Ám ảnh “tín dụng đen”

“Tín dụng đen” như cục ung nhọt, len lỏi, gặm nhấm, xâm lấn vào mọi ngóc ngách của đời sống một bộ phận người lao động yếu thế. Hễ chặt chiếc vòi bạch tuộc này, nó lại mọc ra một cái vòi khác, không ngừng phát triển dưới những vỏ bọc khác nhau.

Cả xã hội đã và đang vào cuộc, ráo riết triệt xóa tệ nạn này, phần còn lại thuộc về người vay. Ngoài cảnh báo, thì câu hỏi đặt ra, làm thế nào để người dân nghèo không còn tìm đến “tín dụng đen” nữa?

Gửi giấy đòi nợ về tận quê

Mấy ngày nay, bà Nguyễn Thị D., ngụ xã Ea Kuếh, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk lòng nóng như lửa đốt, đứng ngồi không yên khi nhận được “giấy đòi nợ” của một công ty tài chính gửi về. Số tiền con gái bà D. đang nợ công ty là 9,4 triệu đồng, trong đó đã 84 ngày không trả nợ theo quy định. Gần 3 tháng qua, “công ty” liên tục gọi điện, nhắn tin cho chị Trần Thị L. nhưng không được phản hồi.

Ám ảnh “tín dụng đen” -0
Chị T. buồn bã và ám ảnh bởi khoản nợ “tín dụng đen”

Chính vì vậy, họ phải gửi giấy đòi nợ về tận nhà cho gia đình. Nội dung trong “giấy đòi nợ” khiến bà D. rất lo sợ, họ nói rằng, con gái bà đã vi phạm quy định trong hợp đồng vay vốn. Nếu không trả nợ thì con gái bà sẽ phải đi hầu tòa và “cơ quan cảnh sát điều tra”. Mặt khác, nếu con gái bà trốn ra nước ngoài thì cả đời này sẽ nằm trong danh sách “đen” không bao giờ được vay vốn bất cứ ngân hàng nào nữa. Đồng thời, khoản nợ không mất đi mà sẽ được tính lãi mẹ đẻ lãi con, cứ thế mà nhân lên.

 Bà D. vội vàng gọi điện cho con gái nhưng nó dửng dưng, quyết không trả nợ. Một tháng sau, bà D. nhận được cuộc gọi từ chủ nợ, với lời dọa rất đanh thép: Đã làm đơn tố cáo ra Cơ quan cảnh sát điều tra.

Ám ảnh “tín dụng đen” -0
“Giấy đòi nợ” gửi về tận nhà các “con nợ”

Được biết, chị Trần Thị L. có vay 6 triệu đồng để mua điện thoại, do chị nghỉ việc không có lương trả hàng tháng nên tính “ỉm đi” số nợ bằng cách không nghe máy của công ty đòi nợ. Cũng vì đã nghỉ việc nên công ty không có cách nào tìm kiếm được chị L., buộc họ quay sang gây sức ép với gia đình. Cả xã biết chuyện con gái nợ “tín dụng đen”, họ lời ra tiếng vào khiến bà D. quá ê chề. Gia cảnh nghèo khó, cả nhà chỉ có một con bò là tài sản lớn nhất, bà D. không thể giúp con gái trả nợ được. Cuộc sống bị áp lực nghiêm trọng, giấy đòi nợ biên về nhiều lần, cuộc gọi dọa nạt liên tiếp gọi đến, bà D. uất nghẹn đến mất ăn mất ngủ.

Không chỉ bà D. rơi vào cảnh bị đòi nợ “tín dụng đen”, ở làng quê, một số gia đình có con cháu đi làm, đi học tại TP Hồ Chí Minh cũng nhận được giấy đòi nợ từ các công ty tài chính. Ông Hoàng Văn C., 75 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, Bình Phước có đứa cháu nội đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương từ đầu năm đến nay không hề liên lạc về nhà. Đùng một cái, ông nhận được giấy báo nợ của cháu là anh Hoàng Văn M. với số tiền 15 triệu đồng. Ông C. gọi điện cho cháu thì không liên lạc được, nó đã thay số điện thoại từ bao giờ.

Ngoài nhận giấy nợ, ông C. còn nhận những cuộc gọi tra tấn về tinh thần, họ dọa nếu không trả nợ thì cháu ông có thể sẽ đi tù. Ông C. trả lời, mình già rồi, làm gì có tiền mà trả. “Bố mẹ nó chia tay mỗi người một nơi, nó ở với tôi từ nhỏ nên nhập khẩu cùng tôi, nay người ta gửi giấy nợ về theo địa chỉ hộ khẩu và cứ nhằm tôi mà đòi”, ông C. buồn bã kể.

Được biết, anh Hoàng Văn M. vay tín chấp 9 triệu đồng để mua xe máy, nhưng do lương công nhân mấy tháng liền không tăng ca nên chỉ đủ sống, không có khả năng trả góp mà cũng không vay mượn được ai. Bí quá, anh M. thay luôn số điện thoại định bụng sau thời gian lương tăng thì sẽ quay lại trả nợ. Không ngờ, công ty gửi giấy về tận nhà ông nội, gây áp lực cho ông.

Anh M. cho biết, đây không phải lần đầu anh vay tín chấp, trước đó anh từng vay mua điện thoại di động. Lần đó, anh M. vay tín dụng được dán quảng cáo ở… cột điện. Họ cho anh vay 5 triệu, mỗi tháng phải trả lãi 800 ngàn đồng, sau 3 tháng không trả cả gốc thì sẽ chịu phạt nặng. Cách đòi nợ của nhóm cho vay “tín dụng đen” cũng thật hãi hùng, cứ đến tháng phải trả lãi, chúng cho hai đệ tử túc trực tại cổng công ty nơi anh M. làm việc, sau đó hộ tống anh về phòng trọ để thực hiện nghĩa vụ. Anh M. bằng mọi cách phải trả tiền, không có thì đi vay, không trả là không xong. Sau lần đó, anh M. tự nhủ với lòng mình sẽ “chừa” tới già, dù có đói rách cũng không vay kiểu xã hội này nữa. Tuy nhiên, khi mua xe máy mới, anh M. được nhân viên giới thiệu bên ngân hàng uy tín, cho vay lãi suất thấp, trả chậm. “Người ta ngồi tại bàn làm việc, có đồng phục, có hợp đồng giấy tờ đàng hoàng nên tôi tin, ai ngờ chỉ được mẽ bề ngoài, bên trong thì thật khủng khiếp”, anh M. chia sẻ.

Giấy nợ đưa về nhà, hàng xóm xì xào, ông nội lo lắng đổ bệnh nên anh M. quyết định bán xe máy để trả nợ. Anh M. không thể ngờ rằng, họ cộng lãi, rồi phạt quá nặng, tính ra số tiền anh M. phải trả lãi hơn cả số tiền gốc đã vay. 

Không chỉ dọa bằng miệng suông, nhiều trường hợp “quỵt” nợ khi vay tín dụng đã phải ngậm trái đắng. Cách đây 3 năm, chị Trần Huyền T., 30 tuổi, ngụ Bình Dương vay tín chấp của công ty tài chính 6 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng. Mặc dù đã trả lãi đều đặn hàng tháng, nhưng tròn một năm phải trả cả gốc thì chị T. bị sa thải, không có khả năng trả nợ. Trong lúc túng quẫn, chị T.  nghĩ đến việc “xù” nợ bằng cách bỏ phố về quê, thay số liên lạc. Trong thời gian này, gia đình chị T. chuyển hộ khẩu về Long An nên công ty gửi giấy nợ về địa chỉ cũ không có ai nhận.

Sau 2 năm im hơi lặng tiếng, chị T. nghĩ có thể công ty tìm không ra con nợ, hơn nữa có 6 triệu đồng thì người ta không thể làm gì mình được. Chị T. bắt đầu tính chuyện mở một quán ăn tại khu công nghiệp Long Hậu, Long An. Để có vốn làm ăn, chị T. mang sổ đất ra ngân hàng thế chấp. Tại đây, chị T. được thông báo mình nằm trong danh sách “đen” có nợ xấu nên không được vay. Loay hoay tìm mọi cách, kể cả nhờ người khác đứng vay cũng không được, chị T. buộc phải tìm chủ nợ để thanh toán, mong xóa “án tích nợ xấu” để mở đường làm ăn. “Tôi không ngờ sự việc lại thành ra như vậy, giờ số tiền phải trả gấp nhiều lần tiền gốc ban đầu. Cứ nghĩ đến nó, tôi ám ảnh từng đêm”, chị T. chua chát trải lòng.

Chung tay đẩy lùi “tín dụng đen”

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay vấn nạn “tín dụng đen” tiếp tục hoành hành trở lại với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như: Dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn. Đặc biệt, hoạt động của nhóm tội phạm này đã biến tướng dưới mọi hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao.

Ám ảnh “tín dụng đen” -0
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần hướng người dân đến những khoản vay an toàn

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho biết, từ sau Tết Nguyên Đán 2022, phía Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh ghi nhận phản ánh từ các địa phương việc công nhân, người lao động vay nợ “tín dụng đen” bị khủng bố vì mất khả năng chi trả. Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng, không chỉ các đoàn thể mà cả chính quyền địa phương cũng tuyên truyền, hỗ trợ cho người lao động, hướng họ tới những khoản vay an toàn, có lãi suất phù hợp với khả năng chi trả như vay tín chấp ở Ngân hàng Chính sách xã hội; Tổ chức tài chính vi mô CEP (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)… Ngoài ra, nhiều tỉnh thành cũng có chương trình hỗ trợ vốn cho người lao động.

Theo bà Thúy, các đơn vị quản lý nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước phải mạnh tay kiểm tra, rà soát, siết lại các hoạt động của các công ty chuyên cho vay, chuyên mua bán nợ, đòi nợ thuê. Cần làm rõ các tổ chức trên có vi phạm pháp luật không, lãi suất cao chắc chắn vi phạm pháp luật rồi. Thực tế, nhiều tổ chức, công ty cho vay hiện nay chỉ khác về hình thức hoạt động, bản chất vẫn là “tín dụng đen”. Họ xây dựng cho mình một bộ mặt hào nhoáng, đáng tin cậy để chiếm lòng tin của khách hàng.

Ám ảnh “tín dụng đen” -0
Công nhân và những người có thu nhập thấp luôn là đối tượng chính rơi vào vòng xoáy “tín dụng đen”

Tại hội thảo vào ngày 18-10, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Những số liệu trên cho thấy, tài chính tiêu dùng góp phần giúp người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế tiếp cận được dòng vốn của các công ty tài chính, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Dù có nhiều kế hoạch hành động mạnh mẽ từ cơ quan quản lý, hoạt động của 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép vẫn bị hiểu nhầm với các công ty tài chính mạo danh hoặc “tín dụng đen”.

Để “tín dụng đen” không còn len lỏi được chân rết vào đời sống xã hội, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Bất kỳ tổ chức nào không được cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên, chức danh hoặc trong phần phụ thêm của tên, hoặc trong giấy tờ giao dịch, hoặc quảng cáo khiến khách hàng có thể nhầm lẫn đều vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng.

Nguồn: cand.com.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục