pháp này, vì có thể nguy hại đến sức khỏe.

3. Bịt kín các vết nứt sâu

Khi gót chân nứt nẻ tình trạng trở nên trầm trọng nếu như bị chảy máu, điều này sẽ vô cùng đau đớn. Băng lỏng là một cách cực kỳ hiệu quả để bịt kín các vết nứt, nhằm giảm đau trên vùng da bị rách, trong khi vẫn giữ vết thương sạch sẽ.

Thoa kem dưỡng ẩm giúp gót chân giữ độ ẩm cần thiết.

Thoa kem dưỡng ẩm giúp gót chân giữ độ ẩm cần thiết.

4. Lựa chọn tất làm từ chất liệu tự nhiên

Nhiều người khi mùa đông lạnh không để ý đến việc lựa chọn tất chân, điều này khiến cho việc da khô nứt nẻ thêm trầm trọng. Vì vậy, chúng ta nên chọn tất làm từ chất liệu tự nhiên, chẳng hạn như cotton (sợi bông) hoặc len thay vì vải sợi tổng hợp, để giữ cho bàn chân của bạn không bị đổ mồ hôi và nhiễm khuẩn. Các chất liệu như bông và len có khả năng thấm hút tự nhiên cao hơn và những đặc tính hút ẩm này cực kỳ quan trọng trong những tháng mùa đông.

Ngoài ra, để tránh da khô nứt nẻ và cải thiện tình trạng gót chân bị khô, chúng ta nên thoa vaselin lên gót chân trước khi đi ngủ sau đó đi tất chân.

Tóm lại: Nứt gót chân là bệnh không quá nguy hiểm, nhưng nó ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và cuộc sống thường ngày của người bệnh. Nếu gót chân khô nứt quá nặng hoặc không cải thiện sau khi áp dụng các phương pháp trên, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ và làm các xét nghiệm cần thiết.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục