Cá chết kéo dài nhiều tháng chưa rõ nguyên nhân, cả trăm hộ nuôi cá lồng bè trên vùng biển Cát Bà, H.Cát Hải (TP.Hải Phòng) lao đao vì thiệt hại kinh tế lên đến hàng tỉ đồng.
Người dân nuôi cá lồng bè trên vịnh Lan Hạ, TT.Cát Bà, H.Cát Hải (TP.Hải Phòng) phản ánh, cá chết rải rác từ đầu năm 2024 đến nay chưa có dấu hiệu thuyên giảm và chưa rõ nguyên nhân chính thức, khiến hơn 100 hộ nuôi tại đây lao đao, thiệt hại kinh tế không nhỏ.
Cá chết suốt từ đầu năm 2024
Ghi nhận của PV Báo Thanh Niên tại vịnh Lan Hạ trong chiều qua 27.3 cho thấy, khu vực này tập trung nhiều ô lồng bè nuôi cá và cũng là vịnh có lượng phương tiện tàu cá, tàu chở khách du lịch và các loại đò máy ra vào. Tình trạng rác thải, xác cá song chết đang phân hủy, trôi nổi trên mặt vịnh chưa được thu gom triệt để. Trong khi đó, các hộ nuôi cá đang tập trung sử dụng các loại thuốc khử trùng, sát khuẩn pha với nước ngọt để tắm cứu cá.
Là một trong những hộ nuôi cá lồng bè tại vịnh Lan Hạ bị thiệt hại nặng do cá chết, ông Đỗ Văn Toan (trú tại TT.Cát Bà) cho biết, vị trí nuôi cá của gia đình ở nơi nước sâu và thoáng nên cá thương phẩm chết không nhiều so với các hộ nuôi phía trong khu vực hang Vẹm, nơi có mật độ nuôi dày và nước lưu thông kém. Tuy nhiên, số lượng cá song giống bị chết cũng chiếm quá nửa, hơn 20.000 con, ông Toan tính toán mất trắng trên dưới 800 triệu đồng.
Theo ông Toan, tình trạng cá nuôi bị chết kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cá bị chết nhiều nhất vẫn là cá song, gồm: song giống và song thương phẩm có trọng lượng đạt từ 3 – 7 kg/ con. Đây là giống cá mang lại giá trị kinh tế cao bởi được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Trong khi chờ cơ quan chức năng về lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân chính xác khiến cá chết, ông Toan và các hộ nuôi cá lồng bè tại Cát Bà cho rằng, nguyên nhân cá chết là do vực nuôi thả cá bị ô nhiễm môi trường, khiến dịch bệnh phát triển, trong đó cá bị nấm, lở loét ngoài da có thể nhìn bằng mắt thường.
Rầu rĩ vì cá chết, ông Đinh Như Đang (quê H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) bồn chồn như đang ngồi trên đống lửa, mong dịch bệnh sớm qua để 3 – 4 tấn cá thành phẩm và cá đang trong giai đoạn lớn dưới bè được an toàn. Theo ông Đang, cá chết ở bè gia đình ông cũng như các hộ nuôi khác chết rải rác từ đầu năm đến nay. Số lượng cá chết tuy không được thống kê, cân đong đo đếm cụ thể nhưng áng chừng cũng khoảng 1 tấn cá các loại, thiệt hại trên dưới 200 triệu đồng.
- .https://kinhtehaiphong.vn/nong-dan-thu-nhap-gap-10-lan-neu-san-xuat-tom-lua-quy-mo-lon/
- .https://kinhtehaiphong.vn/cho-truyen-thong-bat-nhip-kinh-doanh-truc-tuyen/
Chưa kết luận được nguyên nhân
Liên quan đến hiện tượng cá nuôi ngoài biển Cát Bà của người dân bị chết, sáng 28.3, ông Đỗ Đức Thịnh, Phó trưởng Chi cục Thủy sản – phụ trách điều hành Chi cục (Sở NN-PTNT TP.Hải Phòng) xác nhận, hiện tượng cá nuôi lồng bè trên vịnh Lan Hạ chết là có thật. Cá chết được ghi nhận rải rác từ nhiều tháng nay và chi cục đã cử cán bộ ra kiểm tra, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; yêu cầu cá chết phải được thu gom, đưa đi tiêu hủy càng sớm càng tốt, không vứt ra ngoài khu vực nuôi sẽ làm phát tán nguồn dịch bệnh.
Về nguyên nhân cá chết, ông Thịnh nói phải chờ lấy mẫu gửi đi xét nghiệm thì mới có kết luận chính thức. Tuy nhiên, theo nhận định cá nhân của ông Thịnh, ngoài miền Bắc hiện tại đang là thời điểm chuyển mùa nên vi khuẩn có hại cho vật nuôi phát triển. Đặc biệt tại vùng nước quẩn, lưu thông kém như khu vực bến Bèo kéo ra khu hang Vẹm thuộc vịnh Lan Hạ, vốn hàng chục năm qua khu vực này phát triển nóng về hoạt động nuôi cá lồng bè, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.
“Chỉ cần 1 con giống bị nhiễm virus gây hại nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời thì sẽ lây lan diện rộng, lan sang cả những đàn cá thương phẩm là điều khó tránh khỏi”, ông Thịnh nói và khuyến cáo, các chủ cơ sở nuôi cá hãy thận trọng trong việc nhập con giống. Con giống trước khi được đưa từ tỉnh ngoài, địa phương khác về nuôi thả phải được tầm soát dịch bệnh, để đảm bảo độ an toàn, không đây chính là nguồn lây dịch bệnh.
Về phía Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, ông Phùng Quang Tuyền, Phó giám đốc ban, cho biết so với những năm trước, số lượng cá chết năm nay không nhiều và chết rải rác trong nhiều ngày. Cá chết đến đâu, đội thu gom rác của ban đều đến vận chuyển lên bờ, đưa đến nơi xử lý chôn lấp tập trung của huyện. Tuy nhiên, trên thực tế ông Tuyền thừa nhận, vẫn còn có người dân ý thức kém về công tác phòng chống dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường, sẵn sàng vớt cá chết trong ô lồng của gia đình họ, rồi đẩy ra khỏi khu vực nuôi, để mặc cho sóng biển đưa đẩy.
Nguồn: thanhnien.vn