Bảo vật quốc gia nghìn năm tuổi ở Hải Phòng có gì đặc biệt?

Trong số 29 hiện vật, nhóm hiện vật vừa được công nhận bảo vật quốc gia, có 3 cổ vật ở Hải Phòng.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023). Trong 29 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia có 3 bảo vật nằm trong bộ sưu tập tư nhân An Biên của ông Trần Đình Thăng (69 tuổi, Tổng thư ký Hội cổ vật Hải Phòng).

Ba bảo vật quốc gia gồm: Bình đồng Đông Sơn, niên đại: Văn hóa Đông Sơn, thế kỷ II – I trước sau Công nguyên; bình gốm hoa nâu, niên đại thế kỷ XI – XII; lư hương gốm men lam xám, niên đại khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 – 1591), đời vua Mạc Mậu Hợp.

Trả lời PV VTC News, ông Trần Đình Thăng cho biết, bình đồng Đông Sơn vừa được công nhận bảo vật quốc gia, là chiếc bình độc nhất vô nhị tới nay được tìm thấy trong nước và quốc tế. Điểm độc đáo của cổ vật là chân đế đúc rỗng với đường nét hoa văn liền mạch, khúc chiết, tạo chiều sâu mỹ cảm thưởng ngoạn. Bình được đúc với khối hình lớn, cao 53cm, đường kính miệng 15,7cm, thân 37cm, chân đế 34cm, trọng lượng 7,5kg. Bình đồng Đông Sơn là tác phẩm nghệ thuật mang giá trị tiêu biểu của kỹ nghệ đúc đồng và trang trí điển hình của người Việt cổ trên đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn.

Bình gốm hoa nâu cao 25,5cm, đường kính miệng 22,7cm, đáy 18cm, trọng lượng 2,7kg, là hiện vật tiêu biểu cho sự phát triển đỉnh cao kỹ nghệ gốm thời Lý (1009-1225). Bình được các chuyên gia nhận định là pháp bảo thuộc dòng đồ phục vụ Phật giáo, dùng đựng xá lợi, pháp thân của bậc trí giác, trí tâm kiết tường để thờ phụng trong bảo tháp hay quốc tự.

Lư hương gốm men lam xám cao 41cm, đường kính miệng 23,5cm, đế 21cm, nặng 7,3kg. Lư hương là sự kết hợp kỹ thuật đắp nổi, khắc chìm, in dán và tạo khắc độ dày mỏng của lớp men phủ vào đồ án trang trí.

Chiếc lư hương là độc bản, khối hình đẹp và còn khá nguyên vẹn. Căn cứ vào đề tài, minh văn cho thấy lư hương do tầng lớp quý tộc, hoàng thân quốc thích đặt làm cung tiến vào nơi tôn nghiêm hay quốc tự.

Ba năm liên tiếp, ông Thăng có 18 trong tổng số gần 500 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó, năm 2021 có 9 hiện vật gốm men trắng, có từ triều Lý được công nhận gồm 4 ấm, 2 liễn và 3 đĩa.

6 hiện vật công nhận năm 2022 gồm 2 chiếc đĩa gốm men ngọc (niên đại thời Lý, thế kỷ XI – XII), đĩa gốm men lam tím và lư hương gốm hoa lam (cùng niên đại thời Lê sơ, thế kỷ XV), 2 đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê (niên đại thế kỷ XVI – XVII).

Theo đánh giá của các chuyên gia, bộ sưu tập cổ vật An Biên là một di sản lớn, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, thể hiện ở số lượng hiện vật, loại hình đa dạng, hình thức độc đáo, tính nguyên gốc và toàn vẹn. Gần 500 cổ vật trong bộ sưu tập đều có hồ sơ khoa học, được ông Thăng đăng ký với cơ quan Nhà nước. Ông Thăng dự kiến sẽ dừng gửi hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia để tập trung bảo tồn và phát huy giá trị của 18 bảo vật trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục