Các nước chủ nhà từng tiêu tốn thế nào cho World Cup?

Hầu như các nước chủ nhà đều lỗ nếu tính trên thu nhập trực tiếp từ World Cup, chỉ trừ trường hợp của Nga năm 2018.

Qatar được cho là đã chi 300 tỷ USD trong 12 năm kể từ khi giành quyền đăng cai World Cup 2022. Phần lớn số tiền được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm sân vận động và một hệ thống tàu điện ngầm mới phục vụ 1,5 triệu du khách.

Đăng cai các sự kiện thể thao lớn hầu như luôn là một khoản đầu tư tốn kém đối với các chủ nhà. Với Qatar năm nay, họ hy vọng giải đấu mang về 17 tỷ USD cho nền kinh tế. Vậy trong các lần World Cup trước, các nước đứng ra tổ chức đã thu – chi cho sự kiện này ra sao?

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Lausanne (Thụy Sĩ), từ năm 1964 đến 2018, 31 trong số 36 sự kiện lớn (chẳng hạn như World Cup hoặc Thế vận hội mùa hè và mùa đông) đều lỗ.

Chi phí và doanh thu các kỳ World Cup theo thống kê của Đại học Lausanne. Đồ họa: The Economist

Chi phí và doanh thu các kỳ World Cup theo thống kê của Đại học Lausanne, lấy giá năm 2018 làm gốc. Đồ họa: The Economist

Trong số 14 kỳ World Cup mà họ đã phân tích, chỉ có một kỳ từng có lãi. Đó là World Cup 2018 tại Nga, với thặng dư 235 triệu USD. Kết quả đạt được nhờ một thỏa thuận khổng lồ về bản quyền phát sóng. Tuy nhiên, giải đấu cũng chỉ đạt được tỷ suất hoàn vốn (ROI) là 4,6%. Thống kê này loại trừ kỳ World Cup 1986 của Mexico do không có dữ liệu đầy đủ.

Hầu như tất cả chi phí chính phải bỏ ra thuộc về trách nhiệm nước đăng cai. Trong khi đó, FIFA – cơ quan quản lý sự kiện này – chỉ đài thọ các chi phí hoạt động. Nhưng họ hưởng phần lớn doanh thu: bán vé, tài trợ và bản quyền phát sóng. Ví dụ, World Cup gần đây nhất đã mang lại cho FIFA 5,4 tỷ USD. Một phần trong số tiền này sau đó được chuyển cho các đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, dữ liệu của Đại học Lausanne chỉ thống kê các chi phí liên quan trực tiếp như xây dựng sân vận động, hậu cần và chi phí nhân sự cho giải đấu. Họ bỏ qua giá trị đầu tư của các dự án gián tiếp, như cơ sở hạ tầng tàu điện ngầm và khách sạn mới như trong con số tổng cộng 300 tỷ USD của Qatar.

Cũng cần lưu ý, một số dự án cơ sở hạ tầng sẽ hữu ích cho nền kinh tế hơn trong dài hạn. Ngược lại, nhiều sân vận động tốn kém cuối cùng không được sử dụng và các sự kiện hiếm khi thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở các khu vực xung quanh.

Người dân các thành phố chủ nhà đã bắt đầu đặt câu hỏi về lợi ích của việc chính phủ họ chi hàng tỷ USD cho các sự kiện thể thao lớn. Kết quả là, có ít quốc gia tình nguyện đăng cai hơn. Từng có 7 thành phố đấu thầu đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 2016. Nhưng với kỳ Olympic 2024, cuối cùng chỉ có hai nhà thầu.

Những khoản chi phí khổng lồ dành cho các sự kiện thể thao lớn chỉ mới phình to gần đây. World Cup 1966, gồm 16 đội, tiêu tốn khoảng 200.000 USD nếu chi cho mỗi cầu thủ (theo giá gốc năm 2018). Nhưng đến năm 2018, con số đó đã tăng lên 7 triệu USD. Chi phí lớn dần do phải xây dựng thêm nhiều sân vận động mới. Ở Qatar, 7 trong số 8 sân vận động là được xây mới. Trong khi năm 1966, Anh không xây mới một sân bóng nào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục